Theo đó, xu huớng tích cực sẽ vẫn là yếu tố chủ đạo trong năm 2016, cũng như trong giai đoạn 2016-2020, báo hiệu một chu kỳ phát triển kinh tế mới đang bắt đầu, kế thừa cả những yếu tố tích cực và tiêu cực của chu kỳ trước. Chu kỳ mới giai đoạn 2016-2020 thừa hưởng nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp và nền kinh tế không bị ảnh hưởng nhiều bởi các dòng vốn nóng như các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, báo cáo của VEPR cũng chỉ ra rằng, nền tảng thực sự của nền kinh tế còn yếu. Hoạt động của hệ thống ngân hàng chưa thực sự lành mạnh và minh bạch, các biện pháp quản lý còn mang tính hành chính, khiến cho hệ thống mang tính huyết mạch của nền kinh tế này trở nên mong manh truớc những biến động kinh tế. Nợ xấu dù đã được cơ cấu lại trong giai đoạn khủng hoảng, nhưng vẫn tạo ra những rủi ro tiềm ẩn cho hoạt động của hệ thống.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, có 3 rủi ro lớn mà nền kinh tế sẽ phải đối mặt, trong đó, tình trạng bội chi ngân sách đang tăng nhanh sẽ là rủi ro lớn nhất. Cùng với đó, nguy cơ lạm phát trở lại và thị trường ngoại hối đối diện với sự bất ổn, gây sức ép lên tỷ giá trong nuớc.
Mặc dù vậy, dấu hiệu tích cực đáng ghi nhận là dòng vốn đầu tư vào nội địa đang có dấu hiệu khả quan, sau khi TPP được ký kết và làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ. Theo đó, VEPR kỳ vọng, tỷ giá sẽ không chứng kiến những cú sốc lớn như trong năm 2015 và biến động khoảng 3-4% trong năm 2016. Về mặt bằng giá, VEPR dự báo, tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở quanh mức 5%.
“Trong kịch bản thận trọng, lạm phát vào khoảng 4,2%. Tuy nhiên, do mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp, nên không loại trừ việc lạm phát 2016 sẽ vuợt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ”, ông Thành nhận định.
Về tổng thể, theo nhận định của VEPR, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay là hết sức tham vọng, đòi hỏi cần phải có những nỗ lực cải cách đột phá mạnh mẽ. Để thực hiện mục tiêu này, cần quay trở lại mục tiêu ưu tiên cao nhất cho các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng kinh tế đã hồi phục. Theo đó, các nhóm giải pháp lớn được VEPR đặc biệt nhấn mạnh:
Thứ nhất, Chính phủ cần có quyết tâm cao để giữ kỷ luật tài khóa, giảm chi ngân sách thông qua việc mạnh mẽ cắt giảm chi tiêu thuờng xuyên, thu hẹp bộ máy hành chính và kiểm soát các khoản chi đầu tư từ nguồn vốn ODA.
Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu điện, nước. Chấm dứt sử dụng các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính, làm méo mó thị trường và giảm hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa.
Thứ ba, kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài, dẫn tới hình thành bong bóng tài sản, đồng thời thận trọng với sự tăng truởng của thị truờng bất động sản.
Về lãi suất, VEPR khuyến nghị, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị truờng có thể tự điều chỉnh một cách linh hoạt, cân đối cung-cầu về vốn.
Đồng thời, cần phát triển thị trường vốn, việc hình thành “đường cong lãi suất” cần được ưu tiên cao để phát triển thị truờng tài chính, tạo cơ sở tiên quyết để giảm chi phí vốn, thúc đẩy đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân, tạo nền tảng cho tăng năng suất trong dài hạn.
TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược
Cần tham vấn cho Chính phủ sâu hơn các giải pháp đột pháCần làm rõ thêm những khó khăn và vấn đề lớn mà nền kinh tế hiện nay phải đối mặt, đó là 3 tháng đầu năm nay, số lượng DN dừng hoạt động vẫn tăng lên, chỉ 40% DN có lãi, nợ công cao, nợ xấu tăng, lãi suất quá cao…
Trong tình hình như vậy, DN gặp rất nhiều khó khăn, chi phí sản xuất và giá cả cũng ảnh hưởng khi lãi suất cao. Bên cạnh đó, cần làm rõ nền tảng mới là gì, để nền kinh tế có động lực mới cho phát triển. Nền tảng là thể chế, công nghệ mới là nền tảng của tăng trưởng.
Một điều quan trọng nữa là báo cáo cần chú trọng thêm vấn đề chính phủ mới, nhân sự lãnh đạo mới sẽ có những giải pháp đột phá nào cho tăng trưởng, các nhà nghiên cứu cũng cần tham vấn cho Chính phủ sâu hơn về các giải pháp này.
TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế
Môi trường là vấn đề sinh tử, thể chế phải thay đổi để phù hợp
Chúng ta đang đứng trước bước ngoặt lớn khi sắp tới chuẩn bị thực hiện TPP, sau đó là các hiệp định hợp tác toàn diện. Trong bối cảnh này, không thể không đẩy mạnh cải cách, đặc biệt là về thể chế, hệ thống luật pháp và môi trường kinh doanh.
Đây cũng là những vấn đề trọng tâm cam kết trong TPP và các FTA đã ký nên cần được xem xét kỹ. Một vấn đề quan trọng đang nổi lên là môi trường và mối tương quan với tăng trưởng bền vững.
Gần đây, môi trường nước ta có vấn đề rất nghiêm trọng như các vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung, xâm nhập mặn, hạn… ở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp và ngân sách. Tôi nghĩ, vấn đề môi trường là vấn đề sinh tử, thể chế phải thay đổi để phù hợp.