Hiện có nhiều tổ chức quốc tế đưa ra các dự báo về kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2016-2017, thậm chí đến năm 2020. Đặc điểm nổi bật trong các dự báo mới nhất của các tổ chức này là hạ mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, so với dự báo tăng trưởng trong 2016 thấp hơn 2015.
Cụ thể, Tạp chí Tình báo kinh tế Anh (EIU) dự báo tăng trưởng kinh tế 2016 thấp hơn 2015 (2,3% so với 2,4%) tính theo giá thị trường và bằng năm 2015 (3,1% và 3,1%) tính theo sức mua tương đương; trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2016 cao hơn năm 2015 (3,4% so với 3,1%)…
Như vậy, kinh tế thế giới có phục hồi, nhưng chậm và còn nhiều yếu tố bất định do các nền kinh tế mới nổi vốn là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh (Trung Quốc), thậm chí rơi vào suy thoái (Nga, Brazil).
Nhìn nhận về sự phát kinh tế Việt Nam, ông Tuyển cho rằng, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt trên các cấp độ (sản phẩm, DN, chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh giữa các nước, nhất là trong Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC).
“Khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ dễ bị tổn thương. Nếu không bảo đảm tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh, sản phẩm cũng không thể xâm nhập được vào thị trường các nước có FTA với Việt Nam, cho dù họ có đưa thuế nhập khẩu về 0%, trong khi sản phẩm của họ lại dễ dàng vào nước ta”, ông Tuyển lo ngại.
Theo ông Tuyển, những hạn chế, yếu kém nội tại của Việt Nam như: căng thẳng trong cân đối ngân sách, nợ công tăng cao; nợ xấu chưa được xử lý tốt (chủ yếu là gom về Công ty Quản lý tài sản – VAMC); doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn (nguy cơ hai nền kinh tế trong một quốc gia là hiện hữu); các hoạt động tái cơ cấu (đầu tư, TCTD, DNNN và nông nghiệp) đều diễn ra chậm… sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng trong năm 2016 và cả những năm sau đó.
Cụ thể, lãi suất huy động đang tăng ở tất cả các TCTD và ở tất cả các kỳ hạn, cho nên rất khó giữ mặt bằng lãi suất cho vay như năm 2015. Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng Sông Cửu Long không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, mùa vụ năm nay, mà còn ở cả những vụ sau, năm sau. T
ăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp qúy I/2016 giảm 1,23%, tăng trưởng công nghiệp cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (6,72% so với 8,74%), kéo theo tăng trưởng quý I/2016 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn mức tăng của quý I/2015 (đạt 6,12%).
“Đã có những dấu hiệu cho thấy, kinh tế năm 2016 khó khăn hơn năm 2015”, ông Tuyển nhìn nhận.
Bà Virginia Foote, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Bay Global Strategies USA cho hay, dù là nước xuất khẩu nông nghiệp lớn, nhưng Việt Nam mới chỉ làm về khối lượng, chứ không phải giá trị. Vấn đề này cần phải được thay đổi. Là thành viên TPP sẽ giúp Việt Nam tăng thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, đối xử quốc gia là nguyên tắc căn bản của TPP. Chính vì vậy, tất cả các DN sẽ được đối xử công bằng, không được phân biệt trong hay ngoài nước.
Theo bà Virginia Foote, Việt Nam đang phải trả thuế rất lớn để các sản phẩm dệt may được đưa vào Mỹ, tiền thuế chỉ xếp sau Trung Quốc. Lợi ích vào TPP là thuế cho hàng may mặc sẽ giảm ngay 60% và tiếp tục giảm trong thời gian tiếp theo. Tất nhiên, DN phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ với quy tắc “tính từ sợi trở lên”...
Ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng, các DN Việt Nam cần sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, phải chú ý các yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc của nguyên vật liệu và các thành phần được sử dụng để sản xuất, lắp ráp thành phẩm xuất khẩu sang một nước TPP.
“Thách thức đối với Việt Nam đó là, các công ty vẫn chưa sẵn sàng cho những quy tắc và tiêu chuẩn mới. Sự thiếu hụt nguồn nhân công có tay nghề và cơ sở hạ tầng mềm, các tiêu chuẩn kế toán và chi tiêu tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn…” bà Virginia Foote nói.