ĐTCK trao đổi với TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về vấn đề này.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 diễn ra trong hai ngày, nhưng Chính phủ đã dành hẳn nửa ngày để thảo luận dự thảo Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Ông nhìn nhận gì về động thái này?
TS. Vũ Tiến Lộc
Dự thảo đang được gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành. Đây là lần đầu tiên Chính phủ có một nghị quyết về phát triển DN cho cả nhiệm kỳ 5 năm tới, nhưng được cập nhật, bổ sung hàng năm cho phù hợp với diễn biến thực tiễn.
Đây là một bước quan trọng cụ thể hóa lựa chọn của nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới: coi DN là vấn đề trung tâm cần tháo gỡ khó khăn, triển khai các giải pháp hỗ trợ nhằm tạo xung lực mới cho phát triển cộng đồng DN nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Sau những khó khăn, thậm chí được coi là mất mát đối với nhiều DN trong thời gian qua, hiện sức lực của DN vẫn suy giảm, nên cần có những chính sách mạnh mẽ từ phía Chính phủ để giúp DN hồi phục, nâng cao năng lực cạnh tranh để chuẩn bị cho tham gia sân chơi hội nhập với tính chất cạnh tranh gay gắt và khắc nghiệt hơn.
Nghị quyết sẽ được ban hành với rất nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ cả trong trước mắt và dài hạn. Trong đó nhấn mạnh, để các biện pháp tạo động lực mới cho phát triển DN được thực thi hiệu quả, thì không chỉ cần nâng cao trách nhiệm của hệ thống cơ quan công quyền, mà còn nhấn mạnh cả trách nhiệm của cộng đồng DN trong kinh doanh tuân thủ pháp luật, liêm chính và thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội.
Nghĩa là trách nhiệm được đặt ra cho cả hai phía, để tạo lập niềm tin cho nhau. Chính phủ đặt niềm tin vào cộng đồng DN, còn DN có niềm tin vào môi trường kinh doanh, vào chính quyền. Nếu khơi dậy được niềm tin trong cộng đồng DN, thì sẽ tạo động lực phát triển DN trong thời gian tới.
Trên thực tiễn, việc tổ chức thực thi các giải pháp cải cách còn nhiều yếu kém khiến DN quan ngại. Liệu tình trạng này có được khắc phục trong thời gian tới, thưa ông?
Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách tốt của Quốc hội, Chính phủ được ban hành, nhưng đã không được thực hiện hiệu quả. Ngay như việc triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia cũng đạt kết quả thực thi không cao. Các bộ, ngành, địa phương khá chểnh mảng trong tổ chức thực thi các quyết sách này.
Tuy nhiên, lần này, Thủ tướng Chính phủ đưa ra quyết định dứt khoát là phải thực thi nghiêm chỉnh, đề cao kỷ luật trong điều hành của Chính phủ. Qua theo dõi các cuộc họp, cũng như cách ứng xử, giải quyết các vấn đề nóng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gần đây cho thấy, Chính phủ nhận thức rất rõ khâu tổ chức thực thi là yếu nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, điểm khác biệt là lần này, Thủ tướng rất nhất quán, mạnh mẽ trong phát đi thông điệp: áp đặt kỷ luật thực thi rất nghiêm ngặt đối với bộ máy hành chính nhà nước để đẩy nhanh cải cách.
Kỷ luật thực thi này gắn trách nhiệm và thời hạn cụ thể với từng cơ quan, người đứng đầu các đơn vị. Người dân và DN đang thấy rõ đây là một Chính phủ hành động, mang lại niềm tin cho DN và cộng đồng.
Chính phủ muốn 2016 là năm khởi nghiệp quốc gia và đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1 triệu DN, có nghĩa là tăng gấp đôi trong vòng hơn 3 năm tới. Ông có cho rằng mục tiêu này là khả thi?
2016 là năm phát động tinh thần khởi nghiệp quốc gia. Đây là điểm khởi đầu cho một quá trình dài hạn, nên cần được Chính phủ, cũng như người dân, cộng đồng DN bền bỉ theo đuổi. Khởi nghiệp không chỉ là tinh thần của người dân và DN, mà còn cả với đội ngũ cán bộ, công chức, của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Tất cả đều phải đổi mới trên tinh thần sáng tạo.
Hiện Việt Nam có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Điều này có nghĩa còn một lực lượng rất lớn có tiềm năng bổ sung vào đội ngũ DN, nên mục tiêu có khoảng 1 triệu DN vào năm 2020 là khả thi, nhất là khi Chính phủ có chủ trương mới là tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để chuyển từ hộ kinh doanh gia đình thành DN.
Để quá trình chuyển đổi này diễn ra nhanh và hiệu quả, cần gấp rút đơn giản hóa thủ tục, đồng thời phải chứng minh được cho người dân thấy rằng chuyển đổi sang DN, họ có lợi hơn so với khi hoạt động dưới mô hình hộ kinh doanh, nghĩa là kinh doanh phi chính thức.