Diễn biến mới tại Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty cổ phần Thương mại - dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng báo cáo Bộ GTVT về Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang - Tháp Chàm theo quy định.
Diễn biến mới tại Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có ý kiến phúc đáp Công ty cổ phần Thương mại - dịch vụ khách sạn Bạch Đằng về Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.

Theo đó, UBND tỉnh này cho biết, Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai, đi qua 2 địa phương tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Do đó, UBND tỉnh đề nghị Công ty cổ phần Thương mại - dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng báo cáo Bộ GTVT theo quy định.

Trước đó, vào tháng 7/2022, Bộ GTVT đã giao Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng chủ trì lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP.

Bộ GTVT yêu cầu Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi phải làm rõ được hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án và phương án tài chính sơ bộ (dự báo nhu cầu, nguồn thu và khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư, thời gian hoàn vốn và thời hạn hợp đồng dự án, khả năng chi trả của cộng đồng người sử dụng, tổ chức bao tiêu).

Bên cạnh đó, nhà đầu tư đề xuất dự án sẽ chịu mọi chi phí, rủi ro trong các trường hợp: Hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư đề xuất không được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án không lựa chọn được nhà đầu tư.

Tại Tờ trình trên, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề xuất khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đi qua địa phận TP. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với chiều dài khoảng 83,5 km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách (tuyến cũ bao gồm 12 ga, tuyến khôi phục bổ sung 2 ga và 2 trạm khách).

Dự án bao gồm 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần có khối lượng lớn hơn là khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát có chiều dài 76,8 km, gồm việc khôi phục, xây dựng mới 64 cầu, 5 hầm, 11 ga, xây dựng toàn bộ kết cấu tầng trên đường sắt. Hợp phần thứ hai là nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt - đoạn đang khai thác với chiều dài 6,7 km, trong đó có việc tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát.

Toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có khổ đường 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30 - 60 km/h; sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.

Trước đó, tháng 11/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận đã làm việc với Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng (nhà đầu tư đề xuất) và Tedi South (đơn vị tư vấn) liên quan đến đề xuất hướng tuyến Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.

Tại buổi làm việc, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng và Tedi South đề xuất, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có chiều dài 83,5 km, qua 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, với 3 đoạn đường ray răng cưa dài 16 km; chiều dài tuyến qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 49 km, với 7 ga.

Để xây dựng tuyến đường sắt qua địa bàn, tỉnh Ninh Thuận dự kiến phải thu hồi 147 ha đất của 303 tổ chức và hộ dân ở huyện Ninh Sơn và TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Chi phí đền bù để giải phóng mặt bằng khoảng 472 tỷ đồng.

Theo ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt sẽ góp phần hoàn thiện thêm hạ tầng giao thông kết nối giữa Ninh Thuận và Lâm Đồng. Đây là tuyến đường sắt răng cưa có ý nghĩa lịch sử, là điểm nhấn để phát triển loại hình du lịch vận tải giữa 2 tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cơ bản thống nhất với đề xuất hướng tuyến của đơn vị tư vấn; đề nghị Sở Xây dựng cùng với UBND huyện Ninh Sơn và TP. Phan Rang - Tháp Chàm hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt để xin ý kiến các Bộ, ban, ngành Trung ương trong tháng 12/2022.

Quan điểm của ông Cảnh là quá trình triển khai dự án cần giữ lại được nét kiến trúc độc đáo của tuyến đường cũ; đồng bộ giữa xây dựng Dự án với các quy hoạch sử dụng đất của tỉnh; có kế hoạch phát triển các khu vực xung quanh các nhà ga nhằm khai thác hết tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, vào ngày 6/7/2022, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận việc lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đồng thời, Dự án này cũng được phê duyệt quy hoạch vào Mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050 tại Quy hoạch tổng thể Phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1769 ngày 19/10/2022.

Theo quy hoạch, việc khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt nhằm mục đích phục vụ du lịch.

Linh Đan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục