Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi đa số các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị trong tuần qua đều biến động trong biên độ khá hẹp thì DBC là mã duy nhất giao dịch sôi động với mức tăng hơn 10%.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCB và MBB

Chúng tôi giảm giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB – sàn HOSE) thêm 2,1% xuống 42.200 đồng/cổ phiếu nhưng giữ nguyên khuyến nghị mua.

Đồng thời, tăng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) thêm 3,7% lên 28.000 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua.

Thị trường đã có tuần giao dịch rung lắc với những phiên tăng giảm xen kẽ và nhóm cổ phiếu trụ cột bank cũng trong xu hướng chung và không mấy ấn tượng. Trong đó, cổ phiếu TCB đón nhận 2 phiên giảm nhẹ và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCB tăng nhẹ 350 đồng (+1,19%) từ mức giá 29.300 đồng/CP lên 29.650 đồng/CP.

Tương tự, cổ phiếu MBB cũng đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu MBB không biến động và đứng nguyên ở mức 18.650 đồng/CP.

* TPBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VRE

Chúng tôi kết hợp 3 phương pháp SoTPs, P/E và P/B để đưa ra giá mục tiêu VRE là 35.100 đồng/CP, upside 25,1% so với giá đóng cửa ngày 11/05/2023. Theo đó, VRE đang giao dịch ở mức P/E khoảng 18.6 lần và P/E forward khoảng 14,6 lần, thấp hơn mức bình quân lịch sử 35,2 lần. Chúng tôi khuyến nghị mua vào dành cho cổ phiếu VRE.

Mặc dù vẫn trong trạng thái biến động trong biên độ hẹp, nhưng sau tuần tăng nhẹ trước đó, cổ phiếu VRE đã quay đầu điều chỉnh. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE giảm 150 đồng (-0,53%) từ mức giá 28.150 đồng/CP xuống 28.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VNM

Với việc giá cổ phiếu đã giảm 10% từ cuối tháng 1/2023 trong khi kỳ vọng biên lợi nhuận cải thiện vẫn giữ nguyên, BVSC nâng khuyến nghị lên lại OUTPERFORM cùng giá mục tiêu 82.400 đồng/cp, dựa trên P/E trung vị 20,5x của các công ty cùng ngành trong khu vực và EPS bình quân 2023 – 2024.

Cổ phiếu VNM đã có tuần rung lắc với các phiên tăng giảm xen kẽ. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM giảm 1.000 đồng (-1,44%) từ mức giá 69.600 đồng/CP xuống 68.600 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua PVT, MBS khuyến nghị nắm giữ PLX, PHS khuyến nghị mua PVS

VCSC nâng giá mục tiêu cho Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) thêm 3,3% lên 24.700 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua. Chúng tôi tăng giá mục tiêu chủ yếu do chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 thêm 1%, đến từ giả định mức tăng trưởng 5% giá cước gia hạn đối với các hợp đồng vận tải cho BSR theo kế hoạch của PVT, bên cạnh tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu của chúng tôi đến giữa năm 2024.

Trong khi đó, kết hợp Phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền, so sánh PE, PB, MBS cho rằng, giá trị cổ phiếu của Công ty được xác định ở mức 40.800 đồng/CP cho 12 tháng tới, chúng tôi khuyến nghị giữ cổ phiếu PLX.

Mặt khác, sử dụng phương pháp P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 31.400 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 22%. Định giá này chưa tính đến dự án Lô B – Ô Môn trong năm 2023 vì chúng tôi cho rằng dự án chỉ bắt đầu triển khai từ năm 2024.

Nhóm cổ phiếu họ P đã có phiên giao dịch bùng nổ ngày cuối tuần 19/5 và trở thành điểm nhấn của thị trường. Trong đó, PVS là điểm sáng ngành khi tiếp tục có thêm tuần giao dịch khởi sắc với việc đón nhận duy nhất 1 phiên giảm và 4 phiên tăng. Tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu PVS tăng 2.000 đồng (+7,6%) từ mức giá 26.300 đồng/CP lên 28.300 đồng/CP.

Cổ phiếu mặc dù cũng đón nhận tới 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày giữa tuần, nhưng với biên độ khá hẹp, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu PLX chỉ tăng 50 đồng (+0,13%) từ mức giá 37.550 đồng/CP lên 37.600 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu thuộc ngành vận tải biển là PVT lại có phần kém tích cực trong tuần qua, không được như kỳ vọng của VCSC. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS giảm 200 đồng (-0,96%) từ mức giá 20.800 đồng/CP xuống 20.600 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VEA

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) do chúng tôi đánh giá cao mức độ tiếp xúc lớn của công ty với thị trường xe máy rộng lớn của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ ô tô trong dài hạn cả nước và lợi suất cổ tức cao của VEA.

Cổ phiếu VEA tiếp tục có tuần hồi phục nhẹ thứ 2 sau những tuần rung lắc và điều chỉnh nhẹ từ cuối tháng 3. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 2 phiên đứng giá và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VEA tăng 900 đồng (+2,42%) từ mức giá 37.200 đồng/CP lên 38.100 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DPM và DCM

DPM đang giao dịch tại mức P/E 2023 là 9,1x; gần với mức trung bình 5 năm ngành phân bón là 10,1x. Với phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) và P/E, BVSC khuyến nghị NEUTRAL cho DPM với giá mục tiêu là 36.300 đồng/cổ phiếu – với tỷ suất sinh lời là 9%.

DCM đang giao dịch tại mức P/E 2023 là 8,9x; gần với mức trung bình 5 năm ngành phân bón là 10,1x. Với phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) và P/E, BVSC khuyến nghị NEUTRAL cho DCM với giá mục tiêu là 27.700 đồng/cổ phiếu – với tỷ suất sinh lời là 14%.

Cặp đôi cổ phiếu phân bón DPM và DCM đã có tuần giao dịch không mấy tích cực với liên tiếp những phiên điều chỉnh giảm. Trong đó, với 4 phiên giảm và duy nhất 1 phiên tăng vào giữa tuần ngày 17/5, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu DPM giảm 1.150 đồng (-3,45%) từ mức giá 33.300 đồng/CP xuống 32.150 đồng/CP.

Cũng trong xu hướng trên, cổ phiếu DCM đón nhận 2 phiên giảm nhẹ và 3 phiên đứng giá tham chiếu. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DCM giảm 700 đồng (-2,89%) từ mức giá 24.250 đồng/CP xuống 23.550 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DBC

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DBC với giá trị hợp lý năm 2023 là 21.300 đồng/CP (Upside +27% so với giá đóng cửa ngày 16/5/2023). Định giá dựa trên phương pháp định giá theo giá trị sổ sách với P/B mục tiêu ở mức 1.1 lần – thấp hơn trung vị doanh nghiệp cùng ngành 1,6 lần.

Nhận định của BSC khá chuẩn xác, cổ phiếu DBC đã có tuần ngược dòng thị trường chung khởi sắc khi tăng mạnh cả về giá và thanh khoản với các phiên đều khớp lệnh vượt xa 5 triệu đơn vị, thậm chí phiên 17/5 khớp tới hơn 12 triệu đơn vị. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm duy nhất ngày đầu tuần 15/5 và 4 phiên tăng, trong đó phiên 16/5 tăng kịch trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DBC tăng 2.050 đồng (+12,77%) từ mức giá 16.050 đồng/CP lên 18.100 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu KBC

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC – sàn HOSE) và nâng giá mục tiêu thêm 20% lên 28.700 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ (1) định giá cao hơn của chúng tôi đối với các KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (NSHL) và Tân Phú Trung, chúng tôi kỳ vọng giá bán trung bình và doanh thu cao hơn trong giai đoạn 2023-2024, (2) số dư tiền mặt ròng cao hơn vào cuối quý 1/2023 và (3) chúng tôi cập nhật giá mục tiêu từ cuối năm 2023 đến giữa năm 2024.

Không được như kỳ vọng của VCSC, cổ phiếu KBC cũng trong xu hướng giảm chung của nhóm cổ phiếu bất động sản. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KBC giảm 1.000 đồng (-3,57%) từ mức giá 28.000 đồng/CP xuống 27.000 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục