Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Mặc dù hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị mua trong tuần qua đều khởi sắc nhưng biên độ tăng khá hạn chế và không đạt được kỳ vọng. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* BVSC khuyến nghị trung lập dành cho PLX

Kết quả định giá cổ phiếu PLX theo phương pháp so sánh P/E, P/B và P/S lịch sử và khu vực là 48.837 đồng/cổ phần, khuyến nghị NEUTRAL.

Chúng tôi xin lưu ý, dự báo và định giá được xây dựng dựa trên kịch bản dịch bệnh không quay trở lại và Việt Nam mở cửa bình thường cho đến hết năm 2020, kết quả kinh doanh của PLX theo đó sẽ dần được cải thiện trong các quý tiếp theo.

Mặc dù báo lỗ quý I/2020 lên tới 1.813 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1.295 tỷ đồng nhưng kết quả này ngoài ảnh hưởng do yếu tố giá dầu thế giới còn có nhiều nguyên nhân khách quan khác như tác động của dịch bệnh, cách ly xã hội khiến mọi người hạn chế. Vì vậy, cổ phiếu PLX vẫn duy trì đà khởi sắc trong những phiên đầu tháng 5.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời sau 7 phiên tăng liên tiếp khiến PLX quay đầu trong những phiên cuối tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm , tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLX tăng 700 đồng (+1,6%) từ mức giá 43.800 đồng/CP lên 44.500 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị trung lập dành cho HVN với mức giá mục tiêu 30.000 đồng/CP

Dựa trên hai phương pháp P/E và EV/EBITDAR, chúng tôi đưa ra mức giá hợp lý của HVN dựa trên ước tính từ các yếu tố cơ bản ở mức 30.000 đồng/cổ phần. Do đó chúng tôi duy trì khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu HVN.

Cũng là một trong những doanh nghiếp báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong quý I/2020 nhưng cổ phiếu HVN của Vietnam Airline trong tuần qua đã hồi nhẹ sau tuần mất điểm đầu tháng 5. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HVN tăng 400 đồng (+1,48%) từ mức giá 26.950 đồng/CP lên 27.350 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cho POW với giá mục tiêu 16.900 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho POW với giá mục tiêu 16.900 đồng/CP và tổng mức sinh lời dự phóng 67,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,9%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Trái với khuyến nghị của VCSC, cổ phiếu POW tuần qua rung lắc và đe dọa đánh mất mức mệnh giá. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW giảm 100 đồng (-0,99%) từ mức giá 10.100 đồng/CP xuống 10.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho ACB với giá mục tiêu 28.000 đồng/CP

Cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu đóng cửa ở mức 21.400 đồng/cp ngày 8/5/2020, giao dịch tại mức P/B FY20 là 1,0 lần và PER FY20 là 5,7 lần với mức ROA FY20F là 1,6% và ROE FY20F là 20%. Duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá mục tiêu 1 năm là 28.000 đồng/ cp (tiềm năng tăng giá 31%), định giá cổ phiếu ở mức P/B hợp lý là 1,4 lần.

Thông tin Tổng giám đốc đăng ký mua 350.000 cổ phiếu đã giúp ACB “thắng thế” trong phiên cuối tuần 15/5 khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều quay đầu điều chỉnh, đặc biệt SHB còn nằm sàn. Nhờ vậy, ACB cũng có được mức tăng nhẹ trong tuần vừa qua. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng, 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB tăng 300 đồng (+1,4%) từ mức giá 21.400 đồng/CP lên 21.700 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho HSG với giá mục tiêu 10.300 đồng/CP

Hiện tại, chúng tôi có khuyến nghị mua dành cho HSG với giá mục tiêu 10.300 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 22%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng khá nặng nề từ dịch bệnh, thì HSG là một trong những “ngôi sao” khi vừa qua đã công bố kết quả kinh doanh tháng 4 và lũy kế 7 tháng đầu niên độ tài chính 2019 với lợi nhuận sau thuế đạt 472 tỷ đồng, vượt 18% cả niên độ. Thông tin tích cực này đã trở thành “bàn đạp” giúp cổ phiếu HSG bật cao.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó có 2 phiên tăng trần và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HSG tăng 1.040 đồng (+13,32%) từ mức giá 7.810 đồng/CP lên 8.850 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 10.300 đồng/CP, mức giá hiện tại của HSG còn thấp hơn 14%.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho GMD với giá mục tiêu 25.100 đồng/CP

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Gemadept (GMD) nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 9,4% còn 25.100 đồng/CP.

Bên cạnh giao dịch có phần sôi động hơn, diễn biến giá cổ phiếu GMD tuần qua cũng tăng vọt với những phiên khởi sắc liên tiếp. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD tăng 1.250 đồng (+6,87%) từ mức giá 18.200 đồng/CP lên 19.450 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu VCB, TCB; VCSC khuyến nghị mua STB

BSC khuyến nghị mua cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 90.000 đồng/CP, upsdide 33.5% với quan điểm (1) chất lượng tài sản tốt nhất trong ngành ngân hàng, (2) thu nhập bất thường từ FWD, (3) Mặt bằng định giá giảm nhiều so với quá khứ.

Mặt khác, các chỉ báo kỹ thuật hầu hết đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của TCB. Điều đáng chú ý là các đường EMA vừa tạo Golden Cross nên đây là thể là sự đánh dấu cho trạng thái tăng trung và dài hạn của cổ phiếu. Theo đánh giá của BSC, TCB tiềm năng sẽ tiếp tục tăng cho đến khi tiếp cận vùng giá xung quanh 20.

Trong khi đó, VCSC giữ khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 10,2% còn 15.400 đồng/CP.

Thị trường tiếp tục duy trì đà tăng điểm trong tuần thứ 2 của tháng 5 dù sức bật có phần kém hơn. Trong đó, nhóm cổ phiếu vua tiếp tục có những đóng góp tích cực khi phần lớn các mã trong ngành đều giao dịch khởi sắc.

Cổ phiếu lớn của ngành là VCB cũng không ngoại trừ. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB tăng 2.500 đồng (+3,4%) từ mức giá 73.500 đồng/CP lên 76.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, với việc đón nhận 2 phiên tăng trong đó có 1 phiên tăng trần, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCB tăng 1.350 đồng (+7,14%) từ mức giá 18.900 đồng/CP lên 20.250 đồng/CP.

Còn đối với cổ phiếu STB, với việc đón nhận 4 phiên tăng, 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu này đã tăng 280 đồng (+2,94%) từ mức giá 9.520 đồng/CP lên 9.800 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 63.000 đồng/CP

Cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh đóng cửa ở mức 45.000 đồng/CP ngày 05/05/2020, giao dịch tại mức PER 2020F là 7,6 lần và EV/EBITDA 2020F là 3,4 lần so với mức trung bình của các công ty trong ngành là 11,7 lần và 5,2 lần. Chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá mục tiêu 63.000 đồng/CP, tiềm năng tăng giá 40%, P/E hợp lý là 10,6 lần, và mức EV/EBITDA hợp lý 5,1 lần.

Bên cạnh kết quả kinh doanh quý I/2020 tăng trưởng khá tốt, Nhựa Bình Minh còn là một trong những doanh nghiệp luôn đảm bảo quyền lợi của cổ đông với mức chia cổ tức khá ổn định.

Mới đây, Công ty đã thông báo tạm ứng cổ tức đợt 2/2019 với tỷ lệ 20% bằng tiền, nâng tổng mức chia cổ tức cả năm lên 40%, gấp đôi so với dự kiến đã đề ra. Những thông tin này tiếp tục giúp cổ phiếu GMD hồi phục sau đợt giảm khá mạnh từ cuối tháng 2 – đầu tháng 3 đến tháng 4.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP tăng 1.900 đồng (+4,26%) từ mức giá 44.550 đồng/CP lên 46.450 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PTB

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PTB của CTCP Phú Tài với giá mục tiêu 61.200 đồng/cổ phiếu.

Trái với khuyến nghị của MBS. Đà tăng của cổ phiếu PTB chỉ được duy trì trong 2 phiên đầu tuần sau đó đã quay đầu điều chỉnh trong 3 phiên còn lại trước áp lực bán chốt lời gian tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PTB giảm 2.000 đồng (-4,26%) từ mức giá 47.000 đồng/CP xuống 45.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho SCS với giá mục tiêu 160.000 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến khị mua dành cho SCS với giá mục tiêu 160.000 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 58,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,6%.

Kết quả quý I/2020 vẫn giữ đà tăng trưởng tiếp tục là thông tin chính hỗ trợ cho đà hồi phục của cổ phiếu SCS. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SCS tăng 6.900 đồng (+6,53%) từ mức giá 105.600 đồng/CP lên 112.500 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 160.000 đồng/CP, thị giá hiện tại còn thấp hơn gần 30%.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho NLG với giá mục tiêu 37.500 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) trong khi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 22% còn 37.500 đồng/CP, chủ yếu do chúng tôi điều chỉnh giảm định giá cho dự án Waterpoint, Waterfront và Paragon, cũng như cán cân tiền mặt thấp hơn.

Mới đây, Nam Long đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2020. Mặc dù Công ty đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh trong năm nay sụt giảm do tác động của dịch bệnh, nhưng với một số thông tin được tiết lộ như kế hoạch mua cổ phiếu quỹ hay kế hoạch niêm yết ra nước ngoài, đã hỗ trợ tốt cho đà tăng của cổ phiếu NLG trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG tăng 1.200 đồng (+5,22%) từ mức giá 23.000 đồng/CP lên 24.200 đồng/CP.

* BVSC và BSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu DGW

BVSC cho rằng cổ phiếu DGW hấp dẫn với triển vọng tăng trưởng hàng đầu, bảng cân đối kế toán mạnh và định giá hấp dẫn. Duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá mục tiêu 1 năm là 33.380 đồng/CP, tiềm năng tăng giá 42,7% từ mức giá hiện tại và PER hợp lý là 6,7 lần.

Bên cạnh đó, BSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 32.100 đồng/cp (tăng 19,3% so với mức giá đóng cửa ngày 12/05/2020). Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá PE với mức PE mục tiêu là 7 lần.

Cổ phiếu DGW tuần qua khá rung lắc với những phiên tăng giảm đan xen. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGW tăng 600 đồng (+2,3%) từ mức giá 26.100 đồng/CP lên 26.700 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 138.800 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 12 tháng khoảng 138.800 đồng trên cơ sở: (i) nhu cầu đối với nhu yếu phẩm hàng ngày gia tăng, làm cải thiện mạnh doanh thu chuỗi BHX trong khi biên lợi nhuận gộp được cải thiện, và (ii) kinh doanh đồng hồ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong chuỗi Thế giới di động, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Mặc dù trước đó, MWG đã công bố thông tin kết quả kinh doanh quý I/2020 của Tập đoàn vẫn tăng trưởng dù chịu tác động bới covid-19, tuy nhiên thực tế cho tháng 4 đã bị ảnh hưởng mạnh khi doanh thu cả tập đoàn giảm tới 20% so với mức 9.000 tỷ đồng của năm 2019. Điều này đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư khiến cổ phiếu MWG tuần qua rung lắc và mất điểm. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 1.700 đồng (-2,03%) từ mức giá 83.800 đồng/CP xuống 82.100 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho GTN với giá mục tiêu 18.900 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu GTN của CTCP GTNfoods với giá mục tiêu 18.900 đồng/cổ phiếu trên cơ sở (i) nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ sự tham gia quản trị của VNM, (ii) giá nguyên liệu có xu hướng giảm khi nhu cầu toàn cầu yếu đi dưới tác động của dịch bệnh, (iii) thoái vốn khỏi các hoạt động kinh doanh không cốt lõi nhằm tinh giản bộ máy quản trị và tập trung vào hoạt động cốt lõi, và (iv) cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Sau tuần tăng vọt đầu tháng 5, cổ phiếu GTN đã có chút hạ nhiệt trong tuần vừa qua. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GTN tăng 450 đồng (+2,69%) từ mức giá 16.750 đồng/CP lên 17.200 đồng/CP.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục