Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Các công ty chứng khoán đã có tuần nhận định khá thất bại khi hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị đều mất điểm. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* Theo BSC, cổ phiếu L14 có thể tiếp cận lại vùng giá lịch sử 80

Chỉ báo động lượng RSI vì thế cũng đã tăng đột ngột và tiến vào vùng quá mua. Các chỉ báo xu hướng đều đồng thuận với trạng thái tích cực của cổ phiếu. Phiên tăng đột ngột ngày 27/11 có thể dẫn đến sự điều chỉnh ngắn hạn trong vài ngày sau. Tuy vậy, nếu tiếp tục duy trì được động lực tăng giá như hiện tại, L14 có thể tiến tới tiếp cận lại vùng giá lịch sử 80 trong thời gian tới.

Không nằm ngoài sự dự đoán của BSC, cổ phiếu L14 đã có tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và chỉ 1 phiên giảm nhẹ duy nhất ngày cuối tuần 29/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu L14 tăng 8.700 đồng (+15,01%) từ mức giá 57.600 đồng/CP lên 66.300 đồng/CP.  Tuy nhiên, so với vùng giá lịch sử 80.000 đồng/CP, giá hiện tại của L14 vẫn còn thấp hơn 17,13%.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 121.000 đồng/CP

Chúng tôi nâng quan điểm từ theo dõi lên mua cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 121.000 VND trong năm 2020 với quan điểm (1) Khả năng sinh lời cao cùng chất lượng tài sản tốt, (2) quy mô lớn + nhiều catalyst được kỳ vọng trong tương lai, (3) Bancassurance sẽ giúp VCB ghi nhận lợi nhuận cao trong thời gian tới.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có tuần giao dịch khá ảm đạm khi hầu hết các mã đều biến động nhẹ. Trong đó, cổ phiếu VCB đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần 29/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB giảm nhẹ 200 đồng (-0,23%) từ mức giá 85.500 đồng/CP xuống 85.300 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho VPB

Chúng tôi hạ khuyến nghị cho VPB từ mua xuống khả quan và giảm giá mục tiêu 7,1% sau khi đưa định giá đến cuối năm 2020 và tổng thu nhập thuần giảm 2,2% trong giai đoạn 2019- 2023F. Chúng tôi hạ khuyến nghị chủ yếu đến từ nhận định thận trọng hơn cho triển vọng tăng trưởng của mô hình kinh doanh FE Credit (FEC), do ảnh hưởng của Thông tư 18/2019/NHNN, áp dụng mức trần cho tỷ trọng cho vay bằng tiền mặt trong dư nợ tài chính tiêu dùng.

Cũng giống VCB, cổ phiếu VPB cũng giao dịch giằng co khi đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá vào đầu tuần 25/11. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VPB giảm 50 đồng (-0,25%) từ mức giá 20.200 đồng/CP xuống 20.150 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho ACB với giá mục tiêu 31.600 đồng/Cp

Chúng tôi tăng giá mục tiêu 9,5% lên 31.600 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua cho ACB nhờ vào việc gia hạn định giá đến cuối năm 2020 cùng với dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020F-2024F tăng trung bình 1,7%.

Khuyến nghị của VCSC thiếu chuẩn xác khi diễn biến cổ phiếu ACB tuần qua cũng nằm trong xu thế chung của nhóm ngành vua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB giảm 100 đồng (-0,43%) từ mức giá 23.200 đồng/CP xuống 23.100 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu VHM với giá mục tiêu 110.400 đồng/CP

Dựa trên kết quả kinh doanh và định giá, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu Vinhomes với giá mục tiêu là 110.400 đồng/cp, cao hơn 18% so với giá đóng cửa ngày 22/11/2019.

Nhận định của KBSV thiếu chuẩn xác khi cổ phiếu lớn VHM tiếp tục có thêm 1 tuần giao dịch không mấy tích cực. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng nhẹ và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHM giảm 1.600 đồng (-1,71%) từ mức giá 93.500 đồng/CP xuống 91.900 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu HDG có thể duy trì xu hướng giảm

Chỉ báo động lượng RSI cũng đã thoát khỏi vùng quá bán. Tuy vậy, các chỉ báo xu hướng vẫn đang ở trong trạng thái tiêu cực.

Trong trường hợp tích cực, đợt hồi phục này sẽ đưa HDG trở lại chinh phục ngưỡng kháng cự 37. Ngược lại, nếu cổ phiếu để thủng mốc 33, mô hình hai đỉnh sẽ được xác lập và xu hướng giảm có thể duy trì đến khi HDG chạm vùng giá xung quanh 30.

Tuần qua, Tập đoàn Hà Đô công bố thông tin dự kiến tháng 12/2019 sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, thông tin này phần nào hỗ trợ giúp cổ phiếu HDG có những nhịp hồi tích cực, điển hình là phiên 26/11. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDG tăng nhẹ 150 đồng (+0,44%) từ mức giá 34.250 đồng/CP lên 34.400 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho VHC với giá mục tiêu 102.900 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VHC với giá mục tiêu 102.900 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 38,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,9%, dựa trên giá chốt phiên ngày hôm nay.

Mặc dù VHC đã có những phiên khởi sắc với biên độ tăng tích cực hơn trong tuần trước đó, nhưng chưa đủ để giúp cổ phiếu này lấy lại thăng bằng sau những phiên mất điểm. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHC giảm 1.400 đồng (-1,8%) từ mức giá 77.500 đồng/CP xuống 76.100 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho ACV với giá mục tiêu 87.100 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho Tổng CT Cảng hàng không Việt Nam (ACV), nhưng giảm giá mục tiêu 3,3% còn 87.100 đồng, dẫn đến tổng mức sinh lời dự phóng 16,7% (bao gồm lợi suất cổ tức 1,2%).

Trái với nhận định và khuyến nghị của VCSC, cổ phiếu ACV chưa có dấu hiệu tích cực lên trong tuần cuối tháng 11. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACV giảm nhẹ 900 đồng (-1,19%) từ mức giá 75.500 đồng/CP xuống 74.600 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho PC1 với giá mục tiêu 26.100 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho PC1 và tăng giá mục tiêu 6,5% lên 26.100 đồng/cổ phiếu dựa trên tác động của việc gia hạn giá mục tiêu đến cuối năm 2020 và tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2019-2023F.

Mặc dù đánh giá triển vọng tương lai khá tích cực nhờ việc hưởng lợi từ kế hoạch gia tăng công suất điện gấp 3 lần tại Việt Nam trong 15 năm tiếp theo, nhưng diễn biến cổ phiếu PC1 tuần qua vẫn chưa thoát khỏi đà giảm, dù biên độ có phần thu hẹp hơn so với tuần trước đó. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng nhẹ duy nhất ngày 26/11, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần 29/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PC1 giảm 400 đồng (-2,15%) từ mức giá 18.600 đồng/CP xuống 18.200 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho PTB, BVSC khuyến nghị tích cực

VCSC nâng khuyến nghị cho PTB từ khả quan lên mua khi tăng giá mục tiêu 19% nhờ gia hạn định giá đến cuối năm 2020 và tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021F2022F, dù giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020F 3%, chủ yếu do chi phí lãi vay và SG&A gia tăng.

Trong khi đó, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM cho cổ phiếu PTB với mức giá hợp lý là 90.800 đồng, tiềm năng tăng giá là 26%.

Diễn biến cổ phiếu PTB tuần qua chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu. Với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm trong biên độ hẹp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PTB tăng nhẹ 300 đồng (+0,4%) từ mức giá 73.200 đồng/CP lên 73.500 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà BVSC đưa ra là 90.800 đồng/CP, thị giá hiện tại của PTB còn thấp hơn 19%.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho PVS

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho PVS trong khi giảm giá mục tiêu 0,4% khi giảm dự báo lợi nhuận giai đoạn 2020-2024F trung bình khoảng 5% do khả năng một số dự án bị trì hoãn; điều này được bù đắp bởi tác động tích cực từ việc gia hạn giá mục tiêu đến cuối năm 2020F.

Cũng như phần lớn các cổ phiếu khác, mặc dù được đánh giá triển vọng tương lai khá sáng, là động lực tiếp sức cho cổ phiếu khởi sắc, nhưng diễn biến cổ phiếu PVS tuần cuối tháng 11 vẫn duy trì trạng thái mất điểm. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng nhẹ và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS giảm 600 đồng (-3,33%) từ mức giá 18.000 đồng/CP xuống 17.400 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho VEA

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua cho VEA khi duy trì quan điểm tích cực cho tăng trưởng tiêu thụ xe hơi dài hạn của tại Việt Nam cũng như thị trường xe máy rộng lớn và sinh lời.

Trái với nhận định của VCSC, cổ phiếu VEA có tuần giao dịch không mấy tích cực khi đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên đứng giá tham chiếu. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VEA giảm 1.200 đồng (-2,5%) từ mức giá 48.000 đồng/CP xuống 46.800 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu VTP với giá mục tiêu 162.500 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu VTP với mức giá mục tiêu là 162.500 VND (+30% so với mức giá đóng cửa ngày 14/11/2019) cho mục tiêu cuối năm 2020.

Cũng giống như những cổ phiếu lớn trên thị trường UPCoM là ACV, VEA, cổ phiếu VTP giao dịch khá tiêu cực khi đón nhận 5 phiên giảm liên tiếp. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VTP giảm 5.400 đồng (-4,3%) từ mức giá 125.500 đồng/CP xuống 120.100 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu TNG có thể kiểm tra lại vùng 17-18

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực. Đường giá cổ phiếu cũng chưa vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn chưa hình thành. Như vậy, TNG có thể kiểm tra lại vùng kháng cự ngắn hạn 17-18 trong các phiên giao dịch tới.

Bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận sau thuế 10 tháng tăng trưởng 32%, vừa qua, Chủ tịch HĐQT Công ty đăng ký mua 600.000 cổ phiếu, là những thông tin tích cực hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu TNG. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TNG tăng 1.000 đồng (+7%) từ mức giá 14.300 đồng/CP lên 15.300 đồng/CP.

* VCSC, KBSV, MBS và PHS khuyến nghị mua dành cho MWG

VCSC duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng tăng trưởng của MWG và duy trì khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, KBSV nhận thấy các chuỗi kinh doanh của MWG vẫn đang tăng trưởng ổn định và tin rằng vẫn còn dư địa để tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận gộp cho các chuỗi, một phần nhờ vào cơ cấu sản phẩm tốt hơn cho chuỗi TGDĐ, ĐMX và khi độ phủ cửa hàng tăng lên, các kho hoạt động công suất tối đa giảm được chi phí cho BHX. Chúng tôi duy trì quan điểm Tích cực đối với cổ phiếu MWG.

Tương tự, MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động với giá mục tiêu 12 tháng 144.000 đồng/cổ phiếu trên cơ sở.

Còn PHS cho rằng, bằng phương pháp định giá DCF và P/E, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu MWG khoảng 153,260 đồng/cổ phiếu trong năm 2020 (+37% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Bên cạnh những thông tin triển vọng tương lai tăng trưởng mạnh, tuần qua, MWG công bố kết quả lợi nhuận sau thuế 10 tháng tăng trưởng 35% và HĐQT Công ty đã thông qua phương án phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu cho cán bộ quản lý với giá 10.000 đồng/CP. Tuy vậy, diễn biến cổ phiếu MWG cũng như nhiều mã bluechip khác khi có tuần giao dịch không mấy tích cực.

Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày 26/11, 2 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 3.000 đồng (-2,68%) từ mức giá 112.000 đồng/CP xuống 109.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho BVH, SAB

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho Tập đoàn Bảo Việt (BVH) từ khả quan lên mua, dù giá mục tiêu giảm 5,1% từ 90.900 đồng còn 86.300 đồng do giá cổ phiếu đã giảm 8,6% từ báo cáo cập nhật gần nhất của chúng tôi.

Đồng thời, nâng khuyến nghị cho Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) từ khả quan lên mua khi giá cổ phần của SAB đã giảm 13% trong 3 tháng qua, đồng thời điều chỉnh tăng nhẹ giá mục tiêu 0,5%.

Trái với khuyến nghị của VCSC, cổ phiếu BVH đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BVH giảm nhẹ 600 đồng (-0,85%) từ mức giá 70.900 đồng/CP xuống 70.300 đồng/CP.

Cũng giống phần lớn các cổ phiếu bluechip, cổ phiếu SAB tiếp tục có thêm tuần mất điểm. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng nhẹ duy nhất ngày 19/11 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SAB giảm 9.000 đồng (-3,83%) từ mức giá 235.000 đồng/CP xuống 226.000 đồng/CP.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục