HT1 có thể kiểm tra lại ngưỡng kháng cự ngắn hạn 16
CTCK BIDV (BSC)
Doanh thu thuần 9 tháng năm 2019, Công ty cổ phần Xi Măng Vicem Hà Tiên (mã HT1) đạt 6.553 tỷ (tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 73,4% kế hoạch năm nhờ: (1) Sản lượng đạt 5,4 triệu tấn (tăng trưởng 9,7%); (2) Giá bán bình quân giảm do năm 2019 tỷ trọng tiêu thụ xi măng rời của HT1 tăng từ 27% (2018) lên khoảng 33% trong 2019.
Tuy nhiên, HT1 cho biết trong quý III công ty đã tiến hành rà soát lại giá bán, điều chỉnh tăng với những vùng có giá bán thấp bất hợp lý. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 529,3 tỷ (tăng trưởng 19,9%), hoàn thành 72,% kế hoạch.
BSC dự báo doanh thu thuần của HT1 năm 2019 đạt 9.034 tỷ đồng (tăng 7,9% so với năm ngoái) dựa trên giả định sản lượng xi măng tiêu thụ đạt 7,3 triệu tấn (tăng 7%). Chúng tôi đánh giá biên lợi nhuận gộp trong Q4/2019 vẫn suy trì được mức tương đương quý III giúp cho biên lợi nhuận gộp cả năm ước đạt 17.6% (tăng so với cập nhật gần nhất trong báo cáo quý III của chúng tôi do thay đổi giả định về giá than nguyên liệu từ +1% về -1% do đánh giá xu hướng giảm của giá than trong Q3 kéo dài sang Q4/2019). Lợi nhuận sau thuế ước đạt 775 tỷ (+20.2% YoY), tương đương với EPS = 1,828 đồng/CP, P/E fw = 8.8 lần.
Nhận định: cổ phiếu HT1 đang nằm trong xu hướng hồi phục sau khi gần chạm ngưỡng đáy 14. Thanh khoản cổ phiếu đang có dấu hiệu tăng trở lại và vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên.
Chỉ báo RSI đang ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực trong khi chỉ báo MACD cho thấy dấu hiệu đảo chiều tích cực. Đường giá cổ phiếu chưa vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn chưa hình thành.
Như vậy, HT1 có thể kiểm tra lại ngưỡng kháng cự ngắn hạn 16 trong các phiên giao dịch tới.
Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho HDB
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi tăng giá mục tiêu 4,6% đạt 29.600 đồng và duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường khi gia hạn định giá đến cuối năm 2020, phần nào bù trừ cho mức giảm 0,7% dự báo tổng thu nhập thuần giai đoạn 2019F-2021F của chúng tôi.
Dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2019F của chúng tôi hầu như không thay đổi tại mức 3,1 nghìn tỷ đồng (tăng 9,1% so với năm ngoái) khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng (PPOP) giảm 0,7% được bù đắp vởi chi phí dự phòng giảm 2,6%. Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng chi phí dự phòng sẽ tăng trong quý 4 khi xử lý số dư VAMC.
Dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2020F giảm 0,6% còn 4,2 nghìn tỷ đồng (tăng 19,2% so với năm ngoái) do PPOP giảm 0,7% và chi phí dự phòng giảm 1,1%.
Thông tư 18/2019/NHNN, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, áp dụng mức trần cho khoản vay bằng tiền mặt tại 70%/60%/50%/30% dư nợ cho vay từ đầu năm 2021/22/23/24. Chúng tôi kỳ vọng mức trần sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng của HDSaison (HDS) khi tỷ trọng cho vay bằng tiền mặt của HDS chỉ khoảng 33%.
Rủi ro: (1) nợ xấu và chi phí tín dụng tăng, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận năm 2020F thấp hơn dự kiến và (2) chi phí huy động tăng nhanh hơn dự kiến.
Chúng tôi cho rằng định giá của HDB hiện khá hợp lý tại P/B năm 2020F là 1,3 lần so với trung vị các ngân hàng khác là 1,1 lần với ROE năm 2020F đạt 18% so với trung vị ngành là 19%.
Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho PVD
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường trong khi giảm giá mục tiêu 2,4% do định giá P/B giảm, đến từ P/B mục tiêu giảm. Điều này phần nào được bù đắp bởi tác động tích cực từ việc gia hạn giá mục tiêu đến cuối năm 2020F và PVD vừa trúng thầu hợp đồng dài hạn cho giàn TAD.
Trong khi điều chỉnh giảm dự báo EBITDA năm 2019F/2020F lần lượt 32,4%/30,1% do lợi nhuận thấp hơn dự kiến từ mảng giản khoan tự nâng (JU) và không ghi nhận đóng góp từ giàn TAD trong năm 2020F,chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo EBITDA giai đoạn 2021-2023F trung bình khoảng 11,4% do giàn TAD có khả năng đóng góp cho lợi nhuận của công ty từ tháng 04/2021.
Chúng tôi cho rằng công ty không trả cổ tức tiền mặt trong năm 2020F (so với mức 500 đồng/cổ phiếu kỳ vọng trước đây) khi PVD có kế hoạch đầu tư vào bộ thiết bị khoan (Derrick Equipment Set -DES) cho hợp đồng giàn khoan dài hạn cho Shell tại Brunei.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi năm 2020F đạt 11,5 triệu USD, giả định giá thuê ngày tăng khoảng 11% so với năm trước và hiệu suất hoạt động đạt 95% so với mức 85% trong năm 2019F. Dự báo của chúng tôi cho lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo năm 2020F là 16,2 triệu USD, chủ yếu được hỗ trợ từ khoản lợi nhuận 5,3 triệu USD đến từ thu hồi nợ xấu.
Chúng tôi kỳ vọng EBITDA năm 2020F tăng 72,2% so với năm 2019 nhờ dịch vụ giàn khoan và giếng khoan.
PVD là nhà thầu giàn khoan đứng đầu Việt Nam. Ngoài ra, công ty còn có năng lực tài chính mạnh cùng với khả năng kiểm soát chi phí tốt, do đó chúng tôi cho rằng PVD sẽ hưởng lợi từ nhu cầu giàn khoan gia tăng trong khu vực. Tuy nhiên, định giá của PVD hiện tỏ ra hợp lý với EV/EBITDA năm 2020F là 6,7 lần và P/E là 19,6 lần, lần lượt thấp và cao hơn trung vị các công ty cùng ngành.
Rủi ro: nguồn cung giàn khoan tiếp tục quá tải, biên lợi nhuận mảng dịch vụ giếng khoan thấp hơn dự kiến.