* Theo BSC, giá mục tiêu của cổ phiếu SAB là 365.800 đồng/CP
Trong giai đoạn gần đây, xu hướng tăng giá của SAB được hỗ trợ khá nhiều nhờ vào thông tin thoái vốn của nhà nước. Nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp chỉnh tại ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 308 để gia tăng thêm tỷ trọng. Giá mục tiêu 365.8, giá cut loss nếu thủng ngưỡng hỗ trợ trung hạn 288.3.
Sau tuần tăng liên tiếp trước đó, cổ phiếu SAB đã đón nhận những phiên điều chỉnh, tuy vậy những thông tin xoay quanh cuộc bán vốn tiếp tục giúp SAB duy trì đà tăng trong tuần này. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SAB tăng 11.200 đồng/Cp (+3,51%) từ mức 318.800 đồng/Cp lên 330.000 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu là 365.800 đồng/CP, giá hiện tại của cổ phiếu SAB còn thấp hơn 10,85%.
* KIS khuyến nghị canh mua cổ phiếu FCN khi giá trở lại vùng 24.x
Chúng tôi cho rằng FCN nhiều khả năng sẽ có những phiên điều chỉnh sau khi bật tăng mạnh vào ngày 28/11. Khi đó nhà đầu tư có thể canh mua gom một phần tỷ trọng khi giá quay trở lại kiểm chứng vùng 24 và mua tỷ trọng còn lại khi giá bứt phá thuyết phục qua mức 25k.
Mục tiêu trung hạn là mức đỉnh cũ quanh mức giá 28-29k , tương đương với tỷ suất sinh lời 15% trong khoảng thời gian 3 tháng. Cắt lỗ khi giá giảm dưới đường MA(200) tại mức giá 22k.
Tuần qua, cổ phiếu FCN giao dịch khá thành công khi bên cạnh thanh khoản sôi động, giá cổ phiếu cũng đã có những phiên tăng mạnh. Với 4 phiên tăng và chỉ duy nhất điều chỉnh nhẹ trong phiên 29/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FCN tăng 2.450 đồng/Cp (+10,45%) từ mức 230450 đồng/Cp lên 25.900 đồng/Cp.
* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường cho VNM
Theo các nguồn truyền thông trong nước, CTCP Sữa Việt Nam (VNM) đã hoàn thành thâu tóm 65% cổ phần của KSC với mức giá khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo VNM, thương vụ này nhằm đảm bảo nguồn cung đường cho sản xuất.
Chúng tôi cho rằng đây là một diễn biến tích cực cho VNM với việc củng cố nguồn cung nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, VNM cũng có thể tận dụng hệ thống phân phối hiện tại để bán đường. Rủi ro là sự thiếu kinh nghiệm của VNM trong việc vận hành mảng kinh doanh đường. Qua đó, chúng tôi giữ khuyến nghị phù hợp thị trường cho VNM với giá mục tiêu 183.500 đồng (tổng mức sinh lời 2,3% bao gồm lợi suất cổ tức 3,7%).
Thông tin mua lại 65% cổ phần của KSC giúp Vinamilk củng cố nguồn cung nguyên liệu đầu vào và cũng có thể tận dụng hệ thống phân phối hiện tại để bán đường, đã tác động khá tích cực tới diễn biến cổ phiếu VNM trong những phiên cuối tuần, đặc biệt là phiên cuối tuần ngày 1/12. Thống kê cổ phiếu VNM đã đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên đứng giá đầu tuần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM tăng 11.000 đồng/Cp (+5,95%) từ mức 185.000 đồng/Cp lên 196.000 đồng/Cp.
* BVSC khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu STK
Trong ngắn hạn, với chỉ số định giá chưa thật sự hấp dẫn, chúng tôi tạm thời đưa ra khuyến nghị NEUTRAL và sẽ cập nhật lại khuyến nghị cho trung và dài hạn khi lượng hóa được tương đối các dự án Đầu tư mới với kỳ vọng: (i) Các thị trường mới với nhu cầu lớn về sợi cao cấp sẽ cải thiện biên lợi nhuận của STK; (ii) Thị trường dệt may phục hồi và (iii) Sự tăng trưởng của sợi Recycle cùng các dự án sản phẩm mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng của STK.
Mặc dù thanh khoản khá nhỏ giọt nhưng tuần qua, cổ phiếu STK đã tiếp tục duy trì đà tăng khá tốt bất chấp các chỉ số định giá trong ngắn hạn chưa thực sự hấp dẫn. Cụ thể, với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm ngày 28/11 và 1 phiên đứng giá vào giữa tuần ngày 29/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STK tăng 800 đồng/Cp (+4,52%) từ mức 17.700 đồng/Cp lên 18.500 đồng/Cp.
* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường đối với DPM
Chúng tôi giữ khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), đồng thời điều chỉnh giảm giá mục tiêu 7% sau khi điều chỉnh tăng giả định giá dầu nhiên liệu và điều chỉnh giảm lợi nhuận từ dự án NH3-NPK.
Thông tin sẽ chi khoảng 400 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 với tỷ lệ 10% đã giúp cổ phiếu DPM khởi sắc hơn trong những phiên cuối tuần. Tổng cộng, cổ phiếu DPM có 4 phiên tăng nhẹ và duy nhất 1 phiên giảm ngày 28/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPM tăng 600 đồng/Cp (+2,86%) từ mức 21.000 đồng/Cp lên 21.600 đồng/Cp.
* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường đối với DRC
Chúng tôi hạ khuyến nghị dành cho cổ phiếu Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC) xuống phù hợp thị trường và điều chỉnh giảm giá mục tiêu 9% xuống 22.900 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 0%, đã bao gồm lợi suất cổ tức 2,1%.
Nhìn chung nhóm cổ phiếu cao su chế biến tuần qua giao dịch không mấy tích cực khi hầu hết đều điều chỉnh nhẹ, trong đó không ngoại trừ cổ phiếu DRC. Với 3 phiên giảm giữa tuần và 2 phiên tăng còn lại, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRC giảm 250 đồng/Cp (-1,09%) từ mức 22.900 đồng/Cp xuống 22.650 đồng/Cp.
* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu MWG
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã công bố kết quả kinh doanh 10 tháng 2017 bao gồm doanh thu thuần đạt 53,3 nghìn tỷ đồng, tăng 52% và lợi nhuận sau thuế 1,8 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Chúng tôi dự kiến sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào đến giá mục tiêu cho MWG, hiện đang ở mức 178.900 đồng/CP (tổng mức sinh lời 35% bao gồm lợi suất cổ tức 0,6%). Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA.
Mặc dù kết quả kinh doanh 10 tháng tăng trưởng khá tốt nhưng nối tiếp đà giảm cuối tuần trước, cổ phiếu MWG tiếp tục duy trì trạng thái giao dịch thiếu tích cực trong 2 phiên đầu tuần này. Và dù đã hồi phục trong 3 phiên cuối tuần nhưng không đủ mạnh để giúp MWG trở lại cân bằng. Cụ thể, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm nhẹ 700 đồng/Cp (-0,51%) từ mức 136.600 đồng/Cp xuống 135.900 đồng/Cp.
* IVS khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DIG
Nhìn chung chúng tôi cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục cải thiện trong các năm tới và cho rằng DIG nên được theo dõi ít nhất trong ngắn – trung hạn, chúng tôi sẽ cập nhập khi có điểm giao dịch phù hợp.
Cổ phiếu DIG đã tạo điểm nhấn cho thị trường trong những phiên giao dịch tuần qua, đặc biệt là phiên bùng nổ ngày 28/11 với việc thoái vốn của Bộ Xây dựng, cổ phiếu này đã tăng kịch trần với tổng giá trị khớp lệnh lên tới gần 2.500 tỷ đồng, chiếm tới 30% giá trị giao dịch trên sàn HOSE. Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên giảm ngày 30/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DIG tăng 3.050 đồng/Cp (+17,33%) từ mức 17.600 đồng/Cp lên 20.650 đồng/Cp.
* Theo IVS, việc JC&C nâng sở hữu sẽ hỗ trợ tích cực cho REE trong ngắn hạn
Ngày 24/11/2017 quỹ Platium Victory đăng ký mua 6,6 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (mã REE). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 28/11 đến 27/12. Quỹ này hiện đang sở hữu hơn 70 triệu REE (tỷ lệ 22,87%). Nếu mua thành công quỹ sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 25%.
Với cái tên JC&C, thị trường hiện tại có kỳ vọng khá cao sau khi chứng kiến cách họ mua VNM và do vậy chúng tôi cho rằng thông tin tích cực này sẽ hỗ trợ cho REE trong ngắn hạn.
Trong tuần qua, JC&C đã chi 3,8 triệu USD để gom thêm 2,11 triệu cổ phiếu REE và nâng sở hữu tại REE từ 22,87% lên 23,55%. Động thái này đã góp phần đẩy giá cổ phiếu REE trên thị trường lên mức cao mới trong phiên 28/11 và giúp cổ phiếu này tiếp tục khởi sắc trong tuần. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu REE tăng 1.850 đồng/Cp (+4,78%) từ mức 38.700 đồng/Cp lên 40.550 đồng/Cp.
* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu VIC
Chúng tôi nâng khuyến nghị dành cho Tập đoàn Vingroup (VIC) lên mua với giá mục tiêu 105.000 đồng/cổ phiếu, chủ yếu do bổ sung vào danh mục các dự án Vinhomes và Vincity mới cùng triển vọng tích cực hơn trong các phân khúc BĐS nhà ở mà VIC hướng đến.
Trái với kỳ vọng của VCSC, tuần qua cổ phiếu VIC biến động khá nhẹ. Với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VIC nhích nhẹ 100 đồng/Cp (+0,13%) từ mức 74.500 đồng/Cp lên 74.600 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu 105.000 đồng/CP, giá hiện tại của cổ phiếu VIC còn thấp hơn 40,75%.