Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/12

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/12 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/12

Giá mục tiêu của cổ phiếu SAB là 365.800 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) cho biết, doanh thu thuần 9 tháng năm 2017 đạt 23.698 tỷ đồng (tăng 9,22% so với cùng kỳ năm trước). Theo Ban lãnh đạo Tổng công ty, nhìn chung thị phần của SAB vẫn giữ ổn định như năm 2016 là trên 40%, tại miền Bắc thị phần là 21%, miền Trung là 40% và miền Nam là 53%.  

Biên lợi nhuận gộp là 27,05%, có giảm nhẹ so với mức 27,19% của 9 tháng năm 2016. Tỷ trọng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu thuần đạt lần lượt 8,19% và 2,31%, có tăng so với tỷ trọng của 9 tháng năm 2016 (lần lượt là 7,64% và 2,25%).

Do đó, biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh là 19,13%, giảm so với cùng kỳ 2016 (20,71%). Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 3.540 tỷ đồng (giảm nhẹ 0,21% so với cùng kỳ năm trước), EPS đạt 5.219 đồng/CP.

Hiện tại SAB có 5 dòng sản phẩm, trong đó xét về tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu năm 2016 thì Saigon Lager dẫn đầu chiếm 40% tổng doanh thu, theo sau là Saigon Export chiếm 26%, Saigon Special chiếm 19% và 333 chiếm 14%.

Tháng 9/2017, SAB tung sản phẩm mới là Saigon Gold thuộc phân khúc cao cấp, số lượng có hạn, chỉ bán tại một số địa điểm lựa chọn tại các thành phố lớn. SAB kỳ vọng sẽ tung thêm 2 – 3 dòng sản phẩm cao cấp mới trong các năm tới. 

Kế hoạch thoái vốn của nhà nước với giá khởi điểm 320.000 đồng. Số lượng chào bán là 343.662.587 cổ phần (53,59% vốn điều lệ), trong đó nhà đầu tư nước ngoài được mua tối đa 247.470.409 cổ phần (38,59% vốn điều lệ), số lượng cổ phần đặt mua tối thiểu là 20.000 cổ phần (tương đương thấp nhất là 6,4 tỷ đồng). Ngày chào bán 18/12/2017.

Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 2017 của SAB đạt 4.759 tỷ đồng (tăng 6,28% so với năm trước), EPS ước đạt 6.902 đồng (giả định trích 7% quỹ khen thưởng phúc lợi).

Tại ngày 29/11/2017 cổ phiếu SAB được giao dịch với giá 339.000 đồng/CP, tương đương PE 2017 = 49.12x. Nếu tính theo giá khởi điểm 320.000 đồng thì PE 2017 = 46.36x. Mức giá khởi điểm chênh khá nhiều so với mức giá 184.700 đồng do đơn vị tư vấn đưa ra (PE = 26.76x).

Quan điểm kỹ thuật: Cổ phiếu SAB vừa bật mạnh lên tiếp tục thiết lập vùng giá đỉnh mới trong lịch sử sau khi kiểm tra lại thành công ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 300, và tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong thời gian vừa qua.

Trong giai đoạn gần đây, xu hướng tăng giá của SAB được hỗ trợ khá nhiều nhờ vào thông tin thoái vốn của nhà nước. Nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp chỉnh tại ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 308 để gia tăng thêm tỷ trọng. Giá mục tiêu 365.8, giá cut loss nếu thủng ngưỡng hỗ trợ trung hạn 288.3.

Khuyến nghị canh mua cổ phiếu FCN khi giá trở lại vùng 24.x

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Sau giai đoạn chịu áp lực bán ra rất mạnh, Công ty cổ phần FECON (mã FCN) đang trong quá trình hồi phục và sự tích cực đã quay trở lại, được biểu hiện qua việc đường MA(20) đã cắt lên đường MA(50) và giá hình thành đáy sau cao hơn đáy trước.

Trong khoảng 3 tháng gần đây, chỉ báo RSI liên tục dao động quanh ngưỡng 50, cho thấy quán tính tăng của giá là khá tốt. Bên cạnh đó, dòng tiền cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể hơn khi xuất hiện nhiều phiên có khối lượng giao dịch tăng vọt. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chờ đợi thêm sự xác nhận từ yếu tố dòng tiền, được biểu hiện qua chỉ báo dòng tiền Chaikin bứt qua khỏi khu vực tích lũy.

Biểu đồ giá xuất hiện nhiều cây nến giảm hơn là cây nến tăng, qua đó khiến chỉ báo đo lường sức mạnh xu hướng ADX vẫn đang nằm ở mức thấp. Điều này cho thấy giá chưa tạo đủ độ tích lũy và độ nến cần thiết để bắt đầu cho nhịp tăng mới.

Nhìn chung, diễn biến của FCN đã được được cải thiện rõ rệt cả về sức mạnh giá và dòng tiền sau giai đoạn giảm khá mạnh. Tuy nhiên, hiện tại xu thế tăng cũng như mức độ tích lũy là chưa thực sự thuyết phục. Do đó, sự vận động của FCN cần thêm thời gian để củng cố.

Chúng tôi cho rằng FCN nhiều khả năng sẽ có những phiên điều chỉnh sau khi bật tăng mạnh vào ngày 28/11. Khi đó nhà đầu tư có thể canh mua gom một phần tỷ trọng khi giá quay trở lại kiểm chứng vùng 24 và mua tỷ trọng còn lại khi giá bứt phá thuyết phục qua mức 25k.

Mục tiêu trung hạn là mức đỉnh cũ quanh mức giá 28-29k , tương đương với tỷ suất sinh lời 15% trong khoảng thời gian 3 tháng. Cắt lỗ khi giá giảm dưới đường MA(200) tại mức giá 22k.

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho VNM

CTCK Bản Việt (VCSC)

Theo các nguồn truyền thông trong nước, CTCP Sữa Việt Nam (VNM) đã hoàn thành thâu tóm 65% cổ phần của KSC với mức giá khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thương vụ có khả năng đã được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu mới (bơm vốn mới), bởi vì tính đến ngày 22/11/2017, vốn điều lệ của KSC tăng từ 42 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng. Do đó, với sở hữu 65% của VNM sau phát hành, chúng tôi ước tính định giá sau đầu tư của KSC vào khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng, và định giá trước đầu tư là 500 tỷ đồng.

Theo VNM, thương vụ này nhằm đảm bảo nguồn cung đường cho sản xuất. Đường là nguyên liệu đầu vào quan trọng thứ hai sau bột sữa và chiếm 6-7% giá vốn hàng bán. Khi ngành công nghiệp đường của Việt Nam đang trải qua giai đoạn hợp nhất, VNM muốn kiểm soát nguồn cung đường nhằm giảm rủi ro mất lợi thế trong việc thương lượng giá với các nhà sản xuất đường lớn. Ngoài ra, việc tự cung cấp đường cũng có thể giảm chi phí đường của VNM.

Hiện tại, công suất của KSC là 10.000 tấn mía đường/ngày và 1.500 tấn đường thô/ngày, là một trong những nhà máy lớn nhất Việt Nam. Chúng tôi ước tính khi hoạt động tối đa công suất, KSC có thể sản xuất lên đến 180.000 tấn đường/năm từ mía (chưa bao gồm đường tinh luyện chế biến từ đường thô), so với nhu cầu hàng năm của VNM là 130.000 tấn. Theo VNM, sau khi đáp ứng nhu cầu sản xuất, sản lượng còn lại của KSC sẽ được dùng để bán ra ngoài với thương hiệu bán lẻ mới “Vietsugar”. Trong khi đó, VNM có kế hoạch mở rộng công suất của KSC lên 15.000 tấn mía đường/ngày và 2.000 tấn đường thô/ngày.

Liên quan đến lo ngại rằng giá đường của Việt Nam có thể giảm mạnh trong năm tới trong bối cảnh giảm thuế nhập khẩu đường vượt hạn ngạch (quota) từ 80% còn 5% phù hợp với ASEAN FTA, công ty cho biết năng lực của KSC trong việc chế biến đường thô thành đường tinh luyện cho sản xuất sữa, mang lại cho công ty sự linh hoạt khi có thể chuyển đổi sang phương pháp sản xuất này, thay vì chỉ sử dụng dây chuyền xử lý mía đường, trong bối cảnh giá đường giảm mạnh.

Chúng tôi cho rằng đây là một diễn biến tích cực cho VNM với việc củng cố nguồn cung nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, VNM cũng có thể tận dụng hệ thống phân phối hiện tại để bán đường. Rủi ro là sự thiếu kinh nghiệm của VNM trong việc vận hành mảng kinh doanh đường.

Chúng tôi giữ khuyến nghị phù hợp thị trường cho VNM với giá mục tiêu 183.500 đồng (tổng mức sinh lời 2,3% bao gồm lợi suất cổ tức 3,7%).

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục