Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Cùng với sự biến động nhẹ của chỉ số, các cổ phiếu cũng diễn biến khá giằng co và giao dịch không được như mục tiêu mà các công ty chứng khoán đã kỳ vọng. Theo Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* MBS khuyến nghị mua vào cổ phiếu DRI

Chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận của DRI trong năm 2017 lần lượt là 693 tỷ đồng (tăng 72,8% so với năm trước) và 162 tỷ đồng (tăng 636% so với năm trước) với giá cao su trung bình năm 2017 giả định ở mức 40 triệu đồng/tấn. Mức EPS forward năm 2017 ước đạt 2.216 VND/cp, tương ứng mức P/E là 4,6 lần, khá thấp so với trung bình ngành. 

Vì vậy, chúng tôi tiến hành định giá lần đầu đối với cổ phiếu DRI với mức giá mục tiêu 17.800 VND/cổ phiếu, cao hơn 54,7% so với mức giá hiện tại và khuyến nghị mua vào cổ phiếu này.

Sau tuần “chào sàn” giằng co mạnh, DRI tiếp tục biến động khá lớn trong tuần qua.

Mặc dù với 3 phiên giảm khá mạnh nhưng phiên tăng trần đầu tuần ngày 29/5 cùng phiên hồi phục ngày 1/6, đã giúp DRI tăng trưởng khá tốt trong tuần qua. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu DRI tăng 700 đồng/Cp (+6,93%) từ mức 10.100 đồng/Cp lên 10.800 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với giá mục tiêu 17.800 đồng/CP, giá hiện tại của DRI còn thấp hơn 64,81%.

* BSC khuyến nghị mua vào cổ phiếu VGC

Kết quả kinh doanh của VGC liên tục được cải thiện, nhất là sau khi cổ phần hóa. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 17,6% năm 2012 lên 24.6% năm 2016. Lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 30%/năm giai đoạn 2014-2016.

Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu VGC với giá mục tiêu 12 tháng tới là 21.228 đồng/cp (upside 20,6%) theo phương pháp định giá từng phần.

Mặc dù mở đầu tuần với 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá nhưng 2 phiên hồi phục mạnh vào cuối tuần đã giúp VGC tăng tốt, đồng thời củng cố khuyến nghị mua vào của BSC.

Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu VGC tăng 1.200 đồng/Cp (+6,74%) từ mức 17.800 đồng/Cp lên 19.000 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu là 21.228 đồng/CP, giá hiện tại của VGC còn thấp hơn 11,73%.

* KIS khuyến nghị xem xét mua vào cổ phiếu PAC

Diễn biến điều chỉnh tích lũy ngắn hạn có thể xuất hiện khi PAC tiệm cận ngưỡng cản tâm lý 45. Vượt qua được ngưỡng cản này, khả năng quay trở lại xu hướng tăng của PAC sẽ rõ nét hơn. Nhà đầu tư có thể xem xét mua PAC khi giá dưới 45 với giá cắt lỗ là 39, vùng giá mục tiêu kỳ vọng là 53-55.

Sau tuần giao dịch tích cực trước đó, PAC đã chịu áp lực bán ra và có tới 3 phiên giảm trong tuần này, tuy nhiên, 2 phiên hồi phục tích cực vào cuối tháng 5 đã giúp cổ phiếu lấy lại cân bằng. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu PAC tăng 1.000 đồng/Cp (+2,34%) từ mức 42.700 đồng/Cp lên 43.700 đồng/Cp.

* VCBS khuyến nghị khả quan trong ngắn hạn đối với STB, KIS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VCB

VCBS tiếp tục duy trì quan điểm khả quan đối với STB trong ngắn hạn. Tuy vậy, do số dư nợ xấu và lãi dự thu ở mức cao, quá trình tái cơ cấu thực tế cần thời gian và nỗ lực. Do đó, chúng tôi khuyến nghị theo dõi trong trung và dài hạn về tốc độ xử lý thu hồi, khả năng bán nợ theo giá thị trường, … để có quyết định đầu tư. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát và cập nhật kịp thời các thông tin, diễn biến về quá trình tái cơ cấu của STB trong thời gian tới.

Theo KIS, năm 2017, EPS và BVPS của VCB lần lượt đạt 2.653 đồng và 15.290 đồng, ứng với mức P/E forward 14,0 lần và P/B forward 2,4 lần, không quá cao đối với doanh nghiệp đầu ngành và định giá quá trong lịch sử. Dựa trên mức giá hiện tại, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với VCB với mức giá mục tiêu không đổi là 39.000 đồng.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục biến động giằng co với những phiên tăng hỗ trợ thị trường và những phiên quay đầu điều chỉnh. Trong đó, STB cũng không ngoại trừ với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu STB nhích nhẹ 100 đồng/Cp (+0,81%) từ mức 12.300 đồng/Cp lên 12.400 đồng/Cp.

Còn VCB có 3 phiên giảm, 1 phiên tăng và 1 phiên đứng giá, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu VCB giảm 400 đồng/Cp (-1,09%) từ mức 36.700 đồng/Cp xuống 36.300 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu HPG

Chúng tôi điều chỉnh giả định biên lợi nhuận gộp 2017 của HPG từ 24,7% xuống 24,4% để phản ánh mức chuẩn hóa cao hơn dự kiến từ mức cơ sở cao năm ngoái và rủi ro biến động giá quặng sắt trong tương lai.

P/E 2017 là hấp dẫn ở mức 5,9 lần trong bối cảnh giá trị cơ bản vững chắc và tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA cho HPG với giá mục tiêu 37.700

Thông tin tác động mạnh tới nhóm cổ phiếu ngành thép trong tuần qua là Bộ công thương chính thức ban hành biện pháp tự vệ với sản phẩm tôn màu, đã giúp các mã trong nhóm này đón nhận những phiên khởi sắc. Tuy nhiên, sóng tăng nhanh chóng bị dập tăng do áp lực bán gia tăng. Tổng cộng, HPG có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu HPG tăng 800 đồng/Cp (+2,74%) từ mức 29.200 đồng/Cp lên 30.000 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu DHC

Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh khởi sắc của quý 2/2017 có thể sẽ tác động tích cực vào giá cổ phiếu sau một giai đoạn giảm do do ảnh hưởng của việc sụt giảm lợi nhuận trong quý I/2017. So với giá giao dịch ngày 23/5/2017, giá trị định giá của DHC (42.300 đồng/cp) cao hơn khoảng 35% do đó chúng tôi vẫn giữ nguyên khuyến nghị Outperform đối với Công ty.

Trái với khuyến nghị của BVSC, tuần qua, DHC có 3 phiên đứng giá đầu tuần và 2 phiên giảm cuối tuần. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu DHC giảm 200 đồng/Cp (-0,6%) từ mức 32.100 đồng/Cp xuống 31.900 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu NLG

Định giá có thể được xem là hấp dẫn với P/B 2017 là 1,3 lần và P/E là 8,3 lần, nên chúng tôi nâng khuyến nghị dành cho CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) từ phù hợp thị trường lên MUA với tổng mức sinh lời 24,9%.

Mặc dù điều chỉnh 3 phiên giữa tuần nhưng 2 phiên khởi sắc đầu tuần ngày 29/5 và cuối tuần ngày 2/6 giúp NLG tăng khá tốt trong tuần qua. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu NLG tăng 650 đồng/Cp (+2,36%) từ mức 27.600 đồng/Cp lên 28.250 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị mở vị thế mua HCM và SSI

Với các tín hiệu kỹ thuật tích cực, chúng tôi cho rằng HCM sẽ tiếp tục xu hướng tăng sau khi tích lũy trong vùng 30-32. Nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế mua mới khi HCM xuất hiện nhịp điều chỉnh kĩ thuât hoặc trong trường hợp HCM tăng mạnh phá vỡ ngưỡng cản 33-34. Mức giá mục tiêu hợp lý cho nhịp tăng này nằm ở vùng 39-40 và mức cắt lỗ dưới 30.

Bên cạnh đó, KIS khuyến nghị nhà đầu tư trung hạn mở vị thế mua mới khi giá cổ phiếu rơi về vùng hỗ trợ mạnh 22-23. Điểm cutloss được đặt tại ngưỡng 21,6.

Trái với diễn biến thiếu tích cực từ chỉ số chung của thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã nổi sóng trong những phiên cuối tuần qua. Trong đó, HCM cũng là 1 nhân tố đóng góp khi có 3 phiên tăng cuối tuần, tuy nhiên, đà giảm khá sâu trong 2 phiên đầu tuần đã lấy đi khá nhiều thành quả của HCM. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu HCM chỉ tăng 500 đồng/Cp (+1,14%) từ mức 44.000 đồng/Cp lên 44.500 đồng/Cp.

Tương tự, SSI cũng có 2 phiên giảm đầu tuần và 3 phiên tăng cuối tuần, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu SSI giảm nhẹ 200 đồng/Cp (0,77%) từ mức 26.000 đồng/Cp xuống 25.800 đồng/Cp. 

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục