Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 30/5 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/5

Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu DHC

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Trong quý I/2017, giá giấy tái chế đầu vào tăng mạnh trên 30% trong khi giá bán đầu ra của Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã DHC) lại điều chỉnh chậm với mức tăng thấp chỉ khoảng 10% do đó lợi nhuận Công ty sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Doanh thu quý I/2017 đạt 160 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ so với năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 26% chỉ đạt 13,5 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 4, giá giấy tái chế đã giảm khá nhiều sau khi tăng mạnh trong quý I/2017, nhờ đó kết quả kinh doanh tháng 4 của công ty có sự hồi phục tốt. Lợi nhuận sau thuế tháng 4/2017 đạt 6,4 tỷ đồng.

Giá giấy nguyên liệu trong tháng 5 tiếp tục giảm nhẹ so với tháng 4 do đó dự kiến trong tháng 5 và 6, hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục khả quan. Ước tính luỹ kế quý II/2017, lợi nhuận sẽ khoảng 20,4 tỷ gần tương đương với cùng kỳ năm 2016, tăng 51% so với quý I/2017.

Ước tính doanh thu năm 2017 tăng trưởng 15% so với năm trước, đạt 766 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 76 tỷ đồng giảm 10,5%, vượt con số kế hoạch 15% trên cơ sở:

- Doanh thu từ sản phẩm giấy công nghiệp tăng 13% phần lớn là nhờ tăng giá, sản lượng tăng khá hạn chế do công suất giai đoạn 1 của nhà máy giấy Giao Long đã đạt gần tối đa công suất.

- Doanh thu bao bì tăng 24% đạt doanh thu 282 tỷ đồng.

- Biên lợi nhuận gộp cả năm giảm xuống còn 16.7% do ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu.

- Chi phí SG&A trong 2016 là 4.3% sang năm 2017 sẽ tăng lên mức 5%.

Trong lần điểu chỉnh lần này (lần thứ 3) tổng đầu tư dự kiến cho nhà máy giây Giao Long giai đoạn 2 sẽ tăng lên là 1.080 tỷ đông tăng 44% so với con số 720 tỷ đồng của lần điều chỉnh thứ 2. Sự thay đổi lớn nhất trong lần điều chỉnh này là do Công ty thay đổi đơn vị cung cấp một số máy móc chính từ Trung Quốc sang Châu Âu đồng thời đầu tư thêm về hệ thống bột để nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm đầu ra.

Ngoài ra, đầu tư cho xây dựng cơ bản cũng tăng mạnh thêm 50% do Công ty phải gia cố chống lún cho nhà xưởng và tăng đầu tư cho hệ thống nước thải. Dự kiến khoảng quý II/2018 nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động. Sản lượng hòa vốn của giai đoạn 2 theo tính toán của Công ty là 84.689 tấn tương đương với công suất hoạt động là 42%.

Năng lực sản xuất giấy bao bì trong nước đang gia tăng khá nhanh với nhiều dự án lớn của các doanh nghiệp FDI và trong nước. Tuy nhiên, nhờ nhu cầu bao bì trong nước tăng trưởng nhanh đi cùng với tăng trưởng của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, sự phát triển của thương mại điện tử cũng như tiềm năng xuất khẩu giấy công nghiệp, đầu ra cho dự án nhà máy số 2 của DHC cũng sẽ không quá khó khăn.

Với suất đầu tư thấp và chú trọng vào chất lượng sản phẩm tốt hơn, dự kiến triển vọng của công ty từ 2019 sẽ có tăng trưởng nhanh theo dự báo của chúng tôi. Nhưng trong năm đầu nhà máy 2 đi vào hoạt động (năm 2018) lợi nhuận sẽ có sự sụt giảm khi nhà máy chưa đạt được điểm hòa vốn.

Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh khởi sắc của quý 2/2017 có thể sẽ tác động tích cực vào giá cổ phiếu sau một giai đoạn giảm do do ảnh hưởng của việc sụt giảm lợi nhuận trong quý I/2017. So với giá giao dịch ngày 23/5/2017, giá trị định giá của DHC (42.300 đồng/cp) cao hơn khoảng 35% do đó chúng tôi vẫn giữ nguyên khuyến nghị Outperform đối với Công ty.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VCB

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Chúng tôi đánh giá Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) vẫn được đang duy trì được phong độ của người dẫn đầu. Chất lượng tài sản vượt trội là một lợi thế đối với Vietcombank.

Đồng thời, chiến lược phát triển phân khúc bán lẻ sẽ giúp VCB tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Kết thúc quý I, VCB đã hoàn thành được 23% lợi nhuận dự phóng của chúng tôi.

Do xu hướng tín dụng thường được đẩy mạnh vào cuối năm, chúng tôi tiếp tục giữ nguyên dự báo triển vọng của VCB trong 2017 với lợi nhuận sau thuế đạt 9.546 tỷ đồng (tăng 39% so với năm ngoái) và vốn chủ sở hữu đạt 55.011 tỷ đồng (tăng 12% so với năm ngoái).

Theo đó, EPS và BVPS lần lượt đạt 2.653 đồng và 15.290 đồng, ứng với mức P/E forward 14,0 lần và P/B forward 2,4 lần, không quá cao đối với doanh nghiệp đầu ngành và định giá quá trong lịch sử.

Dựa trên mức giá hiện tại, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với VCB với mức giá mục tiêu không đổi là 39.000 đồng.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục