Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 12/12

(ĐTCK) Thông tin tích cực về việc Mỹ đạt được thỏa thuận ngân sách, chấm dứt 3 năm đấu đá chính trị của 2 đảng lại đem đến nỗi lo cho nhà đầu tư về số phận gói QE3 và khiến Phố Wall lao dốc.
Phố Wall có phiên giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng - Ảnh: Reuters Phố Wall có phiên giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng - Ảnh: Reuters

Phố Wall lao dốc: Trong phiên giao dịch ngày 11/12, thị trường nhận được thông tin khá tích cực. Theo đó, 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngân sách sau 3 năm đấu đá chính trị, mà đỉnh điểm là đẩy Chính phủ Mỹ bị đóng cửa 2 tuần hồi tháng 10 vừa qua.

Tuy nhiên, chính thông tin tích cực này lại càng thêm củng cố cho quyết định cắt giảm sớm chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng vào cuộc họp tuần sau của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sau khi những dữ liệu kinh tế tích cực đã được công bố trước đó, nhất là số liệu lao động được công bố thứ Sáu tuần trước.

Chính lo ngại này đã khiến nhà đầu tư đồng loạt bán ra, khiến Phố Wall có phiên giảm mạnh nhất trong vong 1 tháng qua.

Kết thúc phiên 11/12, Dow Jones giảm 129,60 điểm (-0,81%), xuống 15.843,53 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,40 điểm (-1,13%), xuống 1.782,22 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 56,68 điểm (-1,40%), xuống 4.003,81 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ: Chứng khoán châu Âu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi những thông tin từ Mỹ và có phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, đà giảm của các thị trường chứng khoán chính của châu Âu không mạnh như các chỉ số chứng khoán Mỹ.

Kết thúc phiên 11/12, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 15,59 điểm (-0,24%), xuống 6.507,72 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 37,33 điểm (-0,41%), xuống 9.077,11 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 4,28 điểm (-0,10%), xuống 4.086,86 điểm.

Chứng khoán châu Á giảm mạnh: Cũng giống như nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Âu, Mỹ trước đó, nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường châu Á cũng thận trọng để nghe ngóng động thái của FED về số phận của gói QE3.

Kết thúc phiên 11/12, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 96,25 điểm (-0,62%), xuống 15.515,06 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 405,95 điểm (-1,71%), xuống 23.338,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 33,33 điểm (-1,49%), xuống 2.204,17 điểm.

Ngay sau khi thông tin 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ đạt được thỏa thuận ngân sách, dù còn khiêm tốn, nhưng chấm dứt 3 năm đấu đá chính trị và bất ổn của chính trường Mỹ, nhiều dự đoán chắc chắn FED sẽ kết thúc sớm gói QE3 và đã tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư.

Sau khi chứng khoán Mỹ đổ đèo trong phiên giao dịch kết thúc rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, chứng khoán Nhật Bản cũng lao mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch mới sáng nay với mức giảm 1,5%.

Giá vàng hạ nhiệt: Sau 3 phiên tăng liên tiếp, đặc biệt là phiên 10/12 tăng vọt hơn 1,7% do đồng USD giảm giá, giá vàng đã hạ nhiệt trở lại trong phiên giao dịch 11/12.

Kết thúc phiên 11/12, giá vàng giao ngay trên sàn New York giảm 9,7 USD/ounce (-0,77%), xuống 1.252,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2014 giảm 3,9 USD (-0,31%), xuống 1.257,2 USD/ounce.

Tính từ đầu năm tới nay, giá kim loại quý đã mất khoảng 25%, mức giảm tồn tệ nhất kể từ năm 1981.

Giá dầu giảm trở lại: Sau chuỗi tăng giá ấn tượng, tưởng chừng giá dầu sẽ tiếp tục có thêm động lực để tiến đến mốc 100 USD/thùng, thì bất ngờ đã hạ nhiệt trở lại trong phiên 11/12. Trong khi đó, giá dầu Brent tiếp tục tăng nhẹ khi lo ngại về triển vọng nguồn cung.

Kết thúc phiên 11/12, giá dầu thô tại thị trường New York giảm 1,07 USD (-1,10%), xuống 97,44 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,32 USD (+0,29%), lên 109,70 USD/thùng.

 

T.Lê tổng hợp
T.Lê tổng hợp

Tin cùng chuyên mục