Điểm sáng xuất khẩu

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy các ngành sản xuất nắm bắt nhanh cơ hội khi thị trường thế giới phục hồi.

Tín hiệu tích cực và kỳ vọng từ thị trường hoa kỳ, EU, Trung Quốc

Gần 239 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta sau 4 tháng đầu năm 2024, tăng 31,48 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tiếp tục ghi nhận đà phục hồi khá tốt.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, xuất khẩu tháng 4 (tính đến ngày 26/4/2024) đạt 30,94 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 4 tháng năm 2024 đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, xuất khẩu hồi phục mạnh ở những nhóm hàng chủ lực, đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu, ấn tượng hơn cả là nhóm hàng máy tính, linh kiện; máy móc, thiết bị, phụ tùng; giày dép; dệt may; điện thoại... 5 nhóm hàng này đóng góp 71,5 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng của cả nước.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Trong báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam (tháng 4/2024), Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đang có một số tín hiệu phục hồi.

“Chỉ dấu tích cực thể hiện qua tăng trưởng xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần”, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam cho biết.

Dữ liệu kinh tế 4 tháng của Tổng cục Thống kê thể hiện, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 108,27 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 13,6% so với cùng kỳ nhờ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc tăng mạnh.

Trong 4 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 34,1 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp đến là Trung Quốc (18 tỷ USD, tăng 14,4%); EU (16,4 tỷ USD, tăng 15%); Hàn Quốc (8,4 tỷ USD, tăng 10,2%)...

Tín hiệu phát triển theo chiều hướng tốt lên của sản xuất và xuất khẩu cũng thể hiện qua hoạt động nhập khẩu, khi Việt Nam chi 115,24 tỷ USD để mua hàng từ nước ngoài, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 94%.

Chủ động thích ứng

Xuất khẩu trên đà phục hồi, nhưng có thể thấy, áp lực từ biến động địa chính trị, tỷ giá và chi phí logistics tăng cao gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, lúc này, điều khiến các nhà sản xuất lo lắng vẫn là tình hình căng thẳng địa chính trị và thiên tai liên quan đến khí hậu sẽ làm tăng rủi ro cho hoạt động xuất khẩu.

Sự lo lắng của doanh nghiệp là có cơ sở, bởi trong quý I/2024, Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) dao động quanh mức 50 điểm, cho thấy sự phục hồi vẫn còn mong manh.

Các doanh nghiệp dệt may cho biết, 4 tháng đầu năm, lượng đơn hàng gia tăng, nhưng đơn giá chưa cải thiện, trong khi đó, yêu cầu của các nhà mua hàng lại “gắt” hơn.

Đứng trước những thách thức này, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản nhằm thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường, đảm bảo ổn định sản xuất và nâng cao hiệu quả.

Nhìn theo hướng tích cực, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao hơn dự kiến sẽ tạo lực đẩy để các lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam phục hồi nhanh hơn. Theo chuyên gia WB, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo của Việt Nam tiếp tục phục hồi trong 2 năm tới, dựa trên dự báo tăng trưởng nhẹ và nhu cầu nhập khẩu của các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc.

Ngoài ra, từ nền tảng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đang nghiên cứu mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 - 2025 có mức tăng thấp hơn năm 2023, nhưng vẫn có một số nền kinh tế có mức tăng trưởng tốt hơn, trong đó có Việt Nam.

“Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt và đây là điều tích cực, hỗ trợ tăng trưởng chung. Tuy nhiên chi tiêu tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình vẫn ở mức thấp, đây là điều cần lưu ý. Trong thời gian còn lại của năm, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh và kỳ vọng nhu cầu trong nước sẽ tăng lên”, ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Tham vấn và giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam thuộc IMF nhận định.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục