Theo ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, để thu hút nhà đầu tư chất lượng cao từ Hoa Kỳ, Việt Nam cần lưu ý mối liên kết với các nước ASEAN, năng lượng sạch.
Chia sẻ tại tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024 diễn ra tại TP. Quy Nhơn vừa qua, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang rất quan tâm đến Việt Nam. Sự quan tâm này đã gia tăng trong vòng 5 năm qua và đặc biệt từ tháng 9/2023 khi hai nước nâng mức quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược toàn diện.
Tháng 11/2023, tỉnh Bình Định phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC và thành phố Savannah, Bang Georgia, Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư với chủ đề “Việt Nam - Cửa ngõ đến Đông Nam Á”. Ảnh: Trung Kiên. |
Theo ông Thành, các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến các lĩnh vực ở Việt Nam gồm năng lượng (điện khí nhập khẩu LNG, điện năng lượng tái tạo), điện tử bán dẫn, kinh tế số, hạ tầng, y tế giáo dục, lĩnh vực điện hóa, giao thông vận tải, du lịch, khách sạn.
Và để thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao từ Hoa Kỳ, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, cần lưu ý các yếu tố.
Đầu tiên là dư địa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hoa Kỳ vào Việt Nam còn rất lớn. Minh chứng là lũy kế thu hút đầu tư FDI Hoa Kỳ vào toàn bộ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho đến hết năm 2023 là khoảng 400 tỷ USD; trong đó chỉ có khoảng 15 tỷ USD chảy vào Việt Nam. Con số rất nhỏ (chưa đến 1%), nên dư địa của Việt Nam còn rất lớn.
Cùng với đó, trong số hơn 6.200 doanh nghiệp Hoa Kỳ kinh doanh ở ASEAN, Việt Nam chỉ có khoảng hơn 200 doanh nghiệp Hoa Kỳ kinh doanh - một tỷ lệ rất là nhỏ (3,2%).
Trong khi Hoa Kỳ là nhà đầu tư FDI lớn nhất của ASEAN trong nhiều năm qua. Năm 2022, Hoa Kỳ đầu tư gần 37 tỷ USD vào ASEAN, đứng đầu và chiếm 16,4% tổng số FDI vào khu vực này, vượt xa quốc gia đứng thứ 2 là Nhật Bản (chưa đến 27 tỷ USD). Điều này khẳng định Hoa Kỳ rất quan tâm đến khu vực ASEAN.
“Tổng dư lượng đầu tư FDI của Hoa Kỳ vào ASEAN lớn hơn lượng đầu tư FDI của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cộng lại’, ông Thành thông tin.
Chính điều này dẫn đến lưu ý là các doanh nghiệp Hoa Kỳ không nhìn Việt Nam hay bất kỳ nước ASEAN nào như một thị trường riêng lẻ. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đến ASEAN, coi đây là một thị trường lớn (gần 700 triệu dân, quy mô kinh tế 3.600 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới).
“Việt Nam muốn phát huy sức mạnh thu hút được các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào khai thác được dư đia rất lớn đó, Việt Nam phải liên kết với các nước ASEAN”, ông Thành gợi ý.
Lý do là sự liên kết kinh tế với khối ASEAN sẽ giúp khối này tạo ra lực hấp dẫn mạnh với doanh nghiệp Hoa Kỳ. Doanh nghiệp Hoa Kỳ kỳ vọng vào sự tự do lưu chuyển hàng hóa, lao động, tài chính, dữ liệu… trong ASEAN.
Một yếu tố nữa theo Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN liên quan đến vấn đề năng lượng sạch.
Lý giải về điều này, ông Thành khẳng định Việt Nam có rất nhiều cơ hội từ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử (trong đó có đào tạo nguồn nhân lực, khai thác khoáng sản thiết yếu); kinh tế số (an ninh mạng, trung tâm dữ liệu phục vụ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo).
Các loại trung tâm dữ liệu đều cần rất nhiều năng lượng; riêng trung tâm dữ liệu phục vụ trí tuệ nhân tạo cần rất nhiều năng lượng, gấp hàng chục lần trung tâm dữ liệu phục vụ điện toán đám mây.
“Do đó, muốn phát triển ngành kinh tế số, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo không thể không lưu ý đến vấn đề năng lượng, mà đặc biệt là vấn đề năng lượng sạch. Đây là thách thức cũng là cơ hội đối với Việt Nam”, ông Thành nhìn nhận.
Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, D.C (Hoa Kỳ), được thành lập cách đây 40 năm (năm 1984). Tổ chức này đại diện cho hơn 170 doanh nghiệp thành viên; phần lớn là các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực kinh tế năng động nhất hiện nay như công nghệ, kinh tế số, điện tử, bán dẫn, y tế, năng lượng, nông nghiệp, thực phẩm, hàng không vũ trụ, dịch vụ tài chính, quỹ đầu tư…