Điểm nóng pháp lý ngành ngân hàng - bài 1: bại trận vì "khiên thủng"

(ĐTCK) Lời tòa soạn: 2013 là năm nổi cộm về pháp lý với ngành ngân hàng, khi xảy ra hàng loạt vụ án lớn. Những vấn đề pháp lý năm 2013 vẫn tiếp tục là thách thức trong năm 2014 với ngành ngân hàng. ĐTCK xin giới thiệu loạt bài viết về các vấn đề này của ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, luật sư chuyên về lĩnh vực ngân hàng, đầu tư, chứng khoán.
Bài 1: Thế chấp hàng hóa, ngân hàng bại trận vì “khiên thủng”

Năm 2013, ngành ngân hàng đón nhận những hậu quả nặng nề nhất, tổn thất nhất và liên tiếp nhất từ một sản phẩm cho vay truyền thống, cho vay thế chấp hàng hóa. Vụ cưỡng chế kho hàng của Công ty TNHH Trường Ngân cũng như những lùm xùm quanh việc tranh kho hàng của 7 ngân hàng đã cho DN này vay vốn là vụ thất thoát tiền bạc lớn đối với ngân hàng trong sản phẩm cho vay hàng hóa cuối cùng khép lại năm 2013, sau hàng loạt vụ mất vốn đến hàng trăm tỷ đồng của ngành ngân hàng khi cho vay thế chấp tại các DN như Thép Âu Mỹ, Công Chính Thái Nguyên…

Rủi ro từ bản chất sản phẩm

Đối với các DN sản xuất, tài sản quan trọng nhất chính là hàng hóa, thành phẩm, bán thành phẩm hoặc nguyên liệu. Khi ngân hàng cho vay các DN sản xuất thì tài sản bảo đảm chủ yếu là hàng hóa trong kho được hình thành từ chính nguồn vốn vay.

Để đáp ứng quy mô vốn lưu động lớn, DN thường đi vay nhiều ngân hàng và từ đó, có nhiều nguồn hàng hóa khác nhau hình thành từ nguồn vốn tín dụng của nhiều ngân hàng khác nhau. DN có quyền sử dụng hàng hóa hình thành từ vốn vay của ngân hàng để làm tài sản bảo đảm. Cũng chính từ đây, một kho hàng có thể có nhiều hàng hóa là tài sản bảo đảm của nhiều ngân hàng khác nhau. Như vậy, một kho hàng thường được sử dụng để thế chấp cho vài ngân hàng là chuyện rất phổ biến, mà các vụ ngân hàng tranh chấp kho hàng của DN xảy ra thời gian qua là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Rất nhiều rủi ro ngân hàng đã gặp phải khi cho vay thế chấp kho hàng. Ví dụ, hàng hóa bị thiếu hụt, bị rút ruột, không đảm bảo số lượng ban đầu hay nguy cơ thế chấp trùng, hàng hóa để trong kho bị trùng lẫn. Rõ ràng, đây là sản phẩm cho vay tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, nhưng vì những logic kinh doanh, ngân hàng vẫn không thể không cho vay.

 Trọng tâm quản lý rủi ro sai lầm

Hậu quả đã phát sinh từ những rủi ro nội tại của sản phẩm, nhưng bên cạnh đó còn có một nguyên nhân trọng yếu là nhận thức sai lầm của các ngân hàng. Một thời gian dài, từ cán bộ đến lãnh đạo ngân hàng đã sai lầm trong việc quyết định đâu là trọng điểm quản lý rủi ro trong quan hệ với DN.

Mọi DN đi vay với tài sản bảo đảm là hàng hóa đều là DN sản xuất. Vậy dữ liệu thực sự về năng lực tài chính của khách hàng có khó xác định không? Xin nhấn mạnh là điều này không nằm ngoài tầm khả năng của ngân hàng. Ví dụ, ngân hàng hoàn toàn có thể xác định lượng hàng tồn kho, nhu cầu hạn mức tín dụng phục vụ cho quy mô thực tại của DN. Một khi cán bộ tín dụng thực hiện nghiêm túc công việc thẩm định khách hàng thì hiện tượng cùng một kho hàng thế chấp nhiều nơi là không thể.

Nhìn lại các DN thời gian qua lâm vào khủng hoảng, phá sản thì hầu như đều có chung đặc điểm là có sự lệch nguồn về cơ cấu vay nợ từ ngân hàng, trong đó rất nhiều DN dùng vốn ngắn hạn đầu tư trung, dài hạn như bất động sản, đầu tư tăng trưởng máy móc thiết bị nhà xưởng của lĩnh vực ngành nghề khác. Ngân hàng không thể nói là không biết việc DN sử dụng vốn sai mục đích, vấn đề là ngân hàng biết nhưng lại để mặc, thậm chí do chính sách chung của cả ngành ngân hàng đã giúp khách hàng đảo nợ mà đảo nợ vừa gây khó khăn cho ngân hàng vừa làm xấu thực trạng các khoản nợ.

Việc ngân hàng dựa vào số liệu ảo, mà lờ đi thực trạng thật có nhiều lý do. Thứ nhất là do giai đoạn thẩm định, phê duyệt cho vay, ngân hàng chỉ chú trọng đến hóa đơn chứng từ và lời khai của khách hàng, mà không thẩm định thực tế tài sản cũng như hoạt động của DN.

Thứ hai là lỗi ở quy trình. Chính sách quản lý rủi ro chung của ngành ngân hàng thiếu sự minh bạch, dẫn đến khách hàng có thể che giấu thông qua hoạt động đảo nợ, thậm chí có sự giúp sức hoặc yêu cầu bắt buộc từ phía ngân hàng. Nhiều khi DN “xin” ngân hàng được gia hạn nợ hoặc là để ngân hàng thu hồi nợ trước hạn, nhưng vì ngân hàng không muốn làm xấu tình trạng tài chính của mình, bởi gia hạn nợ là thừa nhận một khách hàng “xấu”, đã không chấp nhận mà buộc DN phải đảo nợ. Thực trạng phổ biến là, ngân hàng chấp nhận tiếp tục cho vay theo khế ước mới với số tiền đúng bằng số tiền nợ đến hạn. Nhưng trước khi được giải ngân, DN phải vay trên thị trường “đen” với lãi suất cắt cổ, trả nợ khế ước trước đó rồi mới được vay tiếp. Như vậy, thực chất, DN không hề được vay thêm mà còn phải chịu áp lực trả lãi trên thị trường “đen”.

Sự che giấu tình hình tín dụng đã làm hỏng cả hệ thống ngân hàng suốt thời gian qua. Thực tế, với việc đảo nợ, DN không được gì mà chỉ mất thêm tiền và thị trường tín dụng “đen” càng phát triển.

Đặt trọng tâm sai, nên chính sách quản lý rủi ro sai. Nếu đặt trọng tâm vào chứng từ thì chỉ có con số ảo, còn đặt trọng tâm vào thực tế thì sẽ có quy trình quản lý rủi ro thực chất. Sự đảm bảo khi cho vay nếu chỉ dựa vào hàng hóa là không ổn, mà phải dựa trên cơ sở sự minh bạch về thông tin thực sự của DN.

Hàng lang pháp lý không hiệu quả

Một yếu tố góp phần tạo nên khủng hoàng thế chấp hàng hóa, đó chính là hành lang pháp lý hỗ trợ cho ngân hàng và DN.

Khi ngân hàng nhận tài sản bảo đảm thì trải qua nhiều thủ tục liên quan như công chứng hợp đồng, xác nhận tính xác thực giao dịch giữa ngân hàng và bên bảo đảm, thể hiện khẳng định tính khách quan, tự nguyện giao kết của một giao dịch và được Nhà nước mặc nhiên công nhận. Thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo còn quan trọng hơn khi xác định đến ngày, giờ, phút, giây thứ tự ưu tiên khi một tài sản được dùng để bảo đảm cho nhiều chủ nợ.

Với những quy định như vậy, ngành ngân hàng và DN yên chí là đang đi trong hệ thống hành lang pháp luật bảo hộ rõ ràng, chuẩn mực và khi xảy ra vấn đề lấy căn cứ, ngưỡng pháp lý để làm căn cứ chứng minh phân định. Nhưng thực tế các vụ tranh chấp hàng hóa trong kho cho thấy các hành lang pháp lý này đều đã phá sản.

Hàng năm, ngân hàng đều phải chi rất nhiều tiền cho hoạt động công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm và gánh nặng này đều đặt lên vai DN. Vậy việc công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm đem lại giá trị gì cho cả ngân hàng và DN?

Giải pháp nào để yên tâm tài trợ vốn cho sản xuất?

Mặc dù còn lúng túng, nhưng mỗi ngân hàng đều đưa ra giải pháp để hạn chế rủi ro từ sản phẩm cho vay thế chấp hàng tồn kho luân chuyển. Giải pháp đầu tiên là chuyển từ biện pháp thế chấp sang biện pháp cầm cố, tức là hàng hóa là tài sản bảo đảm được quản lý ngay tại kho của ngân hàng, hoặc kho mà ngân hàng đứng ra thuê.

Bên cạnh đó, ngân hàng có thể yêu cầu khách hàng trong việc lựa chọn quan hệ với ngân hàng khác. Các DN nhìn chung sẽ có quan hệ mật thiết với một ngân hàng nào đó và ngân hàng này hoàn toàn có thể yêu cầu khách hàng lựa chọn ngân hàng tiếp theo để đặt quan hệ tín dụng, qua đó, hình thành nhóm ngân hàng, để sau này có sự phối hợp, liên kết khi xử lý tài sản bảo đảm.

Ngân hàng cũng cần yêu cầu DN hợp tác, phân loại hàng hóa theo từng thể loại, có hàng tách theo lô (nếu có thể) và xem xét lại chính sách kho vận để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Với nguyên liệu, bán thành phẩm không có sự lựa chọn nào khác là phải để trong kho, xưởng, do đó, chính sách quản trị rủi ro nên coi hàng hóa là tín chấp, để từ đó bám sát mọi tình hình hoạt động DN.

Không chỉ thế, hệ thống pháp luật cần trao cho ngân hàng quyền sở hữu tạm thời trong thời gian thế chấp. Có như vậy mới dễ dàng xác định tình trạng tài sản bảo đảm, thay vì thứ tự ưu tiên của đăng ký giao dịch bảo đảm. Kết hợp với những giải pháp nêu trên, trong đó, có việc yêu cầu DN lựa chọn nhóm ngân hàng tin cậy để quan hệ tín dụng, khi đó, ngân hàng đầu tiên nhận tài sản bảo đảm có quyền sở hữu và ngân hàng thứ hai, thứ ba mặc nhiên vô hiệu nếu như không được ngân hàng thứ nhất chấp nhận, tương tự như cơ chế đối với việc thế chấp bất động sản.                 

Bài 2: nợ xấu rối như mớ bòng bong 

Luật sư Trần Minh Hải

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục