Ngày 21/9/2013, tại Khách sạn Sheraton TP. HCM, trước sự chứng kiến của 600 khách mời, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đại Nam đã công bố di chúc, giao lại toàn bộ tài sản cho con trai là Huỳnh Hằng Hữu nhân dịp sinh nhật tròn 1 tuổi của Hữu.Theo đó, kể từ ngày 21/9, Huỳnh Hằng Hữu chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Đại Nam, với hơn 2.000 nhân viên, có trụ sở tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ông Dũng chỉ giữ lại chức Tổng giám đốc và vợ ông, bà Nguyễn Phương Hằng, là Phó tổng giám đốc thứ nhất. Một Hội đồng giám sát gồm vợ chồng ông Dũng và 9 thành viên khác sẽ có trách nhiệm giám hộ, quản lý toàn bộ khối tài sản của Đại Nam, giúp cho Chủ tịch HĐQT Huỳnh Hằng Hữu cho đến khi vị chủ tịch này tròn 18 tuổi sẽ được quyền định đoạt tất cả tài sản.
Trong cơ cấu quản lý DN được quy định trong Luật Doanh nghiệp, không có “Hội đồng giám sát”
Từ sự kiện này có 2 câu hỏi đặt ra: Liệu việc bầu người 1 tuổi làm chủ tịch HĐQT DN có phù hợp với quy định của pháp luật? Hội đồng giám sát là loại cơ quan nào trong cơ cấu quản lý DN được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2005?
Trả lời câu hỏi thứ nhất, căn cứ vào quy định tại Điều 110 Luật Doanh nghiệp về tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên HĐQT thì thành viên HĐQT phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau: a) Có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm quản lý DN theo quy định của Luật này; b) Là cổ đông cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông hoặc người khác có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty…”. Nếu là công ty đại chúng/niêm yết, tiêu chuẩn và quy trình bầu cử, ứng cử còn phải tuân thủ các quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng quy định tại Thông tư 121/2012/TT-BTC.
Ngoài ra, Điều 111 Luật Doanh nghiệp quy định: “ĐHCĐ hoặc HĐQT bầu Chủ tịch HĐQT theo quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp HĐQT bầu Chủ tịch HĐQT thì Chủ tịch được bầu trong số thành viên HĐQT”.
Về năng lực hành vi dân sự, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Năng lực hành vi dân sự là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự” (Điều 17).
Bộ luật Dân sự cũng quy định rõ: “Người chưa đủ 6 tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện” (Điều 21).
Đối chiếu với các quy định của pháp luật nói trên, việc Đại Nam bầu Chủ tịch HĐQT 1 tuổi là không phù hợp, nhiều khả năng sẽ bị cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối nội dung thay đổi này trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề di chúc, giao toàn bộ tài sản cho người khác quản lý, Bộ luật Dân sự quy định về hiệu lực của di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” (Điều 646); “Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế” (Khoản 1 Điều 667); “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết” (Điều 668).
Như vậy, việc ông Dũng công bố di chúc, giao lại toàn bộ tài sản cho con nêu trên liệu có phù hợp với quy định của pháp luật không khi sự kiện pháp lý (chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết) chưa xảy ra? Điều này khác hoàn toàn với việc tặng cho tài sản.
Trả lời câu hỏi thứ hai, đối chiếu với quy định tại Luật Doanh nghiệp, không có cơ quan quản lý nào tại DN có tên gọi là “Hội đồng giám sát”. Chỉ có Bộ luật Dân sự có quy định về vấn đề giám hộ và hợp đồng ủy quyền đối với các trường hợp cụ thể khi thực hiện các giao dịch dân sự.
CTCP Đại Nam không công bố nhiều thông tin về Công ty, mặc dù đây là công ty cổ phần có quy mô lớn, với tài sản trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng và nhiều công ty thành viên. Đại