Quản trị công ty nhà nước, khoảng trống pháp lý

(ĐTCK) Những quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 đối với các công ty nhà nước (nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước) đang là “chiếc áo pháp lý chật”, là rào cản cho sự phát triển của các DN này.
Quản trị công ty nhà nước, khoảng trống pháp lý

>> Đã đến lúc “làm mới” Luật Doanh nghiệp

>> DNNN chưa giảm được quy mô cồng kềnh

>> Thành lập DN, vướng mắc ở đâu?   

Thực hiện Luật Doanh nghiệp 2005, hàng trăm tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các quy định chặt chẽ về quản trị công ty (QTCT) áp dụng với loại hình công ty “siêu đại chúng” này.

Công ty “siêu đại chúng” nằm ngoài quy chế quản trị công ty

Xét về mặt bản chất, nếu cơ cấu sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty là 100% vốn của Nhà nước, thì mô hình lựa chọn phải là công ty TNHH một thành viên với mô hình hội đồng thành viên (HĐTV) là phổ biến. Theo mô hình này, chủ sở hữu công ty bổ nhiệm một hoặc một số người đại diện theo uỷ quyền với nhiệm kỳ không quá 5 năm để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật. Chủ sở hữu công ty có quyền thay thế người đại diện theo uỷ quyền bất cứ khi nào.

Trường hợp có ít nhất 2 người được bổ nhiệm làm đại diện theo uỷ quyền thì cơ cấu tổ chức quản lý của công ty bao gồm: HĐTV, giám đốc hoặc tổng giám đốc và kiểm soát viên; trong trường hợp này, HĐTV gồm tất cả người đại diện theo uỷ quyền. Trường hợp 1 người được bổ nhiệm làm người đại diện theo uỷ quyền thì người đó làm chủ tịch công ty; trong trường hợp này, cơ cấu tổ chức quản lý của công ty bao gồm: chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc và kiểm soát viên. Điều lệ công ty quy định, chủ tịch HĐTV hoặc chủ tịch công ty hoặc giám đốc hoặc tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Quản trị công ty nhà nước, khoảng trống pháp lý  ảnh 1Chưa có các quy định chặt chẽ về quản trị công ty nhà nước

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2005 dành một chương với 4 điều khoản quy định về “nhóm công ty” là tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác và bao gồm các hình thức: công ty mẹ - công ty con; tập đoàn kinh tế (là nhóm công ty có quy mô lớn); các hình thức khác. Tuy nhiên, không có các hướng dẫn cụ thể hơn trong các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2005 về nhóm công ty, nhất là khi mô hình tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo mô hình “nhóm công ty” đã hoạt động trước đây phải chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên trong vòng 4 năm sau khi Luật Doanh nghiệp 2015 có hiệu lực (1/7/2006).

Nói cách khác, những quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 đối với các công ty nhà nước (nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước) đang là “chiếc áo pháp lý chật”, là rào cản cho sự phát triển của các DN này. Đáng lưu ý, cho dù quản lý một lượng tài sản khổng lồ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và doanh thu hàng năm của các công ty “siêu đại chúng” này gấp 1 - 2 lần vốn của chủ sở hữu, nhưng lại không chịu sự điều chỉnh bởi các quy định về QTCT đại chúng (gần nhất là Thông tư 121/2012/TT-BTC). Trong khi đó, xét về mặt tổ chức và hoạt động, các công ty “siêu đại chúng” này không khác nhiều so với các công ty đại chúng lớn nhất đang niêm yết trên TTCK Việt Nam hiện nay.

 

Cần xây dựng riêng quy chế QTCT cho công ty nhà nước

Văn bản đáng chú ý nhất đề cập đến việc quản lý các các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu là ngày 11/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 706/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới quản trị DN theo thông lệ kinh tế thị trường. Theo đó, Việt Nam cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành Quy chế quản trị công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Tổ chức OECD cũng có riêng một quy định về hướng dẫn QTCT các công ty nhà nước. Có 6 nội dung cơ bản về hướng dẫn QTCT của các công ty nhà nước mà Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi (xem bảng).

Quản trị công ty nhà nước, khoảng trống pháp lý  ảnh 2

Như vậy, bên cạnh việc bổ sung những quy định mới trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi về mô hình “nhóm công ty” để đáp ứng những đòi hỏi và yêu cầu bức xúc hiện nay của mô hình tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước có quy mô lớn, cần thiết phải có riêng Quy chế quản trị công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu dựa trên các hướng dẫn của OECD về vấn đề này (áp dụng cho các DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn).

Tuy nhiên, giải pháp lâu dài và đúng với nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường các nước phát triển là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN quy mô lớn nên sớm thực hiện quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi, cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty đại chúng hoặc niêm yết trên TTCK Việt Nam và nước ngoài. Yêu cầu cải cách, tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế nhà nước đang đặt ra bức thiết với Việt Nam và hiện đây đang là “bức tường” vô hình nhưng kiên cố, gây trở ngại cho Việt Nam trước các “cuộc chơi” quốc tế, chẳng hạn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay các cam kết WTO như: DNNN phải hoạt động trên cơ sở thương mại (tức là phải bình đẳng với các thành phần DN khác); đầu tư của DNNN không thể xem là đầu tư của Nhà nước (tức là Nhà nước không được đổ tiền vào DNNN, DNNN muốn đầu tư phải huy động vốn từ thị trường, từ đó chịu sức ép như bao thành phần khác để hoạt động hiệu quả); Nhà nước chỉ được chi phối DN theo tỷ lệ cổ phần góp vốn (chứ không phải là DNNN để được hưởng ưu đãi, đặc quyền đặc lợi).

Luật sư Lê Minh Toàn - Công ty Luật Lê Minh
Luật sư Lê Minh Toàn - Công ty Luật Lê Minh

Tin cùng chuyên mục