Điểm đến của dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 nhiều khả năng vẫn ảm đạm, nhưng với xu hướng lợi nhuận đã tạo đáy dần từ quý IV/2022, giới đầu tư kỳ vọng hoạt động của các doanh nghiệp sẽ hồi phục dần qua từng quý. Cổ phiếu của các doanh nghiệp dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tốt đang được săn đón.
Các ngành kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý II tốt đang thu hút được sự chú ý của giới đầu tư. Các ngành kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý II tốt đang thu hút được sự chú ý của giới đầu tư.

Phiên cuối tuần qua, chỉ số VN-Index có màn “quay xe” ngoạn mục, tăng 2,98 điểm so với mốc mở cửa sau khi đã nhuốm đỏ thời gian dài trước đó. Khép lại tuần giao dịch sôi động, VN-Index ghi nhận mức tăng 30,33 điểm. Giới phân tích nhận định, nhịp chỉnh vào buổi sáng ngày 14/7 là cần thiết để đà tăng của chỉ số ổn định, bền vững hơn. VN-Index đã cán ngưỡng tâm lý 1.162 điểm và hướng tới mốc 1.170 điểm.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, SSI Research nhận định, dòng tiền đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình thị trường giai đoạn này, do lãi suất đã giảm mạnh. Mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 3%/năm so với đỉnh tháng 1 năm nay. Thanh khoản hiện tại rất thấp so với cùng kỳ hai năm trước, do vậy, chỉ cần có thêm dòng tiền vào là có thể tác động đến thị trường.

Không khó để nhận thấy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán có sự xoay chiều giữa các nhóm ngành, từ nhóm ngành nhạy cảm với sự sụt giảm lãi suất như chứng khoán, bất động sản cho đến nhóm ngành có khả năng hồi phục lợi nhuận từ quý III, hoặc quý IV năm nay như thép, thậm chí cả nhóm ngành chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng về lợi nhuận như bán lẻ, thuỷ sản. Các ngành kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý II tốt thu hút được sự chú ý.

Theo bà Phương, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang đi trước diễn biến thực của nền kinh tế, kỳ vọng của các nhà đầu tư về triển vọng phục hồi của nền kinh tế từ nay đến cuối năm đã phản ánh vào giá các cổ phiếu. Nếu như đà phục hồi của nền kinh tế không như dự kiến, nhà đầu tư cần phải thận trọng, còn trong tình huống ngược lại thì rất tốt, tạo đà tăng trưởng không chỉ cho thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm 2023 mà cả năm 2024.

Đánh giá tình hình các doanh nghiệp trong mùa báo cáo kết quả quý II/2023, bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích cổ phiếu của SSI Research nhận định, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn HOSE sụt giảm mạnh ở quý IV/2022, với mức giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước đó và tiếp tục giảm 18% trong quý đầu năm. Nếu loại trừ VHM và nhóm ngân hàng - nhóm báo lãi rất tốt trong quý I/2023, đóng góp khoảng 50% vào tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên HOSE - thì lợi nhuận của các doanh nghiệp khác còn sụt giảm mạnh hơn.

Sang quý III, lợi nhuận của hầu hết các ngành có thể tạo xong đáy.

Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích cổ phiếu của SSI Research

Quý II, bà Trang dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trên HOSE vẫn giảm mạnh, do lợi nhuận của nhóm ngân hàng yếu đi. Trong đó, nhóm thép dù dự báo có kết quả kinh doanh tốt hơn quý trước nhưng vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ và chỉ tốt dần lên trong các quý tới (do so sánh trên nền thấp của quý IV/2022.

Sang quý III, bà Trang cho rằng, lợi nhuận của hầu hết các ngành có thể tạo xong đáy. Chẳng hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ sụt giảm lợi nhuận mạnh nhất (do lợi nhuận thiết lập đỉnh trong quý II/2022), nhưng kỳ vọng sang quý III đà giảm có thể nhẹ hơn và tăng trưởng dương trở lại trong quý IV. Hiện thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp cá tra là Mỹ thì chỉ số thể hiện tồn kho các doanh nghiệp Mỹ vẫn đang cao - yếu tố quyết định nhu cầu tiêu thụ cá tra ở các thị trường xuất khẩu, nên có vẻ chưa có nhiều tích cực về tiêu thụ. Nhưng biên lợi nhuận các doanh nghiệp ngành này có thể cải thiện do giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (chiếm 20% chi phí giá vốn) giảm.

Trong tháng 7, SSI Research khuyến nghị nhà đầu tư mua vào các cổ phiếu VRE, GMD, PVD, MBS, QNS, VNM. Luận điểm đầu tư với VRE đến từ xu hướng lợi nhuận của doanh nghiệp này sẽ duy trì đà tăng trưởng trong các quý tới do không còn phải hỗ trợ khách thuê, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê đều gia tăng, đồng thời cũng ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các căn shophouse bàn giao. Dự báo, VRE sẽ tăng trưởng lợi nhuận 30 - 40% cho năm nay

Với GMD, SSI dự báo, trong quý II/2023, Công ty có thể ghi nhận lợi nhuận bất thường từ việc bán 85% vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ. Giao dịch này đã công bố từ cuối tháng 5 và kỳ vọng đem lại khoản lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng, là xúc tác ngắn hạn cho GMD. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của GMD có tiến triển so với quý I, dù so với cùng kỳ giảm.

Với QNS, lợi nhuận sẽ hưởng lợi từ giá đường tăng và có thể kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận 60% của doanh nghiệp này trong 6 tháng đầu năm (so với cùng kỳ). Quý II/2023 dự kiến ghi nhận lợi nhuận kỷ lục cho QNS. Hay với cổ phiếu MBS, cơ sở cho kỳ vọng lợi nhuận tốt là giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán cải thiện.

Còn với VNM, luận điểm đầu tư của SSI là, trong bức tranh chung của ngành tiêu dùng thiết yếu năm nay dự báo khó khăn và sụt giảm lợi nhuận (đặc biệt bán lẻ) thì một doanh nghiệp có thể tăng trưởng dương là điểm tích cực cho cổ phiếu trong ngắn hạn.

SSI dự báo, trong quý II, VNM có thể đạt mức tăng trưởng 2 con số (10%) sau 9 quý liên tiếp không tăng trưởng về lợi nhuận. Bà Trang chia sẻ, yếu tố tăng trưởng đến chủ yếu từ biên lợi nhuận gộp cải thiện do giá sữa nguyên liệu giảm từ đỉnh năm ngoái, doanh thu cũng có dấu hiệu khởi sắc từ tháng 5.

Với kế hoạch của VNM thì sau quý I lợi nhuận giảm 18% thì 3 quý tiếp theo phải tăng 7%/quý thì mới đạt kế hoạch. Nhưng SSI Research lạc quan hơn khi cho rằng, có thể kỳ vọng quý II đến quý IV, lợi nhuận của VNM tăng trưởng 2 con số. Trong quá khứ, điểm hấp dẫn của VNM trong mắt các nhà đầu tư là Công ty liên tiếp đạt tăng trưởng mạnh về doanh thu, từ đó kéo theo mức tăng trưởng về lợi nhuận. Chính vì vậy, mức tăng trưởng về doanh thu của VNM là vấn đề phải theo dõi trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng nhà đầu tư có thể tái cơ cấu danh mục thành công, với việc giảm tỷ trọng nhóm cổ phiếu có hệ số beta cao và đã liên tục tăng giá từ đầu năm mà kết quả kinh doanh ngắn hạn dự kiến chưa có nhiều khởi sắc. VDSC tin rằng, nhà đầu tư sẽ có cơ hội tích lũy trở lại những nhóm cổ phiếu này với mức giá tốt hơn trong các nhịp biến động sắp tới của thị trường.

Trong tháng 6, VDSC khuyến nghị tích lũy các cổ phiếu đầu ngành thuộc nhóm VN30 và VNMID cho mục tiêu đầu tư trung - dài hạn và đề xuất một số ý tưởng đầu tư ngắn hạn nhằm đón đầu kết quả kinh doanh quý II tích cực, bao gồm điện (HND, QTP), ngân hàng (ACB, MBB), dệt may (STK), dầu khí (PVD) và hàng không (ACV). Theo bà Lam, VDSC tiếp tục bảo lưu quan điểm này. Câu chuyện kết quả kinh doanh quý II/2023 sẽ tiếp tục sôi động trong tháng 7 khi các thông tin ước tính và chính thức lần lượt được công bố. Trong tháng 7, VDSC bổ sung hai ý tưởng đầu tư mới, thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng và ngân hàng, là VNM và OCB.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục