Dòng tiền lan tỏa, cổ phiếu ngành chứng khoán có sức hút lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, dòng tiền lan tỏa mạnh mẽ lên đa số nhóm cổ phiếu, dù thị trường có một số phiên rung lắc.
Dòng tiền lan tỏa, cổ phiếu ngành chứng khoán có sức hút lớn

VN-Index nhiều khả năng sẽ đi ngang

Tuần đầu tiên của tháng 7, chỉ số VN-Index tăng 17,89 điểm (1,6%), đóng cửa tại 1.138,07 điểm. Thanh khoản suy giảm so với 5 tuần trước đó, nhưng duy trì trên mức trung bình 20 tuần.

Dòng tiền trong tuần qua ghi nhận đà lan tỏa mạnh mẽ lên đa số nhóm cổ phiếu. Các mã vốn hóa lớn như HPG, MWG, VNM tiếp tục thu hút dòng tiền, cùng sự trở lại luân phiên của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình. Trong đó, các cổ phiếu hưởng lợi theo chu kỳ hàng hóa thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đi kèm với kỳ vọng hồi phục về mặt sản lượng trong nửa cuối năm 2023, hay được ủng hộ bởi yếu tố giá đầu vào - đầu ra giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến kỹ thuật trên đồ thị tuần của chỉ số chung tiếp tục đi theo chiều hướng tích cực khi tạo nến xanh bứt thoát khỏi cản kháng cự mạnh tại 1.125 điểm. Tuy nhiên, nhìn theo đồ thị ngày thì VN-Index đã có 1 tuần giao dịch biến động mạnh và diễn biến tích lũy có phần lỏng lẻo trong biên 1.120 - 1.140 điểm. Sang tuần mới, khả năng VN-Index sẽ đi ngang trong biên độ kháng cự - hỗ trợ đó trước khi chuyển xu hướng.

Ngành chứng khoán thu hút dòng tiền

Nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận đà tăng ấn tượng từ 55 - 70% kể từ đầu năm 2023 và tăng 30 - 50% tính riêng từ đầu quý II, vượt trội so với mức sinh lời của các chỉ số chung như VN-Index hay VN30.

Sự trở lại của nhóm ngành chứng khoán đến từ sự hồi phục của thị trường chung trong bối cảnh lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể và Chính phủ có nhiều chính sách, biện pháp kích thích kinh tế. Với việc lãi suất tiền gửi giảm khoảng một nửa so với đỉnh, một lượng lớn tiền gửi tiết kiệm đáo hạn sẽ chú ý tới kênh đầu tư có khả năng sinh lời hấp dẫn hơn như chứng khoán trong nửa cuối năm 2023.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 5/2023 cao nhất trong 9 tháng và gấp 4 lần so với tháng 4 củng cố cho triển vọng thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục được cải thiện. Những điều này phần nào cho thấy, tỷ lệ thâm nhập của chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn.

Nguồn doanh thu, lợi nhuận của các công ty chứng khoán chủ yếu đến từ hoạt động cho vay ký quỹ (margin) và tự doanh. Với sự tăng giá đáng kể lan tỏa đến nhiều nhóm cổ phiếu, khả năng cao danh mục tự doanh của các công ty sẽ có sự cải thiện ngay từ quý II/2023, đặc biệt là những công ty tập trung vào mảng tự doanh. Đây là nhóm có khoảng thời gian lao đao trong quý IV/2022 và quý I/2023 khi thị trường có phần ảm đạm và khó tìm kiếm lợi nhuận.

Những yếu tố kể trên đã góp phần tạo nên đà tăng đồng thuận của đa số cổ phiếu trong ngành chứng khoán kể từ đầu năm nay. Hiện tại, nhiều cổ phiếu có diễn biến phân hóa dựa theo thị phần doanh nghiệp, danh mục tự doanh, hay những câu chuyện riêng.

Cổ phiếu VND của VNDIRECT có lẽ đi ngược dòng rõ nhất trong tuần qua khi có phiên giảm giá 6,48% với khối lượng khớp lệnh lên tới gần 106 triệu đơn vị, liên quan đến 11.000 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp ngành năng lượng Trung Nam, bởi VNDIRECT đảm nhận nhiều vai trò, trong đó có thực hiện bảo lãnh phát hành với số lượng cổ phiếu kể trên.

Với những thông tin bên lề của doanh nghiệp đối tác, khả năng chậm trả lãi trái phiếu, vấn đề về thanh khoản dài hạn khiến cho cổ đông VNDIRECT hành động theo hướng thận trọng.

DSC khuyến nghị, nhà đầu tư nên lựa chọn giải ngân với những cổ phiếu có thị phần cho vay ký quỹ lớn (SSI, HCM, VCI), có danh mục tự doanh được hưởng lợi (VDS, SHS) và chú ý tới các thông tin bên lề với các doanh nghiệp có câu chuyện riêng. Đây là nhóm có sự vận động đồng pha với thị trường chung, nhà đầu tư nên tham gia khi VN-Index có nhịp điều chỉnh.

Bài viết được cung cấp bởi CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN DSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục