Ngân hàng ngoại chán dịch vụ quỹ
Gần đây, các công ty quản lý quỹ liên tiếp thay đổi ngân hàng giám sát. Mở màn cho “chiến dịch” này là CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) thay đổi ngân hàng giám sát từ HSBC Việt Nam sang Standard Chartered Việt Nam đối với 3 quỹ: Quỹ Đầu tư năng động Việt Nam (VFA), Quỹ Đầu tư trái phiếu Việt Nam (VFB) và Quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4).
Tiếp bước VFM, mới đây, CTCP Quản lý quỹ đầu tư MB cũng đã hoàn tất thay đổi ngân hàng giám sát đối với cả hai quỹ mở do Công ty đang quản lý là: Quỹ Đầu tư trái phiếu MB Capital Việt Nam (MBBF) và Quỹ Đầu tư giá trị MB Capital (MBVF) cũng từ HSBC Việt Nam sang Standard Chartered.
Được biết, CTCP Quản lý quỹ VinaWealth cũng sắp hoàn tất thủ tục để chuyển đổi ngân hàng giám sát từ HSBC sang Standard Chartered đối với cả hai quỹ mở do VinaWealth đang quản lý là: Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF) và Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF).
Theo đại diện các công ty quản lý quỹ, việc họ phải thay đổi ngân hàng giám sát sang Standard Chartered Bank là do họ không còn lựa chọn nào khác, khi các ngân hàng như HSBC hay Deutsche Bank đã không còn mặn mà với việc cung cấp dịch vụ quản trị quỹ. Tuy hiện có một số ngân hàng trong nước đã được cấp phép cung cấp dịch vụ ngân hàng lưu ký, nhưng vì nhiều lý do mà các công ty quản lý quỹ vẫn chưa tin dùng các tổ chức nội địa.
Sở dĩ các ngân hàng ngoại như HSBC, Deutsche Bank chán việc cung cấp dịch vụ quản trị quỹ, theo một số công ty quản lý quỹ, là do họ có những điều chỉnh về chiến lược hoạt động theo hướng Việt Nam không còn là thị trường ưu tiên của họ. Hơn nữa, quy mô của các quỹ mở tại Việt Nam hiện tại nhỏ (nhiều quỹ chỉ huy động được 50 tỷ đồng), lại có nguy cơ “chậm lớn” do đầu tư qua quỹ vẫn chưa thịnh hành, mức độ chuyên nghiệp của thị trường còn hạn chế. Nói cách khác, trong khi các ngân hàng phải đầu tư không nhỏ cho phát triển, duy trì hệ thống công nghệ cũng như đội ngũ nhân sự thì tiềm năng bán dịch vụ quản trị quỹ chẳng mấy khả quan, nên họ không còn mặn mà.
Ghi nhận thông tin từ thị trường cho thấy, theo quy định hiện hành, việc các ngân hàng lưu ký, giám sát phải thực hiện một số nghĩa vụ khiến họ đối mặt với không ít rủi ro, trong khi triển vọng kiếm lời khó có thể “khấu trừ” được các rủi ro này.
Mối lo bị “ép giá”
Số lượng các ngân hàng cung cấp dịch vụ quản trị quỹ “teo” đi, theo nhìn nhận của các công ty quản lý quỹ, là diễn biến không tích cực, nhất là trong bối cảnh đang có những quan ngại về dịch vụ ngân hàng lưu ký, giám sát tại Việt Nam hiện thiếu do ít nhà cung cấp. Điều này một mặt vừa khó tăng chất lượng dịch vụ ngân hàng lưu ký, giám sát, vừa làm giảm sự cạnh tranh về mức phí theo hướng có lợi cho các khách hàng sử dụng dịch vụ là các công ty quản lý quỹ.
“Với việc gần như một mình Standard Chartered độc chiếm thị trường cung cấp dịch vụ quản trị quỹ như hiện tại, thì ngay cả khi họ tăng giá, thậm chí giảm chất lượng dịch vụ, các công ty quản lý quỹ cũng vẫn phải sử dụng dịch vụ của ngân hàng này, vì gần như không có sự lựa chọn nào khác…”, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ quan ngại và cho rằng, việc thiếu yếu tố cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ quản trị quỹ đang khiến cho các công ty quản lý quỹ vốn hoạt động khó khăn nay lại càng khó hơn.
Thậm chí, đại diện một công ty quản lý quỹ còn có cái nhìn bi quan hơn khi cho rằng, nếu đến thời điểm nào đó, có thể Standard Chartered cũng “chán” cung cấp dịch vụ quản trị quỹ như HSBC hay Deutsche Bank.
“Khi ấy, không biết các công ty quản lý quỹ sẽ phải xoay xở ra sao?”, vị này quan ngại.