“Đất” kiếm lời eo hẹp
Với những công ty quản lý quỹ nhỏ, ít tên tuổi, điệp khúc lỗ và mất thêm vốn vẫn tiếp diễn khi báo cáo tài chính bán niên năm 2015 đã qua soát xét vừa được công bố. Không những vậy, ngay cả những ông lớn trong ngành, lại là những công ty có vốn ngoại, cũng rơi vào tình cảnh thua lỗ trong 6 tháng đầu năm nay như: Công ty Liên doanh quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank, Công ty TNHH Quản lý quỹ Eastspring Investments, CTCP Quản lý quỹ VinaWealth…
Chia sẻ với ĐTCK về cái khó của các công ty quản lý quỹ trong tìm kiếm lợi nhuận, lãnh đạo một số công ty quản lý quỹ cho biết, không gian cho ngành quỹ kiếm tiền hiện quá eo hẹp. Nguồn thu chủ yếu trông chờ vào phí quản lý quỹ, phí phát hành chứng chỉ quỹ, đầu tư, nhận ủy thác đầu tư.
Do quy mô của các quỹ mở, quỹ ETF hiện nhỏ (đa phần là 50 tỷ đồng), nên các khoản phí mà công ty quản lý quỹ thu được rất… bèo. Nhưng đó là với những công ty thành lập được quỹ để có nguồn thu, dù ít nhưng đều đặn, còn với những công ty chưa thể huy động vốn để thành lập quỹ, họ sống nhờ vào hoạt động đầu tư, nhận ủy thác đầu tư. Trong khi đó, với nguồn vốn tự có nhỏ, chỉ vài chục tỷ đồng, cộng với nhu cầu ủy thác đầu tư chưa phổ biến (trên thị trường đa phần là nhà đầu tư cá nhân ưa thích tự đầu tư), nên mảnh đất kiếm lời với nhiều công ty quản lý quỹ hiện quá hẹp.
Khả năng sinh lời của các quỹ mở, quỹ ETF hiện mờ nhạt, cùng với hiệu quả đầu tư, kinh doanh của các công ty quản lý quỹ kém ấn tượng, đang là nguyên nhân khiến các đơn vị này khó huy động được vốn để lập quỹ, cũng như tìm kiếm khách hàng ủy thác đầu tư.
Theo tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ liên doanh với nước ngoài, để huy động được vốn, phát triển khách hàng, thương hiệu, uy tín của từng cá nhân tại công ty quản lý quỹ có vai trò rất quan trọng, nhất là trong cái nhìn của nhà đầu tư nước ngoài. Đôi khi khách hàng nhìn vào danh sách chuyên gia đầu tư, quản lý danh mục đầu tư của công ty quản lý quỹ để quyết định có hay không bỏ vốn đầu tư vào công ty. Điều đó cho thấy, nếu không tạo dựng được thứ hạng cao về uy tín, công ty quản lý quỹ khó tạo ra ưu thế trong cuộc cạnh tranh huy động vốn để lập quỹ, phát triển khách hàng.
Sống để chờ thời
Câu hỏi đặt ra là khó kiếm lời như vậy, tại sao các ông chủ đầu tư vào công ty quản lý quỹ không nói lời giã từ, mà vẫn tìm mọi cách để sống? Thậm chí gần đây, một số công ty quản lý quỹ tưởng chừng đã cận kề bờ vực xóa sổ hoạt động do thua lỗ triền miên, mất an toàn tài chính…, nhưng bất ngờ vào phút chót đã được mua lại. Sau đó các đơn vị này được tái cấu trúc, như chia sẻ của tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ là “sống” để chờ thời, chứ trước mắt chưa thể làm gì hoành tráng.
Tuy pháp lý không quy định, nhưng như một luật bất thành văn, hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không cấp giấy phép thành lập mới công ty quản lý quỹ, nên với những ông chủ muốn bước chân vào ngành này, họ đang tìm cách mua lại các công ty quản lý quỹ để tái cấu trúc hoạt động. Điều này giải thích tại sao gần đây khá nhiều công ty quản lý quỹ đổi chủ.
Các công ty quản lý quỹ đang hy vọng với những động thái chính sách mới, thời gian tới, cơ hội kiếm lời sẽ rộng mở hơn. Với quy định mới theo hướng “cởi trói” cho quỹ đầu tư bất động sản ra đời và hoạt động tại Nghị định 60/2015 có hiệu lực từ ngày mai (1/9), công ty quản lý quỹ sắp có thêm cửa để cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới.
Được biết, dự thảo nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện sắp được Chính phủ ban hành. Nếu cơ chế mới này được áp dụng trong năm nay, theo nhìn nhận của các công ty quản lý quỹ, sẽ mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển của ngành quỹ theo hướng thay đổi về chất, bền vững hơn.
Khi TTCK có thêm các sản phẩm phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật đầu tư cao như chứng khoán phái sinh (triển khai vào cuối năm 2016), cùng với thói quen của nhà đầu tư dần thay đổi, các công ty quản lý quỹ kỳ vọng họ sẽ có thêm “đất” phát triển mạnh mảng nhận ủy thác đầu tư. Đây là mảng hiện còn nhiều tiềm năng, nhưng cơ hội không chia đều cho các công ty quản lý quỹ.