Tiềm năng lớn, nhưng còn nhiều việc phải làm
Mục tiêu cứ 100 người thì có 15 người tham gia, hay có 15 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được ký kết vào năm 2025 được đánh giá là phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Chiến lược tài chính đến năm 2030 và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội khác có liên quan trong thời kỳ mới.
Một số mục tiêu lớn khác trong đề án của Bộ Tài chính là tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm, chỉ tiêu phí bảo hiểm bình quân trên đầu người là 3 triệu đồng vào năm 2025 và 5 triệu đồng vào năm 2030 (hiện tại là 1,916 triệu đồng).
Về tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ, đến nay, Việt Nam mới chỉ có 11% dân số tham gia. Trong khi đó, tại Philippines, khoảng 38% dân số có bảo hiểm, tỷ lệ này tại Malaysia khoảng 50%, Singapore khoảng 80%, Mỹ khoảng 90%...
Bên cạnh đó, mức độ thâm nhập của mảng bảo hiểm nhân thọ khá thấp, chỉ chiếm khoảng 2% GDP năm 2020, trong khi Thái Lan là 3,1%, Singapore là 9,8%, Đài Loan (Trung Quốc) là 13,7%, Hồng Kông (Trung Quốc) là 19,7%...
Theo các chuyên gia, thực tế này cho thấy dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn lớn, song cũng còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa mục tiêu.
Mối tương quan với số tài khoản ngân hàng ở mức thấp
Ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TCA (hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý tài chính và các dịch vụ gia tăng trong ngành tài chính) cho rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang phát triển chậm so với nhiều thị trường khác trong khu vực và trên thế giới. Lẽ ra, với tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt gần 70% thì dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ phải tương đương, hoặc ít nhất là gần một nửa, nhưng hiện mới chỉ là 11%.
Năm 2019, Việt Nam có khoảng 8% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, trong khi có 35% người dân có tài khoản ngân hàng. Có quan điểm kỳ vọng, 3-5 năm sau đó sẽ đạt khoảng 35% dân số được bảo hiểm thông qua sự hợp tác giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng trong phân phối bảo hiểm, nhưng đến nay mới chỉ đạt 11%, trong khi tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng tiếp tục tăng mạnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lệch pha trên, trong đó có cả lý do mang tên Covid-19, nhưng chung quy lại vẫn do ý thức người dân còn hạn chế và thiếu đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm chuyên nghiệp.
Theo thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, cứ 100 người trưởng thành thì 68 người có tài khoản ngân hàng, tương đương tỷ lệ 68% và tập trung ở thế hệ trẻ gen Y, từ 25-34 tuổi.
Một số chuyên gia bảo hiểm nhìn nhận, có thể ở nhiều nước, tỷ lệ tài khoản ngân hàng với số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tương đồng, nhưng ở Việt Nam thì không. Thế hệ gen Y của Việt Nam tuy chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số người có tài khoản ngân hàng, nhưng không có trợ cấp, đa số thời gian đầu đi làm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, thu nhập không cao, việc mở nhiều tài khoản đôi khi do chính sách khuyến khích của các ngân hàng, chứ bản thân chủ tài khoản không có tiền dư để mua bảo hiểm, có tài khoản gần như không active (không hoạt động).
Khẳng định tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng là điểm sáng trong lộ trình tiến tới một xã hội không tiền mặt, nhưng ông Đặng Đình Chính, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo hiểm ITmedia Việt Nam dự báo, để trở thành một điểm sáng về số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì còn phải chờ thời gian dài.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thị trường bảo hiểm khai thác khách hàng, phát triển sản phẩm. Ông Chính kỳ vọng, trong tương lai, mức độ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ sẽ đạt được như bảo hiểm hàng không, bảo hiểm tai nạn đường sắt, hoặc ít nhất cũng đạt tỷ lệ như bảo hiểm học sinh.
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2020, gần 16 triệu người có bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe (11,9 triệu bảo hiểm nhân thọ, 4 triệu bảo hiểm sức khỏe); 12 triệu học sinh được bảo hiểm tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm gần 60%); trên 32 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%); gần 4 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%); 1,62 tỷ lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ (tỷ lệ thâm nhập 61%).
Thị trường bảo hiểm Việt Nam có tốc tốc độ tăng trưởng cao, song quy mô còn nhỏ, tỷ lệ người dân tham gia thấp...
Bộ Tài chính đánh giá, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn non trẻ, có tốc tốc độ tăng trưởng cao, song quy mô nhỏ.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu phí bảo hiểm thế giới giai đoạn 2011-2019 là 3%/năm, còn Việt Nam là 20%/năm. Năm 2021, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng 16%, trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường bảo hiểm thế giới là 3,3%, thị trường bảo hiểm phát triển là 2,7%, thị trường các nước mới nổi là 5,6%.
Về tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm (tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP), mức trung bình của thế giới năm 2020 là 7,3%, tại các nước phát triển là 9,4%, còn tại Việt Nam là 3,5%.
Đáng lưu ý, doanh thu phí bảo hiểm tại Việt Nam tăng cao, nhưng tỷ lệ người dân tham gia ít được cải thiện. Doanh thu bảo hiểm nhân thọ khai thác mới đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm. Những năm gần đây, tỷ trọng doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng của bảo hiểm nhân thọ có năm đạt 30%, tốc độ tăng trưởng bình quân là 20%/năm.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 37.677 tỷ đồng, tăng 6,35 % so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp tốp đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Manulife với 6.863 tỷ đồng, Prudential với 6.678 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 5.172 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 3.985 tỷ đồng, MB Ageas với 2.847 tỷ đồng.
“Không hiểu sao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ ở mức 11%, không thay đổi so với năm 2021. Cần có nghiên cứu đánh giá chi tiết nguyên nhân để tìm cách cải thiện. Phải chăng, tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng cao, hợp đồng ảo vẫn nhiều? Đã đến lúc thị trường không cần tăng trưởng doanh thu cao, chỉ cần tăng trưởng thật, thậm chí không tăng cũng được, nhưng đó là một con số thật, tin cậy, phản ánh đúng thực tế thị trường. Tìm ra các con số về hợp đồng thật chính là cách để đạt mốc 15%”, ông Chính nói.
Cần làm mới sản phẩm
Hệ thống sản phẩm bảo hiểm ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa, toàn thị trường hiện có 534 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, chất lượng sản phẩm được cải thiện, nhiều sản phẩm mới ra đời, bên cạnh các sản phẩm truyền thống mang tính chất bảo vệ đơn thuần là các sản phẩm thêm lựa chọn đầu tư tài chính như bảo hiểm liên kết đầu tư.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tập trung khai thác sản phẩm bảo hiểm liên kết chung có cam kết lãi suất đầu tư dài hạn do có lợi thế về trích lập dự phòng nghiệp vụ, tính linh hoạt của sản phẩm. Tính đến hết tháng 9/2022, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 51,5% (tính trên tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 127.511 tỷ đồng).
Ngoài các sản phẩm bảo hiểm được triển khai mang tính thương mại, còn có các sản phẩm nhằm phục vụ chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm vi mô cho người có thu nhập thấp...
Mặc dù vậy, theo Bộ Tài chính, chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm nhìn chung chưa cao. Các doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế sản phẩm chủ yếu dựa trên cơ sở dữ liệu tham khảo của các nhà tái bảo hiểm hoặc thị trường bảo hiểm nước ngoài nên chưa thực sự phù hợp với thị trường Việt Nam.
Số lượng sản phẩm bảo hiểm gia tăng, nhưng thiếu các sản phẩm được thiết kế mang tính cá nhân hóa theo yêu cầu của khách hàng, cũng như các sản phẩm bảo hiểm xanh. Các sản phẩm bảo hiểm dành cho người thu nhập thấp hoặc khu vực nông thôn, các sản phẩm thúc đẩy an sinh xã hội như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp... chưa được triển khai rộng rãi.
Trên thế giới, các sản phẩm bảo hiểm mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển và mở rộng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, ở thị trường bảo hiểm Việt Nam, chưa có nhiều sản phẩm được phát triển trên nền tảng công nghệ.
Theo các chuyên gia, từ đầu năm 2023, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ có hiệu lực với nhiều quy định mới, tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm phát triển, khuyến khích ứng dụng công nghệ mới trong kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm hoặc môi giới bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm… nên cần những kênh phân phối chuyên nghiệp, tin cậy, không chỉ bán hàng mà còn hướng tới cả chức năng hướng dẫn chi trả bảo hiểm.
“Có thể đạt được tỷ lệ 15% nếu các thành viên cùng nâng tầm thị trường, nâng cao chất lượng và nghiêm túc tuân thủ Luật Kinh doanh bảo hiểm mới”, ông Phương nói.