Dịch Covid-19 tác động ra sao tới ngành xuất khẩu lớn

Cả 4 ngành đóng góp cho xuất khẩu lớn của Việt Nam, đứng đầu là điện tử, dệt may, da giày và đồ gỗ đều bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, khiến đơn hàng sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đã phải cho công nhân nghỉ việc do thiếu việc làm trầm trọng.
Dự kiến số lượng đơn hàng trong tháng 4 và 5 của dệt may, da giày sẽ bị giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi chưa được đàm phán Dự kiến số lượng đơn hàng trong tháng 4 và 5 của dệt may, da giày sẽ bị giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi chưa được đàm phán

Báo cáo đánh giá tác động Covid-19 vừa được Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra mức độ ảnh hưởng của các ngành xuất khẩu lớn, từ điện tử, dệt may, giày dép và đồ gỗ.

Điện tử, đồ gỗ lao đao

Bộ Công thương cho biết, doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 (so với 51,38 tỷ USD năm 2019).

Ngành điện tử Việt Nam dự kiến sẽ bị ảnh hưởng lớn trong các quý tiếp theo của năm 2020 do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.

Trong đó, thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 17% và 24% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện; và lần lượt khoảng 17% và 14% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam.

"2 thị trường nêu trên chiếm khoảng hơn 50% giá trị xuất khẩu sản phẩm của Samsung Electronics Việt Nam, trong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng trên 20% và thị trường châu Âu chiếm khoảng trên 30%", Bộ Công Thương chỉ rõ.

Hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics Inc. đánh giá, doanh số smartphone toàn cầu năm 2020 có thể giảm 10% do tác động của dịch bệnh Covid-19 lan rộng sang Mỹ và châu Âu. Việc sụt giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm điện tử trên thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường cũng như ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam.

Còn theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các đơn hàng dài hạn, đơn hàng mới trong thời gian tới sẽ rất ít do nhu cầu mua sắm hàng điện tử sụt giảm bởi các biện pháp kiểm dịch.

Đồ gỗ đóng góp hơn 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm cũng không tránh khỏi hệ lụy sụt giảm đơn hàng, khó khăn "kép".

Theo thông tin từ Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ các tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ, một phần là nhờ các đơn hàng của năm 2019 của các doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, có thể từ 3 - 6 tháng tới, giá trị xuất khẩu chung sẽ giảm đáng kể bởi tác động của dịch Covid-19, do một số mặt hàng xuất khẩu có sự biến động mạnh.

Nếu tình hình không được cải thiện, sau 1 - 2 tuần tới, doanh nghiệp ngành gỗ dự kiến sẽ phải cắt giảm 70% công suất, chỉ duy trì chế độ làm luân phiên. Sau khoảng 3 - 4 tuần tới, hầu hết các doanh nghiệp sẽ ngừng hẳn sản xuất theo các đơn hàng xuất khẩu. Một số

Ngoài ra, ngành đồ gỗ gặp khó khăn kép khi từ ngày 01 tháng 3 năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ chính thức tiếp nhận đơn khởi kiện của Liên minh thương mại công bằng gỗ dán cứng Hoa Kỳ về điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm đối với các mặt hàng ván dán và các sản phẩm gỗ có sử dụng ván dán xuất khẩu từ Việt Nam.

Đơn hàng dệt may, da giày giảm 70% trong tháng 4, 5

Bộ Công Thương tính toán, số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của dệt may và da giày sẽ bị giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm.

Xuất khẩu sang Mỹ, EU ngấm đòn sụt giảm đơn hàng nhưng việc tìm kiếm các thị trường thay thế gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử, việc chuyển hướng vào thị trường nội địa không khả thi do đa số doanh nghiệp Việt Nam gia công xuất khẩu cho các thương hiệu nước ngoài, do đó các mẫu mã, nguyên liệu sử dụng nhằm để đáp ứng thị hiếu của nước ngoài, không phải cho thị trường trong nước.

Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đang giảm sút do các biện pháp phòng dịch cũng như tâm lý giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu. Ngoài ra, trong thời gian tới, do các doanh nghiệp Trung Quốc đã hoạt động trở lại, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp sự cạnh tranh rất lớn từ hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc, trong đó không loại trừ các hành vi gian lận thương mại, bán phá giá hay nhập lậu hàng hoá của quốc gia này sang Việt Nam.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho hay, đặt giả thiết, nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5, và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020 thì ước tính ngành dệt may thiệt hại 11.000 tỷ đồng, và Vinatex sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

"Thiếu đơn hàng trầm trọng, nguyên phụ liệu nhập về nằm trong kho không được sử dụng do khách đã hủy đơn hàng, tình hình này dẫn đến áp lực lớn lên các doanh nghiệp cả về tài chính và lao động. Nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, khả năng nhiều DN sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4/2020", ông Trường quan ngại.

Dệt may, da – giày là các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các ngành này chỉ tiêu thụ trong nước khoảng 10% giá trị sản lượng sản xuất, 90% còn lại là xuất khẩu, do đó, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ và châu Âu trong bối cảnh phong tỏa bởi dịch bệnh đối với các ngành này sẽ tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 45% và 18% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may; và lần lượt khoảng 36% và 27% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam).

Để gỡ bớt một phần khó khăn cho các DN công nghiệp, Bộ Công Thương kiến nghị, với ngành dệt may, da giày, cho phép gia hạn thời hạn nộp Thuế thu nhập doanh nghiệp 2019, 2020; hoãn nộp Thuế VAT đến hết Quý IV/2020; Gia hạn và miễn, giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng khu công nghiệp, phí xử lý nước thải trong thời gian nhà máy dừng hoạt động do dịch bệnh; Cho phép miễn nộp phí công đoàn năm 2020 cho cả người sử dụng lao động và người lao động, áp dụng chung cho cả ngành dệt may và da – giày;

Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hệ thống ngân hàng có giải pháp hỗ trợ giảm tỷ lệ ký quỹ, giảm phí thanh toán quốc tế đối với doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên liệu để doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất; hỗ trợ kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng chậm trả, giãn tiến độ giao hàng.

Nhằm cân đối nguồn thu ngân sách bảo đảm thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước để tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục