Doanh nghiệp xuất khẩu lo gặp khó trong dài hạn

(ĐTCK) Không chỉ nguyên liệu sản xuất bị thiếu hụt do gián đoạn nguồn cung, doanh nghiệp nhiều ngành xuất khẩu chủ chốt còn phải đối mặt với bài toán đầu ra khi nhu cầu thị trường toàn cầu giảm sút bởi dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang đau đầu với bài toàn thiếu nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang đau đầu với bài toàn thiếu nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Từ dệt may, gia dày…

Thông tin tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mới đây, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, mặc dù tình hình nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam như dệt may, da giày… đã bớt căng thẳng hơn do tình hình giao thương tại nhiều cửa khẩu với Trung Quốc thuận tiện hơn, nhưng nhìn chung hoạt động kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn rất khó khăn.

Ðáng chú ý, xuất khẩu đi các thị trường quan trọng khác là Mỹ và châu Âu (EU) sụt giảm nghiêm trọng do nhiều đơn hàng lùi lịch giao hàng, thậm chí bị hủy do dịch Covid bùng phát mạnh tại khu vực này.

Theo bà Trang, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, giày dép… rơi vào tính thế khó khăn kép khi cùng lúc phải giải bài toán đầu vào và đầu ra, bởi Mỹ và EU là 2 thị trường xuất khẩu chính, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Báo cáo của các doanh nghiệp gửi về Bộ Công thương cho biết, từ 16-18/3/2020, nhiều khách hàng, đối tác lớn của các doanh nghiệp dệt may, da giày tại thị trường Mỹ và EU cùng thông báo tạm thời lùi các đơn hàng ít nhất từ 3-4 tháng để tập trung dập dịch và chờ nhu cầu thị trường hồi phục.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đây là tin xấu cho cho các doanh nghiệp dệt may, bởi khi khách hủy hoặc lùi đơn hàng với các mặt hàng mang tính mùa vụ khiến doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong tháng 4, tháng 5 tới - vốn là thời điểm cũng không có nhiều thuận lợi.

Trong khi đó, thị trường Mỹ và EU là 2 thị trường chủ chốt của ngành dệt may Việt Nam với tỷ trọng hơn 64% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

“Ðây là hiện tượng bất thường trong 20 năm hoạt động của Tập đoàn, khiến doanh nghiệp hết sức lao đao. Nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài tại các thị trường này sẽ dẫn đến giảm cầu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của toàn ngành không chỉ trong năm nay”, ông Trường nói.

… Đến cây công nghiệp chế biến, nông sản

Tương tự dệt may, gia dày, hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và cây công nghiệp chế biến cũng đang chìm trong khó khăn khi sức mua sụt giảm tại thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc.

Do dịch bệnh hoành hành, Trung Quốc đã giảm phần lớn nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ nhiều thị trường, Việt Nam cũng không tránh khỏi tác động từ sự sụt giảm này.

Chưa thể thống kê cụ thể hết các thiệt hại do tác động suy giảm từ dịch bệnh, ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, đối với ngành cao su Việt Nam, thị trường cao su của Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm, nên khi xuất khẩu sang thị trường này gặp khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến toàn ngành.

Không chỉ nhu cầu tiêu dùng giảm, nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng đang cạn dần khi lượng dự trữ cho sản xuất chỉ kéo đến tháng 5.

Ðược biết, hiện nay, VRG đang theo dõi để đánh giá tác động cụ thể do dịch bệnh gây ra, nhưng nếu thời gian khắc phục dịch kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến các lĩnh vực sản xuất chính, bởi mủ cao su, gỗ cao su cùng có tỷ lệ xuất cao sang Trung Quốc - trung tâm sản xuất xe hơi sử dụng nhiều nguyên liệu cao su, đồng thời tỷ lệ nhà đầu tư Trung Quốc thuê các khu công nghiệp của Tập đoàn cũng khá lớn, toàn bộ chiếm khoảng 50% sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc, tập trung vào quý III và IV hàng năm.

Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cũng đối mặt với khó khăn về thị trường xuất khẩu trong bối cảnh giá cà phê liên tục giảm.

Chia sẻ về những thiệt hại, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng giám đốc Vinacafe cho biết, Tổng công ty đang chịu tác động lớn do dịch Covid-19 như tiêu thụ chậm, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất từ 5-8 triệu đồng/tấn, giá xuất khẩu giảm xuống mức đáy 1.260 USD/tấn.

“Việc giá bán nội địa cao hơn giá xuất khẩu khiến giá thành đầu vào tăng cao. Tổng công ty hàng năm phải thu mua tập trung cho các đơn vị thành viên trực thuộc từ 27.000-30.000 tấn cà phê sản xuất ra, trong khi giá bán xuất khẩu thấp. Ðiều này gây khó khăn lớn cho hoạt động kinh doanh chung của toàn Tổng công ty, cũng như đầu mối xuất khẩu chính tại Công ty mẹ. Doanh thu 2 tháng đầu năm 2020 ước khoảng 480 tỷ đồng, lỗ khoảng 15 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ lỗ 10 tỷ đồng”, ông Minh thông tin.

Trong lĩnh vực nông sản, tương tự phần lớn các doanh nghiệp nông sản đang đau đầu với câu chuyện tìm thị trường tiêu thụ, Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO) đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chính là tinh bột sắn.

“Do thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc bị tê liệt ngay từ đầu năm vì dịch bệnh, việc giao thương xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu bị đình trệ, hoạt động của APFCO đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi không xuất khẩu được sản phẩm, hàng hóa ứ đọng, tồn kho tăng cao...”, đại diện APFCO nói.

Với 15 nhà máy chế biến tinh bột sắn trong và ngoài nước với tổng công suất từ 400.000-450.000 tấn tinh bột sắn/năm, lãnh đạo APFCO cho hay, doanh nghiệp gần như phụ thuộc chính vào xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tỷ lệ tiêu thụ lên tới 70% tại đây, còn lại 30% là xuất sang các thị trường Ðài Loan, Nhật Bản và trong nước.

Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, do thị trường Trung Quốc gần như đóng cửa khi dịch bệnh bùng phát nên sản phẩm của doanh nghiệp hầu như chỉ có thể xuất khẩu với tỷ lệ nhỏ giọt sang các thị trường ngoài Trung Quốc.

Với tình trạng này, từ đầu tháng 2 đến nay, Công ty chỉ sản xuất duy trì được từ 50-70% công suất, trong khi hầu hết nhà máy đều đang trong thời điểm chính vụ.

Do lượng hàng hóa tiêu thụ giảm mạnh, ước tính lượng hàng tồn kho của Công ty tính đến cuối tháng 3 là trên 100.000 tấn.

“Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì chúng tôi sẽ thiếu nguồn vốn để duy trì sản xuất”, lãnh đạo Công ty lo ngại. Cũng theo vị này, hiện nay, để có nguồn vốn duy trì sản xuất cầm chừng, doanh nghiệp phải huy động từ nhiều nguồn, thậm chí là còn phải chậm trả lương cán bộ, nhân viên, chậm trả khách hàng…

“Trong bối cảnh khó khăn này, chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các ngân hàng có các giải pháp hỗ trợ thiết thực, kịp thời để doanh nghiệp nói chung, APFCO nói riêng, trong đó cần kíp nhất là có thể giãn việc nộp các khoản thuế của doanh nghiệp, sớm hoàn các khoản thuế và tiền bàn giao mặt bằng để giảm khó khăn về vốn. Ðồng thời, các ngân hàng xem xét mở rộng hạn mức vay ngắn hạn để Công ty có đủ dòng tiền duy trì thu mua nguyên liệu cho các hộ nông dân đến cuối tháng 3”, lãnh đạo APFCO đề xuất.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị ngay từ lúc này để đón đầu cơ hội khi thị trường hồi phục

Doanh nghiệp xuất khẩu lo gặp khó trong dài hạn ảnh 1

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương.

Trong khi thị trường EU, Mỹ khó khăn do dịch bệnh bùng phát, thì tại một số thị trường lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN, doanh nghiệp đang xuất khẩu hàng hóa ổn định.

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng bắt đầu hồi phục với nhiều công xưởng sản xuất trở lại.

Thời gian tới, doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này để bù đắp phần nào sự sụt giảm từ các thị trường Mỹ và EU.

Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ về các thị trường, đồng thời triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc xúc tiến mở cửa thị trường mới, tìm kiếm các đối tác, bạn hàng mới, từ đó hỗ trợ doahh nghiệp mở rộng xuất khẩu.

Mặt khác, sau khi dịch bệnh được khống chế thì nhu cầu hàng hóa sẽ tăng rất mạnh, nên doanh nghiệp cần chuẩn bị ngay từ lúc này để đón đầu cơ hội, từ đó mở rộng, chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục