Dịch bệnh đang hút cạn các nguồn lực của Ấn Độ
Các thi thể chất chồng tại các lò hỏa táng và những khu chôn cất tập thể trên khắp Ấn Độ đang làm dấy lên lo ngại số ca tử vong do làn sóng Covid-19 thứ hai tại quốc gia này cao hơn gấp nhiều lần so với số liệu được công bố chính thức.
Dịch vụ y tế và các dịch vụ thiết yếu khác trên khắp Ấn Độ gần như sụp đổ khi làn sóng Covid-19 thứ hai tràn qua nước này với tốc độ kinh hoàng vào giữa tháng 3. Các nghĩa địa không còn chỗ trống. Bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì quá tải, còn các gia đình tuyệt vọng cầu cứu sự giúp đỡ trên mạng xã hội
Hôm 22/4, Ấn Độ đã phá vỡ kỷ lục về số ca mắc mới trong một ngày trên toàn cầu với 314.835 ca mắc mới. Với gần 16 triệu người mắc Covid-19, Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
Sự bùng nổ của làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Ấn Độ không chỉ gây rủi ro cho sự phục hồi kinh tế của nước này mà còn ảnh hưởng đến cuộc chiến chống dịch bệnh trên toàn cầu.
Ông Ramanan Laxminarayan, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dịch bệnh tại New Delhi cho biết: “Mọi thứ đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Không có oxy. Rất khó tìm giường bệnh. Không thể đi xét nghiệm. Bạn phải chờ đợi hơn một tuần lễ. Hệ thống y tế gần như sụp đổ”.
Trước đó hôm 21/4, ít nhất 22 bệnh nhân Covd-19 đang được điều trị bằng máy thở đã tử vong trong thời gian chờ đợi các nguồn cung ứng oxy, một quan chức cấp cao tại quận Nashik ở bang Maharashtra, Ấn Độ cho biết.
Trước sự thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế tại các bệnh viện trên toàn quốc, chính quyền địa phương và các tiểu bang đã kêu gọi chính phủ liên bang cung cấp thêm oxy và thuốc men.
Tổng thống Modi ngày 21/4 thông báo kế hoạch cung cấp 100.000 bình oxy trên toàn quốc, xây dựng nhà máy sản xuất oxy mới và thành lập những bệnh viện dành riêng cho bệnh nhân Covid-19.
Nhưng các chuyên gia lo ngại, kế hoạch này được đưa ra quá muộn và con số trên là quá ít trong bối cảnh các bệnh nhân nhiễm virus phải chống chọi từng ngày với “tử thần” và việc tiếp diễn các cuộc tụ tập đông người khiến virus lây lan nhanh và mạnh hơn.
Những tiếng kêu cứu khẩn thiết trên mạng xã hội
Do có rất ít lựa chọn, nhiều gia đình đã phải kêu gọi sự giúp đỡ qua mạng xã hội. Anil Tiwari, 34 tuổi, đã mất đi người cha yêu dấu vào tháng 11/2020 do dịch Covid-19. Tuần trước, mẹ anh cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bà đã được đưa vào bệnh viện điều trị nhưng cần phải nằm giường chăm sóc đặc biệt (ICU). Do bệnh viện thiếu giường ICU nên Anil Tiwari đã phải cầu xin giúp đỡ trên trang cá nhân Twitter: “Làm ơn hãy cứu mẹ tôi. Tôi yêu bà hơn bất cứ điều gì”.
Sau nhiều ngày nỗ lực không ngừng nghỉ, trong đó có cả việc gọi điện cho chính quyền thành phố để được đưa vào danh sách chờ, cuối cùng mẹ của Tiwari đã được cấp một chiếc giường ICU. Nhưng thứ mà bà đang cần hiện giờ lại là oxy – điều mà bệnh viện đang thiếu hụt. “Bà vẫn có thể đi lại, nhưng luôn cảm thấy khó thở”, anh Tiwari nói.
Nhu cầu đối với thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 và các thành phần dược tính của thuốc này đã tăng vọt trong làn sóng Covid-19 thứ 2, buộc chính phủ Ấn Độ phải tạm thời cấm xuất khẩu thuốc để tăng nguồn cung ứng cho thị trường nối địa.
Chính phủ đã cho phép các bệnh viện sử dụng loại thuốc này trong trường hợp khẩn cấp mặc dù Tổ chức Y tế (WHO) trước đó cho biết, không có bằng chứng cho thấy Remdesivir làm giảm nguy cơ tử vong ở những người bị mắc Covid-19 nặng.
Abhijeet Kumar, một sinh viên đại học 20 tuổi, đã dùng Twitter để quyên góp tiền thuốc cho người chú 52 tuổi của anh, đang điều trị trong bệnh viện tại bang Chhattisgarh, miền trung Ấn Độ.
“Các liều tiêm rất đắt. Họ nói rằng nó có giá từ 12.000 đến 15.000 rupee (khoảng 160 đến 200 USD). Chú ấy đã tiêm hai liều nhưng cần tiêm thêm liều thứ ba và chúng tôi không đủ khả năng chi trả. Chú tôi làm nghề sửa ống nước”, anh Abhijeet Kumar chia sẻ.
Một số bang tại Ấn Độ cho biết, nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế đã tạo điều kiện cho “chợ đen” hét giá cao đối với Remdesivir và một số loại thuốc tương tự. Ông Parkar, bác sĩ chuyên khoa phổi ở Mumbai cho biết, ngay cả các y tá và bác sỹ cũng đang phải nỗ lực rất nhiều để tìm kiếm giường bệnh và các phương án điều trị cho người thân của họ.
Sai lầm của Ấn Độ và lời cảnh tỉnh với thế giới
Dù đa phần sự chú ý đều dồn vào biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Ấn Độ trong thời gian gần đây, nhưng các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gây bùng phát làn sóng mới dịch Covid-19 có thể bắt nguồn từ các hành vi xã hội, điểm yếu trong hệ thống y tế và một số sai lầm về mặt chính sách của nước này.
Giới chức Ấn Độ có lẽ đã quá chủ quan khi tin rằng những điều tồi tệ nhất đã lùi về phía sau khi số ca mắc Covid-19 bắt đầu giảm vào tháng 9/2020.
Số ca bệnh đã giảm trong 30 tuần liên tiếp trước khi bắt đầu tăng vào giữa tháng 2 và bùng phát dữ dội từ giữa tháng 3. Theo một số chuyên gia, Ấn Độ đã không nắm bắt cơ hội để củng cố cơ sở hạ tầng y tế và tăng cường chiến dịch tiêm chủng.
Tiến sỹ Vineeta Bal, nghiên cứu hệ thống miễn dịch tại Viện Miễn dịch học Quốc gia của Ấn Độ đánh giá: “Nhà chức trách đã không đưa ra cái nhìn toàn cảnh và lâu dài về đại dịch”. Bà cho biết, những đề xuất nâng cấp hệ thống y tế, chẳng hạn như tăng cường năng lực cho các bệnh viện hoặc thuê chuyên gia dịch tễ học để theo dõi sự phát triển của virus đã bị bỏ qua. Hiện, nhà chức tránh Ấn Độ đang nỗ lực phục hồi nhiều biện pháp khẩn cấp từng bị gỡ bỏ khi số ca mắc giảm.
Ấn Độ đáng lẽ có thể tránh được tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy – điều mà các nước Mỹ Latin và châu Phi từng trải qua cách đây 1 năm nếu chuyển đổi hệ thống sản xuất oxy công nghiệp thành một mạng lưới cung cấp vật tư y tế. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đã quay trở lại cung cấp oxy cho các ngành công nghiệp và hiện các bệnh viện ở nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng.
Giới phân tích cho rằng, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc ngăn chặn hệ thống y tế sụp đổ cho đến khi có đủ số người được tiêm vaccine nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Mặc dù Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vaccine vào tháng 3 để đáp ứng các nhu cầu trong nước nhưng vẫn chưa rõ liệu các nhà sản xuất vaccine của nước này có thể đẩy nhanh tốc độ sản xuất hay không.
“Tiêm phòng là một cách để làm chậm sự lây lan của virus, nhưng điều này phụ thuộc vào tốc độ sản xuất và sự sẵn có của các liều vaccine,” ông Srinath Reddy- Chủ tịch Quỹ Y tế cộng đồng Ấn Độ cho biết.
Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ cũng hứng nhiều chỉ trích vì đã không tạm dừng các lễ hội tôn giáo lớn, chẳng hạn như lễ hội tẩy trần Kumbh Mela bên bờ sông Hằng hay các sự kiện bầu cử. Nhiều chuyên gia cho rằng, những hoạt động tụ tập đông người đã khiến số ca mắc bùng nổ mạnh mẽ hơn.