Diamond Tower xin chuyển đổi không xong

(ĐTCK) Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Dự án Diamond Tower hiện chưa đủ điều kiện để xem xét chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Rất nhiều doanh nghiệp tham gia góp vốn tại Dự án Diamond Tower
Rất nhiều doanh nghiệp tham gia góp vốn tại Dự án Diamond Tower

Diamond Tower xin chuyển đổi không xong ảnh 1

Rất nhiều doanh nghiệp tham gia góp vốn tại Dự án Diamond Tower

Món “bò tùng xẻo”

Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh trên trục đường Láng - Hòa Lạc, thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư từ năm 2008. Dự án có diện tích là 288,8 héc-ta, trong đó có 33,6 héc-ta đất hỗn hợp.

 Sau đó, Sudico tách phần đất hỗn hợp này ra và thiết kế thành Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp - Dự án Khu đô thị Nam An Khánh.

Theo chủ đầu tư, khu chung cư này có tổng diện tích quy hoạch là 33,68 héc-ta, trừ 6,2 héc-ta đất đường giao thông và 27,5 héc-ta đất hỗn hợp, còn lại được chủ đầu tư chia làm 7 lô với nhiều hạng mục khác nhau, trong đó giá trị nhất là lô HH3 dành cho tổ hợp chung cư cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí, với diện tích 5,57 héc-ta.

Vì cần vốn để trả tiền đất của Dự án, Sudico đã tiến hành chuyển nhượng lô HH3 cho CTCP Sông Đà Việt Đức. Nhằm thoát khỏi cái “bóng” của Sudico, CTCP Sông Đà Việt Đức đã đổi tên Dự án thành Diamond Tower. Kể từ đây, lô đất HH3 đã được trao đi đổi lại qua nhiều chủ đầu tư thứ cấp và ở mỗi nơi, lô đất lại bị “biến tướng” đi một chút, kèm theo những khoản lợi nhuận kếch xù cho mỗi chủ đầu tư.

Đầu tiên là việc CTCP Sông Đà Việt Đức liên danh với CTCP Bất động sản tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC Land) để thực hiện Dự án. Ngay lập tức, Dự án được đổi tên thành Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp dầu khí. Tuy nhiên, Dự án chưa thể khởi công vào năm 2010 như dự kiến.

Tại Đại hội đồng cổ đông của PVFC Land năm 2011, ông Hoàng Hữu Tâm, Tổng giám đốc Công ty cho biết, Dự án bị chậm khởi công do thay đổi chủ trương đầu tư, PVFC Land phải chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho các đối tác khác là CTCP Đầu tư xây lắp dầu khí IMICO. Vụ chuyển nhượng này, PVFC Land đã thu về hơn 207 tỷ đồng, mang lại khoản lợi nhuận trước thuế 95 tỷ đồng.

Tuy nói là chuyển nhượng toàn bộ Dự án, nhưng PVFC Land vẫn giữ lại 200 căn hộ chung cư (Công ty đã đầu tư 47,76 tỷ đồng trong năm 2010 để triển khai Dự án) và đề ra kế hoạch cho năm 2011 là đổ thêm 82,8 tỷ đồng vào dự án này, với mục tiêu hoàn thành quy hoạch 1/500 để khởi công công trình vào quý III/2011.

Cùng tham gia đầu tư vào Dự án Diamond Tower còn có CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC, một công ty con của Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam. Năm 2010, Vinaconex - PVC đã đầu tư hơn 101 tỷ đồng để “mua lại” 2 tòa nhà cao tầng trong Dự án.

 

Chưa chính danh

Dự kiến khởi công vào cuối năm 2011, nhưng Dự án Diamond Tower đã không được triển khai do thị trường bất động sản “đóng băng”.

Đến đầu năm 2013, sau khi có chủ trương cho phép các dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ và Thông tư 02 của Bộ Xây dựng, ông Tâm cho biết, các bên đối tác góp vốn vào dự án này đã họp lại và thống nhất xin được chuyển đổi dự án này.

Nhưng kẹt ở chỗ, như ông Đạm cho biết, dự án này chưa đủ điều kiện chuyển đổi, bởi CTCP Đầu tư Sông Đà Việt Đức không phải là chủ đầu tư, mà chỉ là nhà đầu tư thứ cấp.

“Sông Đà Việt Đức chưa chính danh là chủ đầu tư Dự án Diamond Tower, nên theo quy định tại Thông tư 02, dự án này không được chuyển đổi”, ông Đạm nói và cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội chưa nhận hồ sơ xin chuyển đổi của dự án này, mà đang yêu cầu CTCP Đầu tư Sông Đà Việt Đức hoàn tất thủ tục chuyển nhượng và đầu tư dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tại website của CTCP Đầu tư Sông Đà Việt Đức, một trong những ngành nghề kinh doanh được nêu trước tiên của công ty này là kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, nhiều dự án được nêu tại đây đến nay hầu như chưa có hoạt động gì đem lại hiệu quả cho Công ty.

Chẳng hạn, Công ty nhận là chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo khu Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì cũng mới chỉ dừng ở khâu phát phiếu khảo sát. UBND TP. Hà Nội chưa ra quyết định giao cho Công ty làm chủ đầu tư dự án trên.

Công ty còn nhận mình là chủ đầu tư Dự án Diamond Plaza nêu trên. Nhưng trên thực tế, Công ty vẫn chỉ là nhà đầu tư thứ cấp và hiện còn nắm giữ rất ít tỷ lệ vốn góp tại Diamond Tower.    

>>Nỗi ác mộng mang tên Diamond Tower       

>>Bí ẩn... Dự án Diamond Tower

Minh Nhật
Minh Nhật

Tin cùng chuyên mục