Địa ốc từ vùng ven TP.HCM: Sức nóng lan tỏa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức nóng tại thị trường địa ốc từ vùng ven TP.HCM đang lan nhanh sang khu vực Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đặc biệt ở những nơi có thông tin quy hoạch mới và giá đất còn “mềm”.
Cam Lâm đang âm ỉ sốt. Ảnh: Lê Toàn Cam Lâm đang âm ỉ sốt. Ảnh: Lê Toàn

Chạy đua đón đầu quy hoạch, hạ tầng

Báo cáo thị trường bất động sản tháng 10/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy, nhu cầu tìm mua bất động sản tại nhiều địa phương phía Nam đã tăng mạnh sau giãn cách xã hội, trong đó nổi bật nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu với mức tăng 73%, tiếp theo là Đồng Nai và Phan Thiết khi cùng ghi nhận mức tăng hơn 65% so với giai đoạn trước dịch.

Sự nóng lên của thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra sau thông tin chính thức triển khai cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nối TP. Biên Hòa (Đồng Nai) với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bên cạnh kỳ vọng địa phương này sẽ “lột xác” khi đang đón nhận nguồn vốn lớn từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ về phát triển các khu công nghiệp, từ đó khiến nhu cầu nhà ở tăng cao.

Thực tế, thời gian qua, một loạt chủ đầu tư lớn liên tục thu gom đất nơi đây, trong đó có Novaland khi đã hoàn tất mua lại dự án Khu du lịch suối khoáng nóng Bình Châu và đang triển khai dự án Bình Châu Onsen (huyện Xuyên Mộc). Với mức giá từ 10-16 tỷ đồng mỗi căn nhà phố, shophouse, dự án này khiến giá bất động sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu thiết lập mặt bằng mới. Theo khảo sát của các nhà đầu tư bám thị trường này, tại các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ…, giá đất đã tăng trung bình 20-30% so với giai đoạn trước khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát.

Tương tự, tại khu vực giáp ranh của Bà Rịa Vũng Tàu là huyện Hàm Tân thuộc tỉnh Bình Thuận, giá đất vườn cũng bật tăng thời gian gần đây, khi mỗi ngày có lượng lớn nhà đầu về đây tìm mua đất, đặc biệt kể từ khi Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) chọn Hàm Tân là nơi đầu tư dự án Khu công nghiệp dịch vụ đô thị Becamex VSIP Bình Thuận có quy mô lên đến 4.269 ha…

Không chỉ ở phía Nam, làn sóng “săn đất” cũng đã lan tới các tỉnh miền Trung, trong đó tâm điểm là khu vực huyện Cam Lâm và Bắc bán đảo Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, khi gần đây, chính quyền địa phương đã chấp thuận đề xuất đầu tư nhiều dự án quy mô lên tới hàng nghìn héc-ta.

Trước thông tin “đại bàng” về làm tổ, giá đất Cam Lâm lại bật tăng. Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua, các phòng công chứng trên địa bàn huyện Cam Lâm luôn kín khách, hàng dài ô tô đậu kín bên ngoài các quán cà phê dọc trục đường chính Đinh Tiên Hoàng và câu chuyện trà dư tửu hậu ở nhiều quán cà phê chỉ xoay quanh đất đai.

Ông Trần Khôi, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Khánh Hòa có nhiều sản phẩm đất nền tại Cam Lâm cho hay, từ đầu tháng 11/2021, giá đất tại đây đã tăng 30-50% so với khoảng 3 quý trước.

“Các lô đất nền ven đầm Thủy Triều chúng tôi ra hàng hồi giữa năm 2020 có giá từ 11-12 triệu đồng/m2, thì nay tăng lên hơn 16 triệu đồng/m2. Nhà đầu tư biết giá đã tăng cao, nhưng vẫn chấp nhận mua vì kỳ vọng sẽ còn tăng tiếp khi các chủ đầu tư triển khai dự án”, ông Khôi nói và cho biết thêm, cơn sốt đất ở Cam Lâm đã kéo dài mấy năm qua, thậm chí còn tăng cả trong giai đoạn dịch căng thẳng.

Trên thực tế, ngay từ đầu tháng 10/2021, trước thông tin tỉnh Khánh Hòa định hướng phát triển huyện Cam Lâm theo hướng trở thành “vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế”, từ đó hình thành cực tăng trưởng mới của khu vực vịnh Cam Ranh, kết nối TP. Cam Ranh và TP. Nha Trang.

Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều khu vực khác như Bình Định, Phú Quốc, Lâm Đồng…, làn sóng nhà đầu tư đổ về săn đất tìm kiếm cơ hội cũng mạnh mẽ không kém.

Nhà đầu tư săn đất tại Cam Lâm. Ảnh: Lê Toàn

Nhà đầu tư săn đất tại Cam Lâm. Ảnh: Lê Toàn

Tiền nóng dễ tạo sốt ảo?

Theo phân tích của giới chuyên gia, việc thị trường bất động sản phía Nam sẽ bùng nổ sau thời gian dài bị nén lại đã được dự báo từ trước. Trong đó, nguyên nhân tác động trực tiếp là sự phát triển mạnh của hệ thống hạ tầng kết nối, khi hàng loạt dự án hạ tầng kết nối liên vùng đã, đang và sắp triển khai ở khu vực này như cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối các tỉnh miền Tây với Đồng Nai; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, kết nối TP.HCM với Tây Ninh; cao tốc Dầu Giây - Liên Khương kết nối Đồng Nai với Lâm Đồng; cao tốc Phan Thiết - Cam Ranh (Khánh Hòa); cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa…

Ngoài ra, sân bay Phan Thiết cũng đã được Thủ tướng đồng ý điều chỉnh quy mô đầu tư từ hơn 5.000 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng, biến sân bay này thành 1 trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng… Sự bứt tốc của hàng loạt các dự án giao thông lớn không chỉ có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế của các địa phương mà còn thúc đẩy tốc độ đô thị hóa ở nhiều nơi diễn ra mạnh mẽ.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, năm 2022, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều dự án mới được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân tiếp tục tăng. Ông Khương phân tích, nhu cầu đối với phân khúc nhà ở vẫn cao là do một bộ phận người dân có tài sản tích lũy dưới dạng vàng, ngoại tệ muốn chuyển hóa sang bất động sản trong bối cảnh lạm phát được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.

“Khi lạm phát tăng cao, nhà đầu tư thường có xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang những kênh trú ẩn an toàn, trong đó có bất động sản”, ông Khương lý giải và cho rằng, bằng chứng là thị trường bất động sản vẫn giữ được sự ổn định, cho dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh suốt gần 2 năm qua. Đặc biệt, trong năm 2020, đã có khá nhiều thương vụ M&A dự án bất động sản, được chuyển giao từ các doanh nghiệp năng lực hạn chế sang những doanh nghiệp có tiềm lực lớn hơn.

Ở một góc nhìn khác, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time đánh giá, trong bất cứ hoàn cảnh, khu vực nào, thị trường địa ốc cũng đều tồn tại cơ hội và rủi ro. Nhìn tổng thể, có thể thấy, nhà đầu tư bất động sản đổ dồn về các thị trường Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hay Bình Thuận thời gian qua là để đón đầu quy hoạch mới, nhưng cũng cần cẩn trọng để tránh đua theo dòng tiền nóng.

“Đón đầu quy hoạch, hạ tầng từ lâu đã trở thành ‘kim chỉ nam’ của giới đầu tư địa ốc. Trên thực tế, có nhiều người ‘hốt bạc’ nhờ xu hướng này, nhưng cũng có không ít người ‘vỡ mộng’ vì nhận diện sai bản chất của thị trường, thậm chí có những khu vực chưa được quy hoạch rõ ràng, nhiều người sẵn sàng lao vào đầu tư với kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, nhưng rủi ro chôn vốn là rất cao”, ông Tiến nói.

Tăng Triển

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục