Thị trường địa ốc phía Nam: Những “điểm nóng” sau giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù việc đi lại giữa TP.HCM và các địa phương lân cận chưa hoàn toàn khơi thông, nhưng thị trường địa ốc phía Nam bắt đầu xuất hiện những “điểm nóng”.
Khách hàng xem dự án Aqua City ở Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn Khách hàng xem dự án Aqua City ở Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn

“Làn sóng” mới lộ diện

Liên tục nhiều ngày qua, đặc biệt vào dịp cuối tuần, dòng người không ngừng đổ về Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Phan Thiết… là những địa phương đã cho phép lưu thông giữa các khu vực. Theo ghi nhận của phóng viên, trong số người dân đổ về Bà Rịa - Vũng Tàu hay Phan Thiết có một lượng không nhỏ là dân đầu tư đi tìm hiểu thị trường và “săn đất”, khiến cho nhiều phòng công chứng, đặc biệt là ở Bà Rịa - Vũng Tàu luôn trong tình trạng quá tải và trở thành “điểm nóng” nhất trên thị trường địa ốc phía Nam sau giãn cách.

Lê Sang, một nhân viên môi giới tại huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, sở dĩ các phòng công chứng ở đây lúc nào cũng đông đúc, một phần do nhà đầu tư nhiều nơi đổ về đây mua đất, phần khác do nhiều giao dịch đã diễn ra từ trước đợt dịch lần thứ 4 “bị kẹt” lại nên người mua, người bán tranh thủ đến công chứng giao dịch ngay khi mở cửa trở lại.

“Cứ ngỡ dư chấn dịch bệnh sẽ còn ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, nhưng thực tế là từ khi được mở cửa trở lại tới nay, giá đất tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc không ngừng tăng”, Sang nói và chia sẻ thêm, nhiều mảnh đất ở huyện Châu Đức thời điểm trước dịch rao bán tầm 1-1,2 tỷ đồng/sào (1.000 m2), nhưng những ngày qua đã tăng lên 1,5-1,6 tỷ đồng/sào, thậm chí chưa kịp rao bán đã có người vào tận nơi hỏi mua. Đất nền tại một số dự án cũng bắt đầu rục rịch tăng giá so với thời điểm trước làn sóng Covid thứ 4.

Sự nóng lên của thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu còn xuất phát từ việc dựa hơi “ông lớn”. Sau khi mua lại suối nước nóng Bình Châu, Tập đoàn Novaland đã giới thiệu ra thị trường dự án Bình Châu Onsen (huyện Xuyên Mộc) quy mô 309 ha, trong đó 280 ha là rừng cây xanh, 11 ha suối khoáng nóng tự nhiên, 5 ha công viên chủ đề và 4 ha công viên nước. Theo thông tin giới thiệu từ các nhân viên bán hàng, đợt này Novaland đưa ra hơn 500 sản phẩm nhà phố và shophouse với mức giá gần 10 tỷ đồng cho nhà phố (diện tích 6x20 m) và gần 16 tỷ đồng cho shophouse (diện tích 6x22 m).

Đồng Nai cũng là thị trường đang được quan tâm, nhưng khác Bà Rịa - Vũng Tàu với điểm nóng là đất vườn, giới đầu tư tập trung vào đất dự án do các doanh nghiệp lớn đầu tư tại địa phương này. Cuối tuần trước, mặc dù việc đi lại vẫn chưa thực sự thông suốt, tại trung tâm giao dịch bất động sản của Novaland đặt trong khuôn viên dự án Aqua City ở Biên Hòa vẫn đông nghẹt khách hàng. Trong đợt chào bán này, Novaland tung ra thị trường sản phẩm nhà phố phân khu Sunharbor có giá bán hàng chục tỷ đồng/sản phẩm, song vẫn rất hút khách.

Liền kề với dự án Aqua City, Tập đoàn Nam Long công bố dự án Khu đô thị tích hợp Izumi City trên đường Nam Cao và Hương Lộ 2, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Với tổng mức đầu tư 18.600 tỷ đồng, Izumi City có quy mô 170 ha, ước tính cung cấp ra thị trường hàng ngàn căn nhà phố, shophouse.

Ngoài ra, một loạt dự án khác tại Đồng Nai như Gem Sky World của Đất Xanh, Century City của Kim Oanh… cũng đang rục rịch tung nguồn hàng lớn ra thị trường. Dù chưa có con số thống kê giao dịch thực tế, song theo chia sẻ của đại diện các chủ đầu tư, thị trường có phản ứng khá tích cực với những dự án này.

Nhiều phòng công chứng tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong tình trạng quá tải. Ảnh: Lê Toàn

Nhiều phòng công chứng tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong tình trạng quá tải. Ảnh: Lê Toàn

Thị trường chờ bùng nổ

Theo phân tích của giới chuyên môn, sự khởi động khá nhanh trở lại của hoạt động giao dịch sau thời gian giãn cách tại nhiều địa phương phía Nam cho thấy sức hấp dẫn rất lớn của thị trường bất động sản khu vực này. Nhiều thị trường tiềm năng thu hút các doanh nghiệp lớn với nhiều đại dự án thời gian qua như Lâm Đồng, Bình Thuận hay một số tỉnh miền Trung đang có độ nén rất lớn và được dự báo sẽ sớm bùng nổ khi việc đi lại hoàn toàn khơi thông.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thị trường bất động sản trong xu thế mới” được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, nhiều chuyên gia cho biết, sau 4 tháng phong tỏa phòng chống Covid-19, TP.HCM và nhiều địa phương phía Nam đang dần mở cửa trở lại và thị trường địa ốc cũng từng bước khởi động lại.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cho biết, nhiều chủ đầu tư đã tiến hành mở bán từ đầu tháng 10/2021 và bước đầu ghi nhận kết quả khả quan. Về phía khách hàng, nhiều người cũng bắt đầu giải ngân vốn trở lại ngay sau giãn cách, tập trung vào những thị trường có tính ổn định cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các dòng sản phẩm bất động sản ven biển...

Còn TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đánh giá, so với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, đại dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản có sự khác biệt.

“Khác biệt đầu tiên là trước đây, khi thị trường gặp khó khăn thì nhu cầu sụt giảm ngay lập tức, nhưng ở đại dịch lần này, nhu cầu về bất động sản đầu tư cũng như để ở vẫn rất lớn, tập trung vào các phân khúc bất động sản khu công nghiệp, logictics, nhà ở… Khác biệt thứ hai là giá bất động sản không những không giảm, mà còn tăng lên, cũng phản ánh sự tích cực của thị trường. Ngoài ra, dòng tiền rẻ và mặt bằng lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào thời gian qua”, ông Lực phân tích.

Về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản, theo ông Lực, là rất khả quan bởi kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ hồi phục nhanh, dự báo quý IV/2021 tăng trưởng khoảng 4% và cả năm 2021 tăng khoảng 2,5%, còn năm 2021 có khả năng đạt khoảng 6,5-7%.

Dưới góc độ đầu tư, theo ông Trương Anh Tú, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần PropertyX (thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh), cơ hội và rủi ro luôn song hành trong quá trình đầu tư bất động sản, song người mua nhà đất giai đoạn sau giãn cách cần phải rà soát thông tin thận trọng hơn trước, bởi hiện nay rổ hàng có nhiều sản phẩm hơn, phức tạp hơn nên không dễ “cứ mua là thắng”.

“Dù vậy, nhu cầu đầu tư bất động sản tăng cao cùng với hệ thống hạ tầng giao thông không ngừng được mở rộng, mặt bằng lãi suất ngân hàng tiếp tục ở mức thấp... là những lợi thế cơ bản để thị trường bất động sản hút mạnh dòng tiền trong thời gian tới”, ông Tú kỳ vọng.

Tăng Triển

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục