Vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào địa ốc
Tại cuộc họp báo cáo tổng kết tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội TP.HCM năm 2018 diễn ra ngày 8/1 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, lũy kế đến cuối năm 2018, TP.HCM thu hút 44,88 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó bất động sản chiếm 16,4%.
Riêng năm 2018, trên địa bàn Thành phố có 1.029 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đạt 784,81 triệu USD (tăng 21,8% số dự án cấp mới và bằng 33% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Trong đó, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 33,2%; tiếp theo là công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 22,8%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 16,4%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 11,4%; Xây dựng chiếm 6,3%.
Về nhà đầu tư, Hàn Quốc là nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm tỷ trọng 26,3%, tiếp theo là Singapore chiếm 22,2%, Nhật Bản chiếm 12,5%, NaUy chiếm 9%, Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 6%.
Ngoài ra, trong năm 2018, có 236 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 736,25 triệu USD (tăng 22,3% số dự án điều chỉnh và bằng 72,5% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Vốn ngoại chảy vào thị trường bất động sản TP.HCM chủ yếu thông qua hình thức hợp tác, góp vốn, mua cổ phần
Cũng trong năm 2018, Thành phố cũng chấp thuận cho 3.163 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 5,87 tỷ USD (tăng 34,2% về số trường hợp và tăng 82,3% về vốn đầu tư so với cùng kỳ). Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất, chiếm 41,7% trong tổng số 5,87 tỷ USD.
Thực tế, trong năm 2018, TP.HCM có những dự án bất động sản triệu USD được triển khai từ dòng vốn FDI. Đơn cử, khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với vốn đầu tư 885,85 triệu USD; Dự án KNT ASIA với vốn đầu tư 215 triệu USD…
Ngoài ra, những nhà đầu tư ngoại truyền thống vẫn kiên trì và bền bỉ rót vốn vào thị trường bất động sản TP.HCM như Keppel Land Việt Nam với Dự án Saigon Sports City. Đây là dự án khu đô thị rộng 64 ha tại quận 2 với số vốn hơn 500 triệu USD.
Hay như Frasers Property thuộc tập đoàn bất động sản đa quốc gia Frasers Centrepoint Limited (FCL) đạt được thỏa thuận mua lại Công ty Bất động sản Phú An Điền - thành viên của Công ty Bất động sản Trần Thái. Thương vụ này có giá trị khoảng 34,3 triệu USD và giúp Frasers Property nắm giữ 75% cổ phần của Phú An Điền. Phú An Điền đang phát triển dự án căn hộ kết hợp với thương mại tại quận 9.
Năm 2018, Tập đoàn Nam Long tiếp tục hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản (Tập đoàn Hankyu Hanshin Properties và Nishi Nippon Railroad) để phát triển Dự Akari City - khu dân cư 8,8 ha tại quận Bình Tân.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản DKRA Vietnam cho rằng, năm, 2018 phần lớn dòng vốn ngoại đã được phân bổ đầu tư vào các danh mục bất động sản thương mại, khách sạn, công nghiệp và phân khúc nhà ở thương mại giá tầm trung.
“Theo xu hướng này, có rất nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc và sẵn sàng tham gia liên doanh, góp vốn với các chủ đầu tư Việt Nam có uy tín tốt. Lợi thế của các chủ đầu tư trong nước là sự thông hiểu về thị trường, hệ thống hành lang pháp lý, danh mục bất động sản đã được xác lập, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực lớn về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án, nên việc kết hợp sẽ làm gia tăng giá trị dự án”, ông Lâm đánh giá.
Chiến lược hút vốn FDI năm 2019
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2019, TP.HCM tiếp tục đưa ra những chương trình trọng điểm để hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản thay vì chỉ ở việc đầu tư phát triển dự án.
Đầu tiên, Thành phố tiếp tục tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM. Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2020, TP.HCM sẽ cổ phần hóa 40 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Saigontourist.
Ngoài ra, người đứng đầu UBND TP.HCM cho biết, Thành phố xác định Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm là thỏi nam châm hút vốn FDI, nên năm 2019 sẽ đẩy nhanh việc triển khai các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tạo hiệu ứng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển Thành phố.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tập trung xây dựng khu đô thị sáng tạo theo kế hoạch đã đề ra. Trong đó, sẽ xây dựng kế hoạch lựa chọn tư vấn quốc tế có uy tín để hỗ trợ Thành phố xây dựng tầm nhìn và các bước triển khai cụ thể cho khu đô thị sáng tạo. Trên cơ sở đó, tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể cho khu đô thị sáng tạo. Đây sẽ là dự án mới hút nguồn lực vốn FDI vào TP.HCM trong năm 2019, vì nhiều doanh nghiệp ngoại trong năm 2018 đã “nhòm ngó” vào dự án này.
Cuối cùng, ông Phong tiết lộ, Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
“Xây dựng đô thị thông minh gắn với phát triển công nghiệp điện tử viễn thông theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, phấn đấu trở thành địa phương đầu tiên của cả nước triển khai mạng viễn thông 5G. Đây là điểm nhấn trong việc hút doanh nghiệp đến từ những nước có nền công nghệ thông tin vào TP.HCM phát triển. Mô hình này đang nhen nhóm phát triển mạnh các dự án bất động sản tại TP.HCM trong thời gian qua theo hình thức dự án thông minh”, ông Phong cho biết.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com