Số liệu trên được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM đưa ra trong báo cáo về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố năm 2018.
Năm 2018, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 7,39 tỷ USD vốn FDI, tăng 11,8% so với cùng kỳ.
Bất động sản tiếp tục dẫn đầu dòng vốn FDI đổ bộ vào TP.HCM (ảnh Gia Huy)
Trong đó, có 1.029 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 784,81 triệu USD, tăng 21,8% số dự án cấp mới và bằng 33% vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Đơn cử như Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2A trong Khu Đô thị mới Thủ Thiêm với vốn đầu tư 885,85 triệu USD; Dự án KNT ASIA với vốn đầu tư 215 triệu USD; Công ty TNHH Tech Mastery Việt Nam với vốn đầu tư 80 triệu USD.
Dòng vốn đầu tư này chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc với vốn đầu tư chiếm tỷ trọng 26,3%; tiếp theo là Singapore chiếm 22,2%; Nhật Bản chiếm 12,5%; NaUy chiếm 9%; Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 6%.
Đặc biệt, năm 2018 có 236 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 736,25 triệu USD (tăng 22,3% số dự án điều chỉnh và bằng 72,5% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Cũng trong năm 2018, Thành phố cũng chấp thuận cho 3.163 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 5,87 tỷ USD, tăng 34,2% về số trường hợp và tăng 82,3% về vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất chiếm 41,7%; tiếp theo là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 20,2%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 10%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 9,5%; xây dựng chiếm 5,2%.
Ngoài ra, số liệu cũng cho biết, năm 2018, TP.HCM đã có 44.126 doanh nghiệp trong nước được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 537.157 tỷ đồng, tăng 6% số lượng doanh nghiệp và bằng 89,3% vốn đăng ký so cùng kỳ; có 66.531 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 434.075 tỷ đồng.
Trong đó, phân theo ngành nghề về vốn đăng ký thì hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 42,8%; tiếp theo là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 16,3%; xây dựng chiếm 10%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 9,3%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác chiếm 6,8%.