Địa ốc thêm một năm... "nghỉ sớm"!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, song nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lên kế hoạch cho nhân viên nghỉ sớm.
Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực địa ốc dọn dẹp nghỉ Tết sớm. Ảnh: Lê Toàn Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực địa ốc dọn dẹp nghỉ Tết sớm. Ảnh: Lê Toàn

Nghỉ sớm để… giảm chi phí

Thông thường, tháng cuối năm là thời điểm thị trường địa ốc sôi động nhất, khi doanh nghiệp “chạy nước rút” ra hàng để hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm, còn người có nhu cầu ở hay đầu tư cũng tranh thủ hiện thực hóa mục tiêu mua nhà cuối năm. Tuy nhiên, năm nay, mọi kế hoạch dường như dừng lại, người mua nhà giữ tâm lý dè dặt, không xuống tiền, còn doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ Tết sớm.

Đơn cử, Công ty Bất động sản Cát Tường Land mới có thông báo về lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 áp dụng cho khối sàn kinh doanh của doanh nghiệp này. Theo đó, toàn bộ nhân viên thuộc khối sàn kinh doanh sẽ nghỉ không lương từ ngày 19/12/2023 đến hết ngày 18/2/2024, tức là tròn 2 tháng.

Tương tự, nguồn tin từ Tập đoàn Danh Khôi cho biết, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch cho toàn bộ khối kinh doanh được nghỉ Tết Âm lịch 2024 ngay sau đợt nghỉ Tết Dương lịch sắp tới. Công ty Bất động sản SG Holdings cũng cho hay, sẽ cho nhân viên nghỉ Tết sớm từ ngày ngày 15/12 Âm lịch. Còn lãnh đạo Công ty Bất động sản Asia New Time chia sẻ, đang lên kế hoạch cho nhân viên nghỉ Tết, dự kiến trước ngày mùng 10 tháng Chạp (tức ngày 10/12 Âm lịch).

Tại Công ty Bất động sản Phúc Điền Land, mặc dù chưa có kế hoạch nghỉ Tết chính thức, nhưng ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Công ty cho biết, ngoại trừ bộ phận kế toán và văn phòng, phần lớn nhân sự ở các bộ phận khác đã nghỉ làm hơn một tháng nay.

“Chưa bao giờ thấy thị trường bất động sản khó khăn như năm nay, không nghỉ cũng không biết làm gì. Nhiều tháng qua, doanh nghiệp không có nguồn hàng để bán, kể cả có hàng cũng không bán được nên cho nhân viên nghỉ sớm để tiết giảm chi phí”, ông Hoài bộc bạch và chia sẻ thêm, mong cho khó khăn qua nhanh và hy vọng năm tới tình hình thị trường sẽ sáng sủa hơn.

“Làm doanh nghiệp môi giới với đội ngũ nhân viên bán hàng cả trăm người, nhưng gần 3 tháng qua không có được một giao dịch nào. Doanh nghiệp hầu như không có nguồn thu, trong khi chi phí dù tiết giảm hết cỡ cũng mất cả tỷ đồng mỗi tháng”, tổng giám đốc một doanh nghiệp môi giới tại TP.HCM nói và cho biết, thị trường bất động sản mất thanh khoản nên từ đầu tháng 10/2023 đã phải cắt giảm gần 50% nhân sự để giảm chi phí và tới đầu tháng 12/2022 đóng cửa nghỉ Tết sớm.

Thị trường bất động sản dự báo tích cực hơn trong năm 2024. Ảnh: Lê Toàn

Thị trường bất động sản dự báo tích cực hơn trong năm 2024. Ảnh: Lê Toàn

Trên đây chỉ là một số trường hợp trong số nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nói chung, môi giới nói riêng, cho nhân viên nghỉ Tết sớm do thị trường khó khăn. Hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid -19, cộng thêm “cú sốc” siết tín dụng bất động sản từ năm 2022 đến nay, khiến cho phần lớn doanh nghiệp địa ốc đã kiệt sức.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản đã cạn kiệt nguồn tài chính, buộc phải tạm ngừng hoạt động. Bởi trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp lĩnh vực này có nguồn lực mỏng manh, nguồn thu chủ yếu đến từ phí môi giới (hoa hồng môi giới), nếu không bán được hàng thì sẽ không có hoa hồng, tức là không có nguồn thu, trong khi vẫn phải duy trì đều đặn việc “nuôi quân”, nên việc nguồn tài chính cạn dần là dễ hiểu.

Không chỉ cho nhân viên nghỉ sớm, mà kế hoạch thưởng Tết của các doanh nghiệp bất động sản năm nay dự báo cũng sẽ là một năm buồn. Trao đổi xung quanh vấn đề này, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc, từ môi giới đến đầu tư, phát triển dự án đều cho biết, nhiều khả năng sẽ không có thưởng Tết, nếu có cũng chỉ là tượng trưng. Với các môi giới đang làm việc tại các doanh nghiệp cho biết, nhiều người không mong được thưởng, mà chỉ mong được trả đầy đủ lương, hoa hồng cũng đã là may mắn. Bởi thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp còn nợ lương từ 3-6 tháng, hoặc có doanh nghiệp chỉ trả 50% lương trong suốt cả năm.

Hơn 70% môi giới rời khỏi cuộc chơi

Theo thông tin từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tính đến nay, có đến 70% môi giới bất động sản tạm chuyển nghề hoặc rời bỏ ngành do thu nhập bấp bênh. Trước đó, số lượng môi giới bất động sản thống kê ước đạt khoảng 300.000 người, hiện nay chỉ còn khoảng 100.000 người còn hoạt động. VARS cho rằng, trong năm 2023, nhiều tổ chức cũng như cá nhân môi giới đã phải bỏ nghề do tác động tiêu cực từ thị trường. Trong số ít những môi giới còn hoạt động, nhiều người phải làm thêm công việc khác để bám trụ lại với nghề.

Ông Trần Hiếu - Phó tổng giám đốc DKRA Group, một trong những đơn vị có lượng nhân viên lớn nhất tại phía Nam cho biết, đến thời điểm này, để duy trì được bộ máy hoạt động là một thách thức vô cùng lớn.

“Thị trường vô cùng khó khăn, tâm lý người mua dè dặt, cùng với nguồn hàng để phân phối khan hiếm càng khiến cho các doanh nghiệp môi giới khó khăn hơn”, ông Hiếu nói và chia sẻ thêm, đã qua rồi cái thời ai cũng có thể trở thành môi giới bất động sản, mà bây giờ muốn tồn tại phải thực sự chuyên nghiệp, phải có kiến thức chuyên sâu về pháp lý dự án, loại hình sản phẩm, nắm rõ quy hoạch khu vực… mới thuyết phục được khách hàng.

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Techcom Việt Nam, thị trường đang có sự sàng lọc mạnh mẽ, doanh nghiệp nào không đủ sức phải chấp nhận rời khỏi cuộc chơi.

“Trước mắt, với những khó khăn về dòng tiền và trong một môi trường pháp lý có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp địa ốc đang đứng trước ‘ngã ba đường’, hoặc bị đào thải, hoặc phải ‘chịu đau’ để vượt khó. Về dài hạn, thị trường bất động sản còn nhiều dư địa phát triển, doanh nghiệp nào trụ lại thành công sẽ có nhiều cơ hội bứt phá”, ông Lộc nhận định.

Còn ông Nguyễn Thanh Sang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản SG Holdings cho hay, về bản chất, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư thu hút dòng tiền, đặc biệt người có sẵn tiền mặt luôn có xu hướng chọn bất động sản làm kênh trú ẩn khi thị trường biến động. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của thị trường thời gian qua là dòng vốn bị tắc nghẽn, pháp lý dự án bị siết chặt, cung - cầu lệch pha rõ nét… dẫn đến mất thanh khoản. Bởi vậy, khi các nút thắt này được tháo gỡ, thị trường sẽ bật mạnh trở lại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là tín hiệu tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Nguồn tín dụng bổ sung này sẽ tác động lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay, từ đó giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, trong năm 2024, hành lang pháp lý điều chỉnh lĩnh vực bất động sản sẽ hoàn thiện hơn khi tiếp tục xem xét thông qua dự án sửa đổi Luật Đất đai, bên cạnh Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi mới được thông qua vào đầu tháng 12/2023.

Tăng Triển

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục