Từ “cứ điểm” cho nhà đầu tư Hàn Quốc…
Trong báo cáo cập nhật về CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, ngày 13/11/2023, TP. Hải Phòng đã phê duyệt quy hoạch 1/2.000 Khu công nghiệp Tràng Duệ 3.
Theo VNDirect, LG Innotek sẽ là khách hàng đầu tiên của khu công nghiệp này dựa trên thương vụ đầu tư 1 tỷ USD để mở rộng sản xuất và xây dựng nhà máy V3, tương đương với quy mô nhà máy V1 và V2 (khoảng 40 ha).
Trước đó, Tập đoàn LG cam kết đầu tư 4 tỷ USD vào các công ty con tại Việt Nam. Với 1 tỷ USD cho LG Innotek, LG có thể sẽ tiếp tục giải ngân vốn đầu tư bổ sung khoảng 3 tỷ USD cho việc mở rộng LG Display và LG Electronics.
Trong một diễn biến khác, vừa qua, Kinh Bắc đã ký 4 hợp đồng ghi nhớ với Tập đoàn STS, Tập đoàn Tài chính JB, Đại học Quốc gia Gyeongsang và Bệnh viện Đại học Quốc gia Gyeongsang đến từ Hàn Quốc về hợp tác đầu tư và thực hiện các dự án ở Khu công nghiệp Tràng Duệ 3, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với tổng vốn đầu tư cam kết khoảng 1 tỷ USD.
Tại phía Nam, một “tay to” khác cũng đang ấp ủ kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam là Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc). Trong cuộc làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Kim Kyung Hwan - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam đã trình bày ý tưởng xây dựng nhà máy sản xuất sợi sinh học tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 với tổng mức đầu tư 720 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên của Hyosung trên toàn thế giới áp dụng công nghệ hiện đại, tiến tiến, thân thiện với môi trường để sản xuất sợi vải spandex.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc năm 2023, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun Joon chia sẻ, Tập đoàn đã đầu tư hơn 20 năm tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 20.000 tỷ Won (khoảng 3,5 tỷ USD) và hơn 9.000 lao động. Hyosung coi Việt Nam là thị trường chiến lược, trọng điểm và thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, dự kiến tiếp tục tuyển dụng thêm 10.000 nhân sự tại Việt Nam.
“Tôi luôn tin tưởng rằng sự phát triển của Việt Nam sẽ đồng hành với sự phát triển của Hàn Quốc. Chúng tôi mong muốn đóng góp vào quá trình phát triển này và muốn đặt tương lai 100 năm tới của Tập đoàn tại Việt Nam”, ông Cho Hyun Joon nhấn mạnh.
Với dự án lần này, Hyosung dự kiến đặt nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 của chủ đầu tư Tổng công ty IDICO - CTCP (mã IDC). Idico và Hyosung là đối tác lâu năm với nhiều dự án hợp tác trước đó. Đại diện Idico cho biết, từ năm 2007 đến nay, Hyosung đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 IDICO (trên diện tích đất thuê khoảng 130 ha) và nhiều địa phương khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Bắc Ninh…
… đến dòng vốn của “xứ cờ hoa”
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Bắc cho biết, nhiều năm qua, thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ của Việt Nam mới đạt khoảng 10 tỷ USD, nhưng chỉ trong 3 năm tới, ít nhất quốc gia này sẽ đầu tư thêm 10 tỷ USD nữa trước sự quan tâm ngày một lớn của nhà đầu tư “xứ cờ hoa” tới thị trường Việt Nam và sự cam kết của Chính phủ đối với đầu tư của Hoa Kỳ. Trong các cuộc tiếp xúc, Kinh Bắc cũng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn với số vốn đầu tư cam kết hàng tỷ USD vào các dự án khu công nghiệp của Công ty, trong đó có Khu công nghiệp Tràng Duệ 3.
“Sắp tới sẽ có dòng tiền lớn đổ vào Việt Nam, nhưng làm sao để hấp thụ được dòng tiền này? Nhà đầu tư Hoa Kỳ chỉ đổ tiền vào những doanh nghiệp đã sẵn sàng nâng cấp bản thân từ quản trị doanh nghiệp, minh bạch tài chính, nhân sự của mình...”, ông Tâm nói và cho biết thêm, trong chuyến đi này, Kinh Bắc đã ký các biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư tổng giá trị 8 tỷ USD và các đối tác đều cam kết đầu tư trong 2 năm. Theo đó, Kinh Bắc sẽ xin cấp phép đầu tư một số lĩnh vực như công nghệ cao, khu công nghiệp… và riêng số vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao là khoảng 2,3 tỷ USD, trong đó có những công ty sản xuất đồ điện tử cho hãng sản xuất máy bay số 1 của Mỹ, còn bất động sản và các lĩnh vực khác thu hút hơn 5 tỷ USD dòng vốn nước ngoài.
VNDirect nhận định, LG Innotek chỉ là khởi đầu cho làn sóng vốn FDI mạnh mẽ sẽ đổ vào Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 những năm tới. Bởi trên thực tế, Kinh Bắc từng thành công với Khu công nghiệp Tràng Duệ 1 và 2 khi thu hút nhiều nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc như Haeng Sung, Heesung, Dong Yang…
Việc liên tục xuất hiện tin vui trong thu hút FDI thời gian qua khiến giới đầu tư lạc quan hơn cho các vòng hút vốn tới. Đầu tháng 12/2023, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Jensen Huang - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ - tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD) cho hay, NVIDIA đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam và xác định đây là thị trường quan trọng. Ông Jensen Huang khẳng định, NVIDIA mong muốn thiết lập một “cứ điểm” tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính, sản xuất các phần mềm của tương lai…, góp phần vào tương lai số hóa của Việt Nam.
Ngày vui còn dài
Theo Tổng cục Thống kê, dòng vốn FDI tiếp tục đóng góp quan trọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới và một trong những trung tâm công nghệ của thế giới. Trong giai đoạn 2016-2020, thu hút FDI nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện của Việt Nam tăng trưởng bình quân 23,8%/năm, đưa Việt Nam từ vị trí 47 năm 2001 lên vị trí 12 thế giới và thứ 3 khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu từ một số nước sang Việt Nam và đầu tư nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, thành lập hàng chục trung tâm nghiên cứu và phát triển (Research and Development - R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm công nghệ, liên kết thành công với doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Điển hình là các khoản đầu tư quy mô lớn của Samsung, Pegatron, Foxconn, Apple, Luxshare, Goertek, Google, LG, Quanta Computer (Đài Loan - Trung Quốc), Lego (Đan Mạch), Intel… Trong đó, Apple bắt đầu sản xuất iPad, Macbook tại Việt Nam; LG thông báo đầu tư thêm 4 tỷ USD để sản xuất camera cho điện thoại di động… Đây cũng là cơ sở để Việt Nam có thêm nhiều cơ hội phát triển doanh nghiệp, đất nước, nâng cao hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ những nền tảng hiện có về giáo dục, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng công nghệ, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Tổng cục Thống kê cho hay, viễn cảnh FDI toàn cầu ngày càng “phân mảnh” sâu sắc theo các khối liên minh, hay nói cách khác, dấu ấn địa lý của FDI tỷ lệ thuận với xu hướng liên kết địa chính trị hiện nay, thể hiện qua tỷ trọng FDI giữa các nền kinh tế có liên kết địa chính trị không ngừng tăng lên, vượt trội so với tỷ trọng FDI giữa các nước gần gũi thuần túy về địa lý. Với Việt Nam, các kết quả khả quan trong thu hút FDI từ quá khứ với các nhà đầu tư quen thuộc như Hàn Quốc, Nhật Bản… đã và sẽ tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, trong thời gian tới, việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” sẽ mở ra nhiều hơn cơ hội thu hút đầu tư từ các tập đoàn hàng đầu của “xứ cờ hoa”.
“Phát triển quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư Việt Nam và Mỹ nói riêng, thu hút FDI vào Việt Nam nói chung sẽ chuyển sang một trạng thái mới với quy mô lớn hơn, lợi ích nhiều hơn, chất lượng và hiệu quả cao hơn, tương xứng với sự gia tăng của quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ”, báo cáo của Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.