1. Hiểm lầm nảy sinh trước ngày hết hạn gói 30.000 tỷ đồng
Thời điểm kết thúc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đến gần cũng là lúc một số ngân hàng ra thông báo về việc áp dụng lãi suất thương mại thông thường thay vì lãi suất ưu đãi 5%/năm đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016, cho dù hợp đồng đã được ký từ trước.
Thực tế, mặc dù quy định trên được đưa ra ngay từ khi triển khai gói 30.000 tỷ đồng (thông tư số 11/2013/TT-NHNN), tuy nhiên không ít người mua nhà vẫn tỏ ra bất ngờ và choáng váng trước nguy cơ mất quyền được hưởng lãi suất ưu đãi.
Một mặt, dư luận phản ứng dữ dội, lên án gói vay là một “cái bẫy”, trong khi ngân hàng cho rằng, người mua không tìm hiểu kỹ quy định.
Theo các nguồn tin, nhằm giải quyết vấn đề này, nhiều người mua nhà đã chấp nhận để chủ đầu tư đề xuất ngân hàng xin giải ngân trước tiến độ. Khi đó, người mua nhà phải chịu thiệt vì trả lãi suất cao hơn so với việc giải ngân đúng tiến độ, nhưng đủ điều kiện hưởng ưu đãi lãi suất 5% của gói 30.000 tỷ đồng.
Không chỉ mất tiền, việc giải ngân trước tiến độ còn làm mất đi công cụ giám sát của ngân hàng và người mua nhà đối với việc sử dụng vốn của chủ đầu tư. Thông thường, ngân hàng chỉ giải ngân khi chủ đầu tư chứng minh được tiến độ dự án đạt như đã thỏa thuận
Về phía nhà quản lý, trước những tin đồn gây hoang mang dư luận, Ngân Hàng Nhà Nước mới đây đã phát đi thông báo cụ thể, xác nhận thời hạn chấm dứt giải ngân gói 30.000 tỷ là 1/6/2016 và các hợp đồng vay được ký trước thời điểm nêu trên, nhưng giải ngân sau sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng bác bỏ thông tin cho rằng, khách hàng vay (giải ngân trước 1/6) chỉ được ưu đãi trong 3 năm đầu tiên, thời gian còn lại chịu lãi suất vay thương mại thông thường. NHNN cho biết, thời gian được hưởng lãi suất vay ưu đãi tối đa đến 15 năm.
Về thông tin nội dung hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng còn mập mờ, gây khó cho khách hàng, cơ quan này cho biết sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý phù hợp.
2. Tập đoàn Trung Nguyên nguy cơ mất trắng hàng loạt dự án lớn tại Đắk Lắk
Báo chí đưa tin, ngày 10/3, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản đề nghị Tập đoàn Trung Nguyên đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đã được cấp phép trên địa bản tỉnh, nếu không triển khai đúng tiến độ sẽ bị thu hồi.
Được biết, Trung Nguyên nhiều lần thương lượng, xin gia hạn thời gian triển khai nhưng đến nay tiếp tục chậm thực hiện dự án khiến tỉnh Đắk lắk hết kiên nhẫn, dẫn tới quyết định ra “tối hậu thư” cho Tập đoàn.
Bảng giới thiệu dự án hoành tráng của Khu du lịch sinh thái - văn hóa cà phê Suối Xanh
Theo văn bản, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu, Tập đoàn Trung Nguyên đẩy nhanh tiến độ các dự án: Khu du lịch sinh thái - văn hóa cà phê Suối Xanh; Nhà khách Trung Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột); trang trại phát triển chăn nuôi gia súc kết hợp du lịch sinh thái (huyện M’Drắk); Khu du lịch thác Dray Sáp Thượng và thác Dray Nur (Krông Ana); Khu du lịch sinh thái đồi Cư H’lâm (Cư M’gar).
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk, các dự án của Trung Nguyên có mức vốn đăng ký đầu tư từ 50 tỷ đồng lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án được phê duyệt mới nhất năm 2014, lâu nhất từ 2004, với diện tích quy hoạch từ 5 ha đến gần 600 ha.
Theo tìm hiểu, hầu hết các dự án này đều trong tình trạng ngổn ngang, bẩn thỉu, thậm chí có dự án 11 năm vẫn chưa làm xong thủ tục.
3. Vụ cao ốc quá 40 tầng ở Nha Trang: Sở nhận sai, quyết định đình chỉ các dự án
Chiều ngày 9/3, thông tin mới nhất về vụ việc nhiều công trình tại Nha Trang xây dựng với thiết kế vượt quy định chiều cao tối đa (40 tầng), được đưa ra tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức.
Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định đình chỉ thi công các dự án cao ốc vượt 40 tầng tại TP. Nha Trang do trái với đồ án quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 9-2012.
Bên cạnh đó, thông tin đáng chú ý là việc Sở Xây dựng Khánh Hòa thừa nhận sai sót trong công tác tham mưu khi đưa con số 40 tầng khống chế vào đồ án quy hoạch chung TP. Nha Trang trước đây.
Ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết, Nha Trang là nơi hội tụ du lịch của toàn quốc, nếu khống chế các công trình xây dựng chỉ 40 tầng là lãng phí. Theo ông Dẽ, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh xin điều chỉnh độ cao xây dựng.
Trong khi đó, bàn về vấn đề này, một số ý kiến khác lại cho rằng không gian, cảnh quan của vịnh, bãi biển và gió biển Nha Trang là lợi thế và giá trị quan trọng của đô thị du lịch này, việc xây cao tầng sẽ làm xấu đi cảnh quan tự nhiên, làm mất lợi thế và giá trị của thành phố.
Chuyển động địa ốc
Ngày 10/3/2016, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố ra mắt dự án Khu đô thị bên bờ Vịnh - Vinhomes Dragon Bay, Quảng Ninh.
Tọa lạc tại đường Bến Đoan, phường Hồng Gai, trung tâm TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, dự án có tổng diện tích 68,35ha bao gồm khu phức hợp nhà ở, khách sạn và khu nhà phố thương mại (shophouse) bao gồm 380 căn shophouse độc đáo.
Ngày 12 và 13/3, Dự án đất nền nghỉ dưỡng, biệt thự, liền kề ven biển Sentosa Riverside được giới thiệu tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Sentosa Riverside do CenGroup và Công ty bất động sản Bách Đạt với Hệ thống Siêu thị dự án Bất động sản STDA miền Trung ký kết hợp tác chiến lược để cung cấp ra thị trường.
Dự án nằm ở điểm giao thoa giữa Đà Nẵng - Quảng Nam, có mặt tiền nhìn ra sông Cổ Cò, đối diện là Sân Golf Montgomerie Links và là trục chính chạy thẳng ra bãi tắm biển Non Nước. Tổng diện tích giai đoạn một của dự án là 19,5 ha.
Sáng 13/3, Biệt thự vừa kinh doanh vừa sinh sống The Botanica thuộc dự án Vinhomes Gardenia được Vinhomes 2 giới thiệu.
The Botanica là phân khu biệt thự, biệt thự liền kề, liền kề thương mại và shophouse thuộc dự án khu đô thị Vinhomes Gardenia của Vingroup. Toàn dự án có quy mô 17,6 ha, tọa lạc tại đường Hàm Nghi, khu vực trung tâm mới Mỹ Đình (Hà Nội).