“Có nên phát triển doanh nghiệp gia đình thành tập đoàn?” là câu hỏi làm “đau đầu” nhiều doanh nghiệp khi mở rộng sản xuất, phát triển thêm thương hiệu, sản phẩm mới.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị, mô hình tập đoàn, hay doanh nghiệp mẹ - con, sẽ không chỉ phân tán rủi ro ra các công ty khác, mà còn giúp các công ty con tự nỗ lực để phát triển và đóng góp vào sự phát triển chung. Ngoài ra, có thể huy động nguồn vốn góp của các nhà đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài thông qua các công ty khác, làm tăng sức mạnh cho doanh nghiệp.
Phát triển doanh nghiệp gia đình theo mô hình công ty mẹ - con cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp lớn đã thực hiện và gặt hái thành công.
Nếu như trên thế giới, Toyota hay Samsung đều là những tập đoàn có xuất phát điểm từ doanh nghiệp gia đình, thì ở Việt Nam, những cái tên như KIDO, Phú Thái, DOJI… cũng là những niềm tự hào của nền kinh tế, bởi đây đều là các tập đoàn đi lên từ mô hình doanh nghiệp gia đình và hiện vẫn mang dáng dấp của một công ty gia đình.
Tuy nhiên, mô hình quản trị đem lại thành công của những doanh nghiệp này chưa hẳn đã phù hợp cho các doanh nghiệp khác, do đó, tình huống của Công ty Long Sơn - một doanh nghiệp gia đình chuyên sản xuất gốm sứ mỹ nghệ đang gặp phải, đã trở thành đề tài “hot” sau khi được Chương trình CEO - Chìa khóa thành công đề cập ở kỳ trước với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Chiến lược phát triển”.
Long Sơn đã có được những thành công và uy tín thị trường nhờ sự tận tâm, đồng thuận của các thành viên trong gia đình trong suốt quá trình gây dựng và phát triển. Từ dòng sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ ban đầu, trong quá trình sản xuất kinh doanh và nhu cầu thực tế của thị trường, doanh nghiệp đã phát triển thêm các dòng sản phẩm khác như: gốm sứ kỹ thuật, sản xuất hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, cung cấp và phân phối nguyên vật liệu cho ngành gốm sứ… Đến nay, bên cạnh mảng kinh doanh cốt lõi là gốm sứ mỹ nghệ, các mảng kinh doanh mới đều phát triển nhanh chóng, góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng doanh số và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Điểm đặc biệt là các mảng kinh doanh này đều đang được những người thân trong gia đình đảm trách và tổ chức kinh doanh khá hiệu quả. Trước cơ hội và tiềm năng phát triển đó, HĐQT công ty (trong đó có cả CEO) đã cùng ngồi lại bàn bạc để xác định hướng phát triển cho tương lai.
Tuy nhiên, giữa CEO và các cổ đông đã có sự mâu thuẫn về chiến lược phát triển công ty. CEO cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp cần phát triển thành một tổ hợp công ty mẹ - con, trong đó, công ty mẹ là công ty gốm sứ mỹ nghệ với các hoạt động cốt lõi, các công ty con sẽ giao cho những người thân trong gia đình đứng ra quản lý và điều hành.
Trong khi đó, các cổ đông lại cho rằng, cách làm này sẽ khiến bộ máy cồng kềnh, phát triển quá nóng và giảm khả năng kiểm soát của công ty đối với các lĩnh vực khác. Do đó, công ty nên mở thêm các mảng, các dịch vụ kinh doanh khác, nhưng vẫn giữ mô hình quản trị hiện nay.
Rất nhiều khán giả theo dõi đã đưa ra các lập luận ủng hộ CEO trên Fanpage của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công ở tình huống này, nhưng cũng có những ý kiến trái chiều để bênh vực các cổ đông. Bạn Đào Mạnh Linh lập luận: “Đi theo hướng mô hình mẹ - con chỉ làm bộ máy thêm cồng kềnh. Các công ty con vẫn phải chịu sự chi phối về mặt tổ chức, cũng như hoạt động của công ty mẹ”.
Vậy mô hình nào sẽ phù hợp với Long Sơn? Trong trường hợp trên, CEO Lê Hữu Thi đã tìm đến hai vị chuyên gia là bà Đào Thiên Hương, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam và ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny Khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương.
Với kinh nghiệm của mình, hai vị chuyên gia sẽ đưa ra được những tư vấn hữu ích cho CEO Lê Hữu Thi, cũng như các giải pháp cho từng trường hợp của các CEO khác đang đi tìm giải pháp phù hợp.