ĐHĐCĐ thường niên 2019 Vinaconex (VCG): Đặt kế hoạch lãi 743 tỷ đồng, cổ đông lớn kiến nghị bổ sung nhiều nội dung

(ĐTCK) Ngày 28/6/2019, tại trụ sở 34 Láng Hạ (Hà Nội), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 và thông qua một số nội dung quan trọng.
ĐHĐCĐ thường niên 2019 Vinaconex (VCG): Đặt kế hoạch lãi 743 tỷ đồng, cổ đông lớn kiến nghị bổ sung nhiều nội dung

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018, tổng doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty năm qua đạt 10.084 tỷ đồng, bằng 84,4% năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 639 tỷ đồng, bằng 39,2% năm 2017.

Theo lý giải của Vinaconex, doanh thu và lợi nhuận năm 2018 giảm so với năm trước là do năm 2017, Tổng công ty có có khoản thu nhập lớn bất thường từ việc thoái vốn 100% vốn góp tại Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex.

Riêng Công ty mẹ, dù tổng doanh thu chỉ đạt 70% kế hoạch, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 120% so với kế hoạch. Trong đó, tổng doanh thu không đạt kế hoạch nguyên nhân chính là hoạt động xây lắp đạt thấp (59,1% kế hoạch) do các dự án của chủ đầu tư triển khai chậm (vướng mắc ở thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư), trong đó có cả các dự án đầu tư của Tổng công ty như Dự án 93 Láng Hạ, khu đô thị mới Bắc An Khánh…

Về các mảng hoạt động, mảng xây lắp đạt tổng giá trị hợp đồng 3.905 tỷ đồng và hiện đang thương thảo các hợp đồng mới có giá trị lớn. Trong đó, các gói thầu mới ký kết có giá lớn phải kể đến Dự án Mikazuki Đà Nẵng (920 tỷ đồng), các công trình Mapletree Bắc Ninh 3 (253 tỷ đồng); Bình Dương (760 tỷ đồng)…., tạo nguồn công việc, doanh thu, lợi nhuận xây lắp trong những tháng cuối năm và chuyển tiếp sang năm 2019.

Mảng kinh doanh bất động sản, năm 2018 ghi nhận một phần doanh thu, lợi nhuận từ dự án 2B Vinata (289 Khuất Duy Tiến), dự án chung cư Bohemia (25 Nguyễn Huy Tưởng)… Thực hiện các dự án liên doanh, liên kết để tạo dòng tiền/lợi nhuận xây lắp như: dự án 97 - 99 Láng Hạ (liên danh với Petrowaco), dự án Khu đô thị mới Splendora - BT5 Bắc An Khánh…Cũng trong năm 2018, Ban Tổng giám đốc đã hoàn thành giải phóng mặt bằng tại dự án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ sau một thời gian dài vướng mắc (dự kiến khởi công xây dựng trong năm 2019), tích cực tìm các nhà đầu tư cho dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, làm việc với UBND TP. Hải Phòng hủy quyết định thu hồi dự án Cát Bà Amatina của Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Du lịch ITC mà Vinaconex là cổ đông nắm vốn chi phối…

Hoạt động cho thuê sau đầu tư tiếp tục được quản lý và khai thác tốt, tỷ lệ cho thuê phủ kín gần 100% tại các tòa nhà Vinaconex Tower – 34 Láng Hạ, Trung tâm thời trang, Khu đô thị Trung Hòa Nhân chính, Khu ĐTM N05 Đông Nam Trần Duy Hưng…

Về hoạt động đầu tư vốn, các công ty có vốn góp của Tổng công ty đạt kết quả kinh doanh tốt, nên cổ tức thu được từ các đơn vị là 323,8 tỷ đồng, tăng thêm 69,6 tỷ đồng so với kế hoạch năm và tăng 209,2 tỷ đồng so với thực hiện năm 2017.

Ngoài ra, một số lĩnh vực khác như giáo dục; tài chính; quản trị doanh nghiệp…. tổng công ty thực hiện triển khai tốt, có hiệu quả, đặc biệt là công tác tổ chức, nhân sự sau khi các cổ đông thoái toàn bộ vốn: Tiến hành kiện toàn nhân sự chủ chốt của Tổng công ty và các công ty con. Đến nay cơ bản đã ổn định, đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành sản xuất - kinh doanh.

Về kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2019, Vinconex đạt mục tiêu doanh thu hợp nhất 10.100 tỷ đồng, bằng 100,2% thực hiện năm 2018; lợi nhuận sau thuế 743 tỷ đồng, bằng 116% so với thực hiện năm 2018.

Đối với công ty mẹ, phấn đấu đạt tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 3.600 tỷ đồng và 650 tỷ đồng; bằng 115% và 110% so với thực hiện năm 2018. Tỷ lệ cổ tức 12% và bằng 100% kế hoạch năm 2018.

Các kế hoạch đầu tư kinh doanh trọng điểm, bên cạnh triển khai các dự án hiện có, công ty mẹ và toàn Tổng công ty tăng cường tìm kiếm các dự án mới tại các thành phố, địa phương có tiềm năng phát triển như: Quảng Ninh, Quảng Nam, Quy Nhơn, Nha Trang, TP.HCM.

Về đầu tư và kinh doanh bất động sản, tiếp tục mở bán và bàn giao nốt các căn hộ tại dự án 2B Vinata, dự án Bohemia và 97 - 99 Láng Hạ; đồng thời triển khai các phần việc sau bán hàng để đảm bảo uy tín, thương hiệu; đầu tư xây dựng dự án 93 Láng Hạ; tăng thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc; tiếp tục triển khai xây dựng Khu đô thị mới Splendora trở thành khu đô thị kiểu mẫu xanh – sạch – đẹp – hiện đại phía Tây Hà nội.

Ngoài ra, Tổng công ty và các đơn vị thành viên tích cực đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị tại TP. Móng Cái – Quảng Ninh; dự án Cát bà Amatina – Hải Phòng hướng tới phân khúc bất động sản cao cấp kết hợp nghỉ dưỡng tại miền Bắc (Vinaconex ITC); các dự án Khu đô thị mới Thiên Ân, Khu dân cư Ngân Câu, dự án Việt khớp nối Đông Á (Vinaconex 25); xin chủ trương đầu tư văn phóng kết hợp chung cư trên mảnh đất tại 442 Lê Hồng Phong – Nha Trang, đầu tư nhà kho cho thuê trên khu đất tại Hòn Dung – Nha Trang (Vinaconex 17)…; tìm kiếm, phát triển dự án, tập trung ở các dự án khu đô thị mới Đồi Chè, Cao Xanh (Quảng Ninh) và các dự án khu đô thị khác tại các tỉnh miền Trung và phía Nam.

Về Xây lắp, tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước, tìm kiếm, tham gia dự thầu các gói thầu của các chủ đầu tư trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường xây lắp tại khu vực miền Trung, miền Nam. Tích cực tham gia chào giá các dự án thoe mô hình thiết kế tổng thầu EPC, tiến tới hình thành và hoàn thiện dần mô hình triển khai song hành D&B (Design & Build); nghiên cứu mô hình hóa dần các dự án thông qua hệ thống phần mềm quản lý BIM.

Vinaconex cũng có kế hoạch thành lập các công ty mới có chức năng ngành nghề kinh doanh phù hợp với lộ trình phát triển của Tổng công ty. Cụ thể, thành lập (i) Công ty cổ phần Cơ điện Vinaconex (Vinaconex M&E) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng (Vinaconex nắm 65% vốn); (ii) Công ty cổ phần Trường học để quản lý các trường Lý Thái Tổ (Vinaconex nắm 99,9% vốn); (iii) Công ty TNHH MTV Vinaconex Láng Hòa Lạc vốn điều lệ dự kiến 200 tỷ đồng (Vinaconex nắm 100% vốn), để quản lý, đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu CN - CNC3 - Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Năm 2019, Vinaconex dự kiến sẽ thu xếp nguồn vốn khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án cũ và mới và bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua hình thức vay tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, Ban điều hành, Ban Kiểm soát đã trình Đại hội thông qua phương án phân phối lợi nhuận sau thuế năm tài chính 2018 và thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của Tổng công ty.

Một diễn biến đáng chú ý tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Vinaconex là Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, cổ đông sở hữu 33.455.400 cổ phần phổ thông, tương đương 7,57% vốn điều lệ của Vinaconex đã có đơn kiến nghị bổ sung vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Vinaconex một số nội dụng. Cụ thể:

Bổ sung Báo cáo của HĐQT về việc sửa đổi Quy chế hoạt động của HĐQT và Quy chế tài chính của Tổng công ty; và về việc mua cổ phiếu quỹ theo Quyết định số 0139/2019/QĐ-HĐQT ngày 26/02/2019.

Theo Công ty Đầu tư Star Invest, việc sửa đổi Quy chế hoạt động của HĐQT và Quy chế tài chính của Tổng công ty có đảm bảo tính cẩn trọng, tuân thủ pháp luật và nguyên tắc quản trị công ty đại chúng?

Ngoài ra, theo Quy chế hoạt động của HĐQT và Quy chế tài chính của Tổng công ty sửa đổi thì Chủ tịch HĐQT được quyết định các giao dịch lên đến 10% tổng giá trị tài sản của Tổng công ty (tức khoảng 950 tỷ đồng) và Tổng giám đốc được quyết định các giao dịch đến 5% tổng giá trị tài sản của Tổng công ty (khoảng 475 tỷ đồng). Quy định này đã có tiền lệ ở Việt Nam hay chưa?

Việc trao quyền quá lớn cho Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc có phải là hình thức thâu tóm quyền lực vào nhóm cổ đông An Quý Hưng hay không?

Cơ chế, biện pháp giám sát và hạn chế nguy cơ lạm quyền của Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc?

Về việc mua cổ phiếu quỹ, cổ đông lớn này đặt câu hỏi về căn cứ pháp lý và mục đích của việc HĐQT quyết định mua lại 23.578.299 cổ phiếu VCG làm cổ phiếu quỹ. Nguồn tiền sử dụng để mua cổ phiếu quỹ lấy từ Quỹ đầu tư phát triển có trái với quy định tại Quy chế tài chính của Tổng Công ty?

Ngoài ra, căn cứ nào để HĐQT thông qua mức giá mua cổ phiếu quỹ tối đa 30.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá thị trường tại thời điểm đó. Việc ấn định mức giá này có trái với quy định tại khoản 2 Điều 130 Luật Doanh nghiệp 2014?

Vì sao đến nay việc mua cổ phiếu quỹ chưa được thực hiện và trong tương lai, HĐQT có kế hoạch tiếp tục thực hiện mua cổ phiếu quỹ hay không?

Vấn đề thứ 2 cần bổ sung là bổ sung Báo cáo của Ban kiểm soát về giám sát hoạt động chi tiêu tài chính của Tổng công ty. Cụ thể:

Tổng số tiền Tổng công ty chi tạm ứng cho các tổ chức, cá nhân tử đầu năm 2019 đến nay? Căn cứ, mục đích của việc chi các khoản tạm ứng trên. Việc chi tạm ứng cho cá nhân thời gian qua có đúng nguyên tắc tài chính không? Tình hình thu hồi các khoản tiền Tổng công ty đã tạm ứng? Những rủi ro đối với Tổng công ty trong trường hợp không thu hồi được khoản tiền tạm ứng.

Cổ đông lớn này kiến nghị Đại hội đồng cổ đông giao nhiệm vụ HĐQT xây dựng bộ các quy chế, ưu tiên quy chế tài chính và quy chế quản trị điều hành cho phù hợp với thông lệ của công ty đại chúng niêm yết, xem lại ngay những quyết định không phù hợp, gây rủi ro cho công ty. Nội dung này phải được đưa vào Nghị quyết của Đại hội

Về công tác nhân sự, cổ đông lớn này đề nghị HĐQT báo cáo về tình hình biến động nhân sự quản lý của Tổng công ty và các công ty con trong thời gian qua, phân tích nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng chảy máu nhân sự chất lượng cao.

“Theo thông tin chúng tôi được biết, hiện nay có 16 chủ tịch và 8 tổng giám đốc được thay thế và chúng tôi cũng rất bức xúc là các vị trí lãnh đạo tập trung hết vào nhóm người do An Quý Hưng đề cử, sự thiếu minh bạch thông tin trong HĐQT và các cổ đông, gây nhiều rủi ro cho các hoạt động của Công ty”, đơn kiến nghị của Đầu tư Star Invest nêu.

Pv

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục