Hyundai E&C là công ty xây dựng trực thuộc Tập đoàn Hyundai Motor, một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất trên thế giới, bởi vậy doanh nghiệp có năng lực tài chính, công nghệ và năng lực quản trị dự án tốt. Đây là những yếu tố mà Vinaconex đang cần để mở rộng không gian phát triển và năng lực cạnh tranh. Tại Việt Nam, Hyundai E&C đã chứng minh năng lực thông qua việc tham gia thực hiện các dự án lớn như Nhiệt điện Mông Dương 1, Tòa tháp Bitexco, Khách sạn Marriott, Sân Golf & Khu nghỉ dưỡng Sông Giá tại Hải Phòng.
Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác này, theo ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex là nhằm mở rộng tìm kiếm và phát triển các dự án trong và ngoài nước. Vinaconex đang tính cả chuyện vươn ra thị trường nước ngoài.
Động thái này cùng với các quyết định trước đó của Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) khiến không ít cổ đông của Vinaconex vui mừng. Cụ thể, cuối tháng 4/2019, Tòa án đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời: “Buộc Vinaconex tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019”.
Đồng thời, Tòa án nhân dân quận Đống Đa đã ra quyết định đình chỉ việc xét Đơn yêu cầu giải quyết việc Kinh doanh thương mại thụ lý số 29/2019/TLST-KDTM ngày 25/3/2019 về việc yêu cầu hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019 của Vinaconex.
Như vậy, Hội đồng quản trị bầu ngày 11/1/2019 của Vinaconex đã hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, các nhóm cổ đông lớn của Tổng công ty cho đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và vẫn đang trong giai đoạn nỗ lực để dàn xếp ổn thỏa.
Hội đồng quản trị Vinaconex với đa số ghế thuộc về nhóm cổ đông lớn An Quý Hưng cũng đã triển khai mọi việc thận trọng hơn với mong muốn đảm bảo được sự phát triển bền vững cho Vinaconex.
Ông Đào Ngọc Thanh cho biết, vừa qua, An Quý Hưng chủ động ngừng đợt huy động vốn qua phát hành trái phiếu sử dụng tài sản đảm bảo là 58% cổ phần tại Vinaconex, chứ không phải đợt phát hành không có nhà đầu tư quan tâm.
Trước đó, An Quý Hưng và An Quý Hưng Land dự kiến huy động 5.300 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu với lãi suất 12%/năm, tài sản đảm bảo là 125 triệu cổ phiếu VCG.
Theo kế hoạch, cuối tháng 6/2019, Vinaconex sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Hiện trong cơ cấu cổ đông của tổng công ty này, An Quý Hưng nắm 57,71% vốn, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ giữ 21,3% vốn và Đầu tư Star Invest nắm 7,57% vốn. Ba cổ đông lớn này nắm hơn 87% vốn của Vinaconex.
Theo giới phân tích chứng khoán, nếu bất đồng giữa các nhóm cổ đông được dàn xếp ổn thỏa, Vinaconex có tiềm năng phát triển với các dự án hiện có cũng như cơ hội tìm kiếm các dự án mới tại các thành phố, địa phương có tiềm năng như Quảng Ninh, Quảng Nam, Quy Nhơn, Nha Trang, TP. HCM...
Tổng công ty này đã lập kế hoạch tiếp tục mở bán và bàn giao nốt các căn hộ tại dự án 2B Vinata, dự án Bohemia 25 Nguyễn Huy Tưởng và 97-99 Láng Hạ. Cùng với đó, đầu tư xây dựng khu chung cư cao cấp tại 93 Láng Hạ, thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc (277 ha), triển khai xây dựng khu đô thị Splendora (246 ha), quy hoạch và triển khai khu đô thị Cát Bà Amaina (272 ha) tại đảo Cát Bà - Hải Phòng…
Với thị trường xây lắp, Vinaconex cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước, tìm kiếm, tham gia dự thầu các gói thầu hiệu quả trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường xây lắp ở khu vực miền Trung, miền Nam, đặc biệt là tiếp xúc với các đối tác đại diện vốn FDI để triển khai nhận thầu theo mô hình D&B (thiết kế và xây dựng trọn gói).