Viglacera phụ thuộc vào ẩn số thoái vốn nhà nước
2019 là năm Nhà nước thực hiện thoái toàn bộ vốn tại Viglacera. Vào đầu năm 2019, giới đầu tư ngỡ rằng Bộ Xây dựng sẽ bán cả lô trên 58% vốn tại Viglacera, tạo ra một thương vụ “bom tấn” khác sau thương vụ thành công ngoài dự kiến tại Vinaconex. Tuy nhiên, việc chia tách thoái vốn thành 2 giai đoạn, với đợt chào bán ban đầu khoảng 18% vốn tại Viglacera đã không hấp dẫn nhà đầu tư. Kết quả, Bộ Xây dựng chỉ bán thành công 80% cổ phần đem ra chào bán và nhóm nhà đầu tư có liên quan đến Gelex đã tham gia mua số cổ phần này.
Trước đó, nhóm nhà đầu tư trên đã mua thỏa thuận hơn 11% vốn tại Viglacera từ Dragon Capital. Như vậy, Gelex và nhóm cổ đông liên quan hiện nắm trên 25% vốn Viglacera. Khá tình cờ, đây cũng là năm kết thúc nhiệm kỳ Hội đồng quản trị (HÐQT) và Ban kiểm soát của Viglacera, Tổng công ty sẽ bước vào 5 năm nhiệm kỳ lãnh đạo mới.
Trong tài liệu Ðại hội đồng cổ đông của VGC, danh sách các ứng viên tham gia bầu vào HÐQT và Ban kiểm soát chưa được công bố, nhóm cổ đông lớn là Gelex chưa đủ thời gian sở hữu cổ phần 6 tháng để có thể đề cử người. Vì thế, rất có thể ứng viên của nhóm này sẽ được giới thiệu qua một kênh khác để có thể tham gia HÐQT và Ban kiểm soát mới.
Cũng từ tài liệu đại hội, thông tin được nhà đầu tư quan tâm là Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn tại Viglacera trong năm 2019. Như vậy, đợt bán vốn tới của Bộ Xây dựng có quy mô khá lớn, trên 36% vốn điều lệ, tỷ lệ đủ để nhà đầu tư nắm giữ lô cổ phần này có quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp.
Liệu đợt thoái trên 36% vốn tại Viglacera có đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư? Có tạo ra một cuộc đua giữa các nhà đầu tư lớn, nhờ đó thị giá cổ phiếu VGC được đẩy lên cao hay không? Câu trả lời sẽ có một phần ở kết quả bầu HÐQT và Ban kiểm soát Viglacera tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông ngày 26/6.
Giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán cho biết, nếu Bộ Xây dựng còn để cửa cho nhà đầu tư mới tham gia HÐQT và Ban kiểm soát Viglacera sau thoái vốn, cuộc đua sẽ có yếu tố hấp dẫn hơn.
Xét về các yếu tố cơ bản, Viglacera là doanh nghiệp tốt. Báo cáo tài chính năm 2018 của Tổng công ty cho thấy, hệ số bảo toàn vốn đạt 1,002 lần; hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ tại thời điểm 31/12/2018 đạt 1,11 lần, đảm bảo mức độ an toàn tài chính cao; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân Công ty mẹ năm 2018 là 10,06%; tỷ suất lợi nhuận/doanh thu Công ty mẹ đạt 19,4%, tăng 4,4% so với năm 2017.
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng có vị thế đầu ngành, lĩnh vực bất động sản của Viglacera được đánh giá rất tiềm năng, đặc biệt quỹ đất bất động sản công nghiệp còn 1.700 ha chưa khai thác; quỹ đất nhà ở đô thị còn khá lớn, nếu có những bước nhảy vọt về quản trị và có cơ chế ra quyết định nhanh, linh hoạt, lợi nhuận Viglacera được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh, từ đó tác động đến thị giá cổ phiếu trên sàn.
Tuy vậy, từ nay cho đến khi cuộc thoái vốn nhà nước đợt 2 diễn ra, thị giá cổ phiếu VGC được giới phân tích đánh giá sẽ khó có đột biến. Bởi dễ thấy là nhà đầu tư ít có lý do để đẩy giá cổ phiếu lên cao, dẫn đến mua đắt cổ phần mà Nhà nước thoái vốn.
Vinaconex: Cổ đông nhỏ chờ một cái bắt tay
Diễn biến được mong chờ nhất tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Vinaconex ngày 28/6 tới là khúc mắc giữa hai nhóm cổ đông lớn nhất, An Quý Hưng và Star Invest + Cường Vũ được dàn xếp ổn thỏa. Trước thềm đại hội, khi được hỏi về vấn đề này, ông Ðào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex nhận định, đại hội sẽ diễn ra tốt đẹp, “có gì đâu mà phải ồn ào”.
Theo tìm hiểu của Ðầu tư Chứng khoán, những bất đồng lớn nhất liên quan đến việc triển khai dự án Khu đô thị Splendora giữa các nhóm cổ đông lớn tại Vinaconex chưa được xử lý triệt để. Tuy nhiên, lãnh đạo cao nhất của hai bên đã có nhiều cuộc gặp để trao đổi tìm hướng ra, quan trọng hơn là cả hai đều nhận thấy việc ầm ĩ và làm căng thẳng vấn đề, công kích lẫn nhau, không phải là giải pháp hiệu quả. Khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đình trệ, giá cổ phiếu rớt, cả hai đều thiệt hại.
Tại đại hội lần này, HÐQT Vinaconex trình kế hoạch chia cổ tức 12% bằng tiền mặt, mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Vinaconex cũng công bố những con số khả quan về kết quả kinh doanh, trong đó riêng lợi nhuận thu từ cổ tức ở các công ty con, đơn vị liên kết là trên 350 tỷ đồng.
Với tỷ trọng đóng góp của mảng xây dựng và bất động sản mới chỉ đạt 28% tổng lợi nhuận năm 2018, HÐQT Vinaconex tin tưởng, dư địa để đẩy hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp còn rất lớn. Vinaconex sẽ tập trung đầu tư để bung hàng các dự án mới trong năm 2020 như Cát Bà (Hải Phòng), 93 Láng Hạ... và tìm kiếm thêm các dự án bất động sản mới.