Nhân tố bí ẩn
Việc VNM tổ chức ĐHCĐ vào nửa cuối tháng 5 theo nhiều nhà đầu tư thạo tin có thể xuất phát từ lý do thay đổi nhân sự cấp cao của cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Cuối tháng 4 vừa qua, ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC đã nghỉ hưu, hiện ứng viên cho ghế tổng giám đốc mới vẫn là nhân tố bí ẩn. Với khoản mục đầu tư lớn nhất của SCIC hiện nay là VNM, việc bỏ phiếu như thế nào đối với các nội dung được HĐQT VNM trình ra đại hội đóng vai trò rất quan trọng, bởi vậy, tiếng nói của Tổng giám đốc SCIC thường có trọng lượng không nhỏ, thậm chí có thể đóng vai trò quyết định.
Trong lần đại hội này của VNM, nhân vật có ảnh hưởng lớn tới các quyết định của SCIC có thể là ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty. Khác với các chủ tịch SCIC 2 nhiệm kỳ gần nhất là lãnh đạo của Bộ Tài chính, thường đảm nhận ghế chủ tịch không chuyên trách, lần này, ông Chi là Chủ tịch hội đồng thành viên chuyên trách và sẽ tham gia nhiều vào việc chỉ đạo, điều hành SCIC.
Tại một cuộc trao đổi với báo chí gần đây, quan điểm quản trị điều hành của vị chủ tịch này thể hiện khá mềm mỏng. “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu, rút kinh nghiệm từ ý kiến đóng góp của các cổ đông khác trong doanh nghiệp, các đối tác”, ông Chi nói.
Tại đại hội thường niên 2015 của VNM, nội dung gây nổi sóng lớn nhất chính là đề nghị sửa điều lệ VNM của SCIC theo hướng: người đại diện vốn Nhà nước nếu không còn làm đại diện vốn nhà nước sẽ đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT. Đề xuất này bị nhiều cổ đông phản đối bởi không phù hợp với các thông lệ quản trị hiện đại và không được thông qua tại đại hội. Những cách làm như vậy, theo quan điểm của ông Chi, đã được SCIC rút kinh nghiệm.
Với một công ty có tính chất đại chúng và cổ đông có trình độ cao như VNM, cổ đông Nhà nước sẽ phải ứng xử khéo léo và đặc biệt cần vững luật. Trong cơ cấu cổ đông của VNM hiện nay, SCIC sở hữu xấp xỉ 45% vốn điều lệ, cổ đông nước ngoài chiếm 49% (lưu ý là tổ chức chiếm tới 48,65%), bởi vậy tiếng nói của các cổ đông tổ chức nước ngoài có vai trò rất quan trọng. Họ thường bỏ phiếu vì quyền lợi của doanh nghiệp, đó chính là “vũ khí” hiệu quả của Ban điều hành VNM.
Trước ĐHCĐ VNM năm 2015, có một cuộc vận động ngầm trong giới cổ đông tổ chức nước ngoài của VNM để phản đối đề xuất của SCIC. Kết quả, 2 đề xuất của SCIC đã không được thông qua.
Trước đó, tại ĐHCĐ năm 2014, nhiều cổ đông nhỏ đã gom phiếu đủ tỷ lệ 10% theo điều lệ Công ty để đề cử bà Lê Thị Băng Tâm là thành viên HĐQT độc lập của VNM, đối trọng với 2 thành viên HĐQT độc lập do SCIC đề cử. Ngoài việc gom phiếu để đề cử, các cổ đông này còn vận động nhiều cổ đông khác bỏ phiếu cho bà Lê Thị Băng Tâm.
Đại hội 2016 sẽ lặng sóng?
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016, HĐQT VNM sẽ đề xuất phương án cổ tức cao nhất từ trước tới nay với tỷ lệ 60% bằng tiền, bên cạnh phương án chia cổ phiếu tỷ lệ 5:1 như những năm trước.
Đặc biệt, sau 2 kỳ đại hội bỏ qua phương án phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động - ESOP, sau khi tại đại hội năm 2013, SCIC bỏ phiếu phủ quyết kế hoạch này, tại đại hội 2016, HĐQT VNM tiếp tục trình kế hoạch ESOP.
Theo phương án này, Vinamilk sẽ bán gần 9,44 triệu cổ phiếu cho cán bộ, công nhân viên. Giá phát hành được HĐQT đề xuất bằng 2 lần giá trị sổ sách của VNM được ghi nhận trên BCTC gần thời điểm phát hành nhất được kiểm toán soát xét. Dự kiến, giá bán cổ phiếu ESOP trong khoảng 40.000 đồng/CP, chưa bằng 1/3 thị giá cổ phiếu hiện nay.
Bên cạnh các phương án chia lợi nhuận, phát hành cổ phiếu thưởng, cổ phiếu ưu tiên, nới room cũng sẽ là một nội dung được trao đổi tại đại hội.
Cho đến thời điểm này, đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài, cổ đông của VNM cho biết, mọi vấn đề liên quan đến ĐHCĐ thường niên của VNM đều có vẻ “xuôi chèo mát mái”. Bản thân quỹ này có cân nhắc kỹ phương án ESOP, nhưng nhiều quan điểm trong quỹ đều chia sẻ rằng, khi doanh nghiệp vượt kế hoạch kinh doanh một cách xuất sắc, ESOP là xứng đáng và là động lực để họ tiếp tục cống hiến, đồng thời sẽ góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng (nếu có) nảy sinh.