Báo cáo thường niên năm 2015, công ty có tổng cộng 14 lãnh đạo là thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Trong đó, bà Lê Thị Băng Tâm giữ chức Chủ tịch HĐQT, bà Mai Kiều Liên là Tổng giám đốc. Các thành viên HĐQT khác là ông Lê Song Lai, Lê Anh Minh, ông Ng Jui Sia, bà Ngô Thị Thu Trang.
Các thành viên của Ban điều hành gồm: ông Mai Hoài Anh, Trịnh Quốc Dũng, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, bà Bùi Thị Hương, ông Nguyễn Quốc Khánh, ông Lê Thành Liêm, Phan Minh Tiến, Trần Minh Văn.
Theo đó, năm 2015, Vinamilk đã chi tổng cộng gần 67,3 tỷ đồng để trả lương, thù lao cho các thành viên thuộc HĐQT và Ban điều hành. Như vậy, bình quân mỗi tháng lãnh đạo Vinamilk có tổng thu nhập trên 400 triệu đồng. Trong đó, riêng mức thù lao cho HĐQT lên tới gần 4,9 tỷ đồng.
Cơ cấu mức lương thưởng, thù lao của các lãnh đạo chủ chốt tại Vinamilk.
Hai lãnh đạo lớn nhất của của Vinamilk đều có độ tuổi khá cao, trong đó bà Băng Tâm đã 69 tuổi và bà Mai Kiều Liên 63 tuổi. Tuy vậy, hai người phụ nữ quyền lực này vẫn đưa công ty phát triển bền vững, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hai con số. Chế độ đãi ngộ của người lao động công ty ngày càng cao khi chi phí nhân viên lên tới 632 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Lãi lớn, năm 2015, công ty chi hơn 6.000 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Nắm hơn 45% cổ phần tại Vinamilk, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thu về 2.705 tỷ đồng cổ tức.
Năm 2015, công ty đạt doanh thu 40.222 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế tăng 28% lên 7.769 tỷ đồng. Về chiến lược dài hạn, Vinamilk đặt mục tiêu giữ vững vị trí số một trên thị trường sữa Việt Nam trong 5 năm tới. Doanh số hoạt động kinh doanh tại thị trường quốc tế chiếm 50%. Hiện công ty đã đầu tư, xây dựng 4 công ty ở nước ngoài với tỷ lệ góp vốn từ 22 đến 100%.
Ngoài ra, công ty sẽ kinh doanh đa ngành nghề dựa trên nền tảng các lợi thế cạnh tranh sẵn có trong 2-3 năm tới.