Cụ thể, trong kế hoạch đã được thông qua, mảng lương thực sẽ lãi khoảng 50 tỷ đồng trong năm nay. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, mảng này đã mang về lợi nhuận 26 tỷ đồng cho LTG, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 70 tỷ đồng.
Đối với mảng lương thực, ông Thòn cho hay, sau khi hoàn thành xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững, công ty sẽ tập trung chiến lược thương hiệu để đưa gạo xuất khẩu vào thị trường khó tính chẳng hạn như EU.
“LTG đã có sàng lọc lại vùng nguyên liệu sao cho hợp lý đảm bảo hiệu quả, hiện nay tổng vùng nguyên liệu của LTG khoảng 25.000 ha. Mục tiêu của LTG là tăng tỷ trọng đóng góp của mảng lương thực chiếm khoảng 50% doanh thu, tuy nhiên kỳ vọng lợi nhuận của LTG sẽ đi sâu vào khâu chế biến và các sản phẩm giá trị gia tăng. Lộc Trời vẫn muốn lợi nhuận từ sản xuất người nông dân sẽ được hưởng nhiều nhất”, ông Thòn nói.
Tuy nhiên, sau thời gian phát triển nhanh và mạnh, nhưng công tác quản trị không theo kịp nên trong ngắn hạn, để đảm bảo hiệu quả về mặt tăng trưởng cho LTG, Tập đoàn có chủ trương giảm tỷ trọng mảng lương thực.
Trong khi đó, mảng thuốc bảo vệ thực vật vẫn dự kiến đóng góp chính cho doanh thu của LTG trong năm 2018 với tỷ suất lợi nhuận gộp tốt nhất so với các mảng kinh doanh còn lại. Tuy nhiên, cổ đông bày tỏ lo ngại về xu thế thị trường, đang có xu hướng chững lại cùng chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn siết vấn đề môi trường thông qua giảm dư lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng đến mảng kinh doanh này trong tương lai của LTG.
Đối với vấn đề này, ông Thòn nhấn mạnh, chủ trường của LTG là ủng hộ chủ trương của Bộ trong vấn đề bảo vệ môi trường và cũng là nguyện vọng của LTG từ lâu nay.
“Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, LTG phải làm 2 việc cùng lúc là đưa sản phẩm vi sinh hữu cơ vào để thay thế, đồng thời cung cấp cho thị trường sản phẩm cấp cao thay thế dần cho một số mảng ở phân khúc thấp trên thị trường, có mức độc hại nhiều hơn. Qua đó, kỳ vọng thị phần thay thế sẽ bù đắp cho phần giảm đi”, ông Thòn cho hay.
Đối với mảng giống cây trồng, theo kế hoạch 2018, mảng giống chiếm khoảng 10% doanh thu LTG với tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến ở mức 26%.
Ông Thòn cho hay, đây là mảng LTG tự tin có khả năng chiếm lĩnh thị phần trên thị trường. Thực tế, theo số liệu không chính thức từ nhiều nguồn, LTG vẫn đang chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực giống cây trồng.
“Trước mắt, LTG đang muốn củng cố lại chất lượng và xây dựng lại thương hiệu để có bước phát triển vững hơn. Ngành giống về mặt khả năng, thuận lợi LTG có khả năng dẫn đầu, nhưng đội ngũ quản trị còn yếu kém nên LTG sẽ từng bước cấu trúc lại để nâng cao chất lượng, hiệu quả. Với đội ngũ khoa học kỹ thuật, lực lượng 3 cùng, sự ủng hộ của nông dân thì việc có thể chiếm lĩnh dẫn đầu thị trường giống là hoàn toàn khả thi”, ông Thòn cho hay.
Năm 2018, LTG đã thông qua kế hoạh kinh doanh năm 2018 tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, năm 2018, LTG dự kiến doanh thu thuần đạt 9.878 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 589 tỷ đồng, tăng 13,7% và 42,2% so với thực hiện năm 2017.
Cơ cấu doanh thu không thay đổi nhiều so với năm 2017, trong đó mảng thuốc bảo vệ thực vật vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 58%, tiếp đến là mảng lương thực với tỷ trọng khoảng 31% và còn lại từ mảng giống cây trồng.
Về tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu, mảng thuốc vẫn dẫn đầu với tỷ suất cao nhất, tiếp đến là mảng giống và lương thực.
Đại hội thông qua chủ trương chuyển giao dịch cổ phiếu LTG từ UPCoM sang niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), nhưng chưa thực hiện ngay trong năm nay, dự kiến thực hiện trong năm 2019.
Lý giải cho vấn đề này, ông Thòn cho hay, LTG vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc về mặt quản trị.
“Điều đó không có nghĩa LTG không có sự chuẩn bị, Công ty không chỉ chuẩn bị sẵn sàng với sân chơi minh bạch, mà muốn thông qua đó tạo áp lực để đẩy nhanh việc tái cơ cấu một cách quyết liệt hơn”, ông Thòn nhấn mạnh.
Theo ông Thòn, những năm gần đây, hoạt động LTG có những khó khăn nhất định, nhân lực đáp ứng đủ nhưng chưa tốt, nguyên nhân đến từ công tác quản trị kém và chiến lược phát triển chưa rõ ràng.
Đặc biệt, trong năm 2017, LTG có nhiều biến cố về con người, cơ cấu, bộ máy quản trị, quản lý, sau thời gian giải quyết hiện nay đã có những thay đổi và tự tin sẵn sàng lên sàn.
Để đảm bảo lên sàn hiệu quả, thì những vấn đề cần được cải thiện và minh bạch. Từ đầu năm 2018 đã hợp tác với Công ty PwC Việt Nam nhằm đưa ra những tư vấn, giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp đặc biệt cải thiện công tác quản trị, đảm bảo hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.
Ông Thòn cũng thừa nhận, trong thời gian qua, LTG quan tâm quản trị giá trị doanh nghiệp là chính mà không quan tâm nhiều đến giá trị cổ đông.
Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu LTG thanh khoản thấp và giá cổ phiếu chưa tương xứng với giá trị và tiềm năng doanh nghiệp.
ĐHCĐ đã thông qua việc chia cổ tức năm 2017 của LTG với tỷ lệ 40%, bao gồm 20% bằng tiền 20% bằng cổ phiếu. Theo đó, dự kiến trong quý IV/2018, LTG sẽ phát hành 13,4 triệu cổ phiếu để chi cổ tức cho cổ đông. Vốn điều lệ của LTG dự kiến sau phát hành sẽ tăng lên mức 805 tỷ đồng.