ĐHCĐ ACB: Quý I/2024 lãi 4.900 tỷ đồng, tự tin hoàn thành chỉ tiêu 22.000 tỷ đồng lợi nhuận 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 4/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - sàn HOSE) tiến hành Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu kinh doanh 2024, với mục tiêu lợi nhuận 22.000 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu. 
ĐHCĐ ACB: Quý I/2024 lãi 4.900 tỷ đồng, tự tin hoàn thành chỉ tiêu 22.000 tỷ đồng lợi nhuận 2024

Chia cổ tức 25%, mục tiêu lợi nhuận 22.000 tỷ đồng

HĐQT ACB cũng đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2024 tăng 12%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% đạt 593.779 tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay khách hàng là 14% đạt 555.866 tỷ đồng. ACB cho biết, đây là mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tuân thủ theo mức NHNN giao. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, con số này cuối năm 2023 là 1,21%.

HĐQT của ACB nhận định, năm 2024 nền kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh. Với các giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trên nhiều thị trường như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... kinh tế năm 2024 có thể phục hồi. ACB kỳ vọng khả năng sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của các hộ gia đình.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB

ACB cũng lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, với 19.886 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.

Với mức chia cổ tức này, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.800 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2024. Theo ACB, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết nhằm tăng thêm nguồn vốn trung dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, thêm vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược của ngân hàng và nâng cao năng lực tài chính.

Kết thúc năm 2023, ACB hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đã đăng ký ở ĐHCĐ, với mức tăng trưởng tín dụng 17,9%, huy động tăng 16,6%, lợi nhuận vượt 20.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất ngành.

Quý I/2024 lãi 4.900 tỷ đồng, tín dụng tăng 3,7% và có cơ sở hoàn tất mục tiêu 14%

Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ sáng 4/4, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, kết thúc quý I/2024, tín dụng của Ngân hàng tăng 3,7% so với cuối 2023, cao hơn gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành và tăng trưởng tích cực hơn so với các tháng trước đó. Với mức tăng trưởng này, ACB tự tin để hoàn tất mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp năm nay là 14%. Huy động đạt 2,1% so với cuối năm 2023, CASA cũng cải thiện tăng lên trong quý I/2024 đạt 23%.

Lợi nhuận trước thuế trong quý I ước đạt 4.900 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2023, quý I/2024 lợi nhuận ACB có giảm nhẹ. Nguyên nhân, theo ông Phát, do tăng trưởng tín dụng cao nên trích lập dự phòng chung cao hơn cùng kỳ.

Trong quý I/2024, ACB có khoản thu nhập bất thường khoảng 360 tỷ đồng từ việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Do đó, lợi nhuận ACB quý I/2024 vẫn đạt ở mức khả quan.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB

Cũng theo ông Phát, hiện ACB cho vay với lãi suất thấp, với doanh nghiệp ngân hàng chỉ cho vay 4-6%/năm. Còn khách hàng cá nhân từ 6%/năm trở lên. Về dư nợ cho vay bất động sản của ACB dưới 2% trên tổng dư nợ và không có nợ xấu. Cho vay mua nhà của ACB cũng chỉ ở mức dưới 22% trên tổng dư nợ, nhưng nợ xấu chỉ ở mức khoảng 1%.

Bancassurance khó tránh sụt giảm, tự tin hoàn thành chỉ tiêu 2024

Về kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance), năm qua, doanh thu của ACB cũng có sụt giảm nhẹ trong bối cảnh chung của thị trường, song vẫn là ngân hàng có doanh thu về mảng này tương đối khả quan trên thị trường hiện nay.

Trong năm 2024, ACB cũng không đặt kế hoạch và kỳ vọng cao vào mảng kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, lãnh đạo ACB tin rằng, mảng kinh doanh này của ACB nói riêng và thị trường nói chung cũng sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Trả lời cổ đông về việc khi doanh thu của Bancassurance bị ảnh hưởng, ACB sẽ bù đắp doanh thu từ mảng nào khác để có thể thực hiện được mục tiêu lợi nhuận 2024, ông Phát cho hay, nếu có sự sụt giảm ở mảng kinh doanh bảo hiểm và khả năng khó khăn trong lĩnh vực này sẽ còn tiếp tục trong năm 2024, song Ngân hàng cũng sẽ có sự bù đắp đáng kể từ các mảng khác để có thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 22.000 tỷ đồng đưa ra cho năm 2024. Cũng theo ông Phát, gần đây ACB cũng phát triển dịch vụ mới như kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế cũng kỳ vọng phát triển tốt trong năm 2024.

Về nợ xấu là thách thức lớn của cả ngành ngân hàng nói chung và ACB nói riêng. Nợ xấu ACB cũng tăng trong năm qua và tăng lên trong quý I/2024. Tuy nhiên, Tổng giám đốc ACB cho rằng, mức tăng có giảm, do đó dự báo nợ xấu ACB sẽ kiểm soát quanh 1,2-1,3%. Năm 2024, ACB muốn nhấn mạnh vào phát triển doanh nghiệp lớn và vừa. Nhiều năm qua, ACB cũng dựa vào tăng trưởng mảng bán lẻ, gần 94%, mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 6%. Do đó, thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển.

ACB không có kế hoạch M&A và không bán vốn tại ACBS

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc ACB có chiến lược M&A, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, Ngân hàng cũng có tìm hiểu, song chưa có kế hoạch M&A. Theo ông Huy, qua quan sát, ACB cũng nhận thấy có cơ hội để M&A, nhưng qua nghiên cứu, Ngân hàng nhận thấy, ACB có thể tự mình phát triển mà không cần M&A. Đồng thời, ACB cũng không có kế hoạch mở rộng hoạt động ở nước ngoài.

Đối với Công ty Chứng khoán ACBS (công ty chứng khoán trực thuộc ACB), trong những năm trước, Ngân hàng cũng có ý định bán một phần vốn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi ACB luôn mong muốn đẩy mạnh phát triển các công ty con trực thuộc để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nên việc gọi thêm vốn cũng là điều cần thiết.

Theo ông Huy, trước đây, đã có đối tác mong muốn được đầu tư vào ACBS và Ngân hàng cũng đã tiến hành tìm hiểu, đàm phán. Tuy nhiên, qua một thời gian tìm hiểu, đặc biệt trải qua giai đoạn dịch Covid-19 đối tác cũng có khó khăn nhất định và ACB nhận thấy không phù hợp nên đã tự mình đẩy mạnh phát triển ACBS.

Trong năm qua, ACBS đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn góp đến từ chủ sở hữu là ngân hàng mẹ ACB.

Về mảng trái phiếu, ACB cho biết, không có đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong mảng đầu tư trái phiếu, ACB đẩy mạnh đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Với mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Về tỷ lệ cổ tức 25% được ACB duy trì trong nhiều năm qua và trong 2024 ngân hàng cũng dự kiến chia ở mức này. Tuy nhiên, theo Chủ tịch ACB, với tình hình thị trường có khó khăn hiện nay thì để thực hiện được tỷ lệ cổ tức 25% cũng là áp lực đối với ACB.

ACB tiếp tục đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, tập trung vào mảng khách hàng cá nhân, SME bên cạnh khối khách hàng doanh nghiệp. Đồng thời, ACB tập trung mạnh vào mảng ngân hàng số, ACB sẽ tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới, với chi phí đầu tư công nghệ hàng năm của Ngân hàng đến 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Ngân hàng tập trung quản trị rủi ro.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục