ACB đạt hơn 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt hơn 20 nghìn tỷ, hoàn thành 100% kế hoạch năm, tăng trưởng 17,3% so với năm 2022.
ACB đạt hơn 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2023

Năm 2023, vượt qua những khó khăn của thị trường, ACB hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đã đăng ký ở Đại hội đồng cổ đông, với mức tăng trưởng tín dụng 17,9%, huy động tăng 16,6%, lợi nhuận vượt 20 nghìn tỷ, tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất ngành.

ACB cho biết, năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm, tăng trưởng 17,3% so với năm 2022. Tăng trưởng lợi nhuận của ACB chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với cùng kỳ. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu là 24%, nhờ vậy, áp lực lên mảng thu nhập từ lãi giảm. Trong đó, dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư đóng góp lớn vào tăng trưởng thu nhập của ACB. Tỷ lệ ROE ở mức gần 25%, tiếp tục là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả đầu ngành.

Tính đến cuối năm 2023, quy mô tín dụng của ACB đạt gần 488 nghìn tỷ, tăng 17,9% so với đầu năm, cao hơn mức 13,7% bình quân ngành. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhờ chính sách cho vay linh hoạt với tình hình thị trường, bên cạnh nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, trong đó có gói tín dụng 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm để cùng khách hàng vượt qua khó khăn. ACB cũng triển khai hỗ trợ kịp thời theo chỉ đạo của NHNN thông qua Gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng doanh số giải ngân gần 1,9 nghìn tỷ; hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 với tổng dư nợ 2,2 nghìn tỷ.

Quy mô huy động năm 2023 của ACB đạt gần 483 nghìn tỷ, tăng 16,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh mẽ và về đích với mức 22%, đứng TOP 5 về tỷ lệ CASA toàn ngành. Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, nợ xấu của ACB tăng lên mức 1,21% trong năm 2023, tuy nhiên ACB vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường.

ACB cũng là ngân hàng đầu tiên hoàn thành hệ thống quản lý rủi ro liên quan đến lãi suất và thị trường tài chính theo chuẩn mực quốc tế và theo quy định của NHNN tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN. ACB đã hoàn thành phần lớn các nội dung có tính phức tạp cao trong yêu cầu về quản trị IRRBB theo Basel III. Ngân hàng đặt mục tiêu liên tục cải tiến để duy trì vị thế ngân hàng có mô hình quản lý rủi ro tốt nhất trên thị trường. Tới cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ theo Basel II vượt xa mức quy định tối thiểu, ở mức 12,1%.

Đồng thời, ACB tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn thanh khoản theo quy định của NHNN. Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt mức 78% (dưới mức 85% so với quy định), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17% (thấp hơn nhiều so với mức quy định 30%).

Không chỉ hoàn thành kế hoạch kinh doanh hiệu quả và an toàn, ACB cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm tối ưu chi phí. Năm 2023 ghi nhận chi phí hoạt động của ACB giảm 6,3% so với 2022, nhờ đó tỷ lệ CIR được cải thiện còn 33%, giảm so với mức 40% vào cuối năm 2022.

Thùy Thanh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục