Dệt may, sắt thép… chuyển đổi sản xuất xanh hơn

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp dệt may, giày dép, sắt thép, điện tử… đang chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh hơn để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và xã hội mà các thị trường lớn đặt ra.
Dệt may, sắt thép… chuyển đổi sản xuất xanh hơn

Thắt chặt tiêu chuẩn với hàng nhập khẩu

Danh mục sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh tại châu Âu trong thời gian tới bao gồm: sản phẩm điện, điện tử, máy móc, thiết bị, linh kiện liên quan; nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép; dệt may, giày dép... Nội dung này được nhấn mạnh tại Báo cáo Thỏa thuận xanh EU và xuất khẩu của Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 47 tỷ USD, trong đó, riêng 5 nhóm hàng này đã mang về gần 25 tỷ USD.

Hiện 27 thị trường thuộc EU đều thắt chặt tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu theo Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050. Từ cuối năm 2023, EU đã tiến hành kiểm kê phát thải khí nhà kính với sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón và đến đầu 2026 sẽ thu thuế carbon nếu quá trình sản xuất các hàng hóa này không cắt giảm phát thải. Bởi vậy, nếu không nắm bắt và kịp thời chuyển đổi để đáp ứng quy định của nhà nhập khẩu, đường xuất khẩu sang EU của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), trong xu hướng trung và dài hạn, các thị trường Mỹ và EU đều ban hành các chính sách khắt khe về tiêu chuẩn xanh, bền vững. Thiếu chiến lược bài bản trong chuyển đổi xanh dệt may sẽ dần làm mất đi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành. Không thể phủ nhận sản xuất xanh, nguồn cung ứng xanh là xu thế, nhưng cũng không phải vì thế mà làm nhanh, làm gấp, làm khẩn trương khi chưa có chiến lược thực sự bài bản.

Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu xanh 2023 tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Yêu cầu về phát triển kinh tế xanh, bền vững đang hình thành ‘luật chơi’ mới về thương mại và đầu tư, khi nhiều nền kinh tế thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Vì thế, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để không bị loại khỏi “cuộc chơi” bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới tính xanh của chuỗi cung ứng trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.

Hành động sớm để giành lợi thế cạnh tranh

Chuyển đổi sản xuất, cắt giảm tối đa những yếu tố khiến quá trình sản xuất phát thải nhiều ra môi trường là hướng đi sống còn của doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu, nếu không, sẽ dần bị tuột khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, ý thức được yêu cầu chuyển đổi xanh trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã và đang chuyển đổi từng hạng mục trong nhà máy để cắt giảm phát thải nhiều nhất có thể. Việc chuyển đổi sớm sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh khi các quy định chính thức được áp dụng vào ngành dệt may.

Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên nhờ thiết kế nhà xưởng để giảm tiêu dùng điện; xử lý nước thải để tái sử dụng… là những giải pháp mà Tổng công ty May 10 đã thực hiện từ nhiều năm nay. Doanh nghiệp này đang xanh hóa ở các khâu: sử dụng nguyên liệu, tăng dùng nguyên liệu có thể tái chế để thỏa mãn yêu cầu xanh của EU, Mỹ và tới đây là những thị trường khác.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 khẳng định: “Sản xuất đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh với đối thủ ở nước ngoài, đơn giá xuất khẩu hàng hóa sản xuất theo tiêu chuẩn xanh nhờ đó cũng tốt hơn, được các nhà mua hàng để mắt hơn”.

Với ngành thép, EU là thị trường xuất khẩu chủ lực. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp thép cũng đang tiến hành chuyển đổi công nghệ sản xuất để đáp ứng quy định về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Ông Đinh Quốc Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam thừa nhận, công nghệ, thiết bị của ngành thép hiện vẫn đan xen giữa quy mô nhỏ, lạc hậu làm tiêu hao năng lượng cao và công nghệ hiện đại với quy mô lớn.

Để thích ứng với xu hướng phát triển xanh, ngành thép Việt Nam đã đưa ra lộ trình hướng tới trung hòa khí nhà kính đến năm 2050. Các nhà máy sản xuất thực hiện chuyển đổi từ lò cao, lò thổi sử dụng nguyên liệu quặng sắt, nhiên liệu than cốc sang công nghệ mới tiết kiệm và hiệu quả hơn, đồng thời thu giữ CO2 vào năm 2035. Đối với các dự án mới, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm tối đa phát thải khí có hại.

“Nhà sản xuất phải đối diện với thách thức bao gồm cả xử lý thay đổi công nghệ và từng bước tối ưu hóa quy mô sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Tất cả những điều này đều mang tính trung hạn, dài hạn và tốn chi phí, nên thời điểm quyết định đầu tư rất quan trọng”, đại diện Vitas chia sẻ.

TS. Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc nhấn mạnh, xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế đang đặt các ngành hàng xuất khẩu trong nước trước bài toán sống còn về chuyển đổi trong hoạt động đầu tư, sản xuất.

Để giảm thiểu rủi ro, dần đáp ứng “luật chơi” mới, ông Nam khuyên doanh nghiệp đa dạng đối tác, mở rộng xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp cần thực hiện đánh giá rủi ro, lập kế hoạch các kịch bản và xây dựng chiến lược giảm lượng carbon; đánh giá mức độ thâm dụng carbon trong hoạt động sản xuất; tăng đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục