Khôi phục sản xuất
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 cho thấy sự phục hồi. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,5 tỷ USD. Trong đó, xơ, sợi dệt các loại tăng 43,4%, đạt 1,64 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 14,1%, đạt 642 triệu USD.
Các thị trường tiêu thụ chính của hàng dệt may vẫn là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Hiện nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm 2021.
Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH) cho biết, đơn hàng đặt may của Công ty đã ghi nhận đến hết quý IV/2021, Công ty đang dồn lực để sản xuất cho kịp tiến độ với khách hàng.
Trong quý I/2021, MSH đạt tổng doanh thu 945 tỷ đồng, tăng 1%; lợi nhuận sau thuế 92 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động kinh doanh khởi sắc trở lại, đồng thời Công ty tiết kiệm chi phí sản xuất làm giảm giá vốn đã giúp MSH ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (TNG) đã nhận đơn hàng đến hết tháng 8, một số chi nhánh nhận đơn hàng đến tháng 9. Năm nay, TNG đặt kế hoạch đạt doanh thu 4.798 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 14% so với năm ngoái.
Đánh giá về rủi ro và khả năng thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm nay, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Trần Minh Hiếu, Phó tổng giám đốc TNG cho biết, đối với những đơn hàng đã xác nhận với khách hàng, hiện tại tiềm ẩn rủi ro vượt năng lực sản xuất.
Công ty đang chủ động tính toán đàm phán với khách hàng để không ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đồng thời không nhận thêm các đơn hàng mới cho đến khi năng lực sản xuất được tăng cường.
Khó tuyển nhân công
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sau đợt cắt giảm lao động năm 2020, ngành dệt may giờ đây chật vật tuyển lại vì người lao động về quê không trở lại, hoặc chuyển sang bán hàng online. Tại Thanh Hóa, rất nhiều công ty may đăng thông tin tuyển dụng nhân công từ đầu năm đến nay, nhưng số lượng tuyển được thấp xa nhu cầu.
Sau đợt cắt giảm lao động trong năm 2020, ngành dệt may giờ đây chật vật tuyển dụng vì người lao động về quê không trở lại, hoặc chuyển sang bán hàng online.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 cho biết, đơn hàng tại Công ty đã kín quý III/2021. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp ngành may, trong đó có May 10, đang gặp tình trạng tuyển nhân công rất khó. Doanh nghiệp không hiểu vì sao lại như vậy, trong khi điều kiện làm việc hiện nay rất tốt, môi trường làm việc ở May 10 đạt tiêu chuẩn quốc tế, chế độ phúc lợi xã hội đầy đủ.
“Tôi không hiểu sao họ chọn làm ở siêu thị gần nhà máy với mức lương 4 triệu đồng/tháng, trong khi Công ty chi trả 7 triệu/tháng, môi trường làm việc mát mẻ, ăn theo ca đầy đủ, bữa chiều còn được bổ sung thêm… thì lại không làm”, ông Việt băn khoăn nói và cho hay, Công ty đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sản xuất nhà máy tại Bỉm Sơn, Hưng Hà, Hà Quảng, cần lượng nhân công rất lớn.
Năm 2021, May 10 đặt kế hoạch đạt doanh thu 3.359 tỷ đồng, lợi nhuận 91 tỷ đồng, thu nhập trung bình của người lao động là 7,3 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, quỹ lương của không ít doanh nghiệp ngành may so với tổng doanh thu ở mức trên 60%. Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần May Hưng Yên, tổng số lao động 2.000 người, quỹ lương trích và chi phí trả cho người lao động chiếm từ 60 - 62% tổng doanh thu sản xuất. Năm 2021, doanh nghiệp này đặt kế hoạch đạt doanh thu gia công 16 triệu USD, doanh thu tiêu thụ 515 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng và dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 15%.
Cần truyền thông để hiểu đúng về ngành
Đối với ngành may hay bất kỳ ngành sản xuất nào, ổn định nhân sự là một trong những yếu tố “sống còn” của doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ cần phục hồi sản xuất sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Hiện tại, các doanh nghiệp dệt may đang giữ chân người lao động bằng các chính sách, chế độ ổn định, duy trì lương, thưởng và các phúc lợi. Không ít công ty chủ động đào tạo công nhân để tăng năng suất, cải thiện thu nhập.
Như tại TNG, doanh nghiệp đang đẩy mạnh đào tạo thao tác cho công nhân, ví dụ chi nhánh Võ Nhai cử công nhân có năng suất cao, làm việc nhanh đào tạo cho các công nhân khác có hiệu suất thấp hơn. Ngoài ra, Công ty tập trung đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất…
Về việc tuyển dụng mới, các doanh nghiệp đăng công khai chế độ đãi ngộ cùng các phúc lợi.
Chẳng hạn, trong một thông báo của Công ty Dụng cụ thể thao Delta Thanh Hóa đăng tuyển 2.500 công nhân may công nghiệp với chính sách đãi ngộ như thưởng chuyên cần, phụ cấp xăng xe, cơm ca miễn phí, thưởng lễ, Tết, thâm niên, cuối năm. Thậm chí, người lao động được gửi con tại Trường mầm non Họa mi Delta, trẻ được học tiếng Anh với người nước ngoài, Công ty hỗ trợ chi phí gửi trẻ hàng tháng…
Theo ông Thân Đức Việt, một trong những giải pháp mang tính lâu bền là truyền thông để người lao động hiểu đúng về ngành may, xóa bỏ tâm lý làm nghề này có lương thấp, vất vả, độc hại, thường xuyên phải tăng ca…
“So với nhiều ngành khác, làm ngành may đỡ độc hại hơn. Việc tăng ca chỉ diễn ra ở những tháng cao điểm và một năm chỉ có 1 - 2 tháng như thế. Số thời gian làm thêm không qua 40 giờ/tháng và 300 giờ/năm theo quy định của pháp luật. Bù lại, có những tháng làm việc nhàn hạ. Vấn đề tâm lý này cần được giải thích, làm rõ, đồng thời nêu các ưu điểm để thu hút người lao động”, Tổng giám đốc May 10 nói.
Về dài hạn, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ tự động, giảm lao động thủ công và nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh.