Giày dép, dệt may, sắt thép tận dụng hiệu quả ưu đãi từ FTA

0:00 / 0:00
0:00
Đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hằng năm, giày dép, dệt may, sắt thép còn đứng trong top đầu những ngành hàng tận dụng hiệu quả ưu đãi từ FTA.
Giày dép, dệt may, sắt thép tận dụng hiệu quả ưu đãi từ FTA

Gần 53 tỷ USD hàng xuất khẩu được ưu đãi thuế

Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây một phần lớn nhờ vào việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Có thể thấy, tác động tích cực của việc tham gia các FTA không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường và tăng trưởng xuất khẩu, mà điều cốt yếu là, nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực đáp ứng quy định về xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, nâng cao giá trị, giúp hàng Việt giành lợi thế cạnh tranh...

Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, với 13 FTA đa phương và song phương được thực thi trong năm 2020, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 1 triệu bộ C/O (chứng nhận xuất xứ) ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường có FTA với trị giá 52,8 tỷ USD, tăng 6% về trị giá và 9% về số lượng bộ C/O so với năm 2019.

Nhìn vào tổng kim ngạch xuất khẩu 282,6 tỷ USD trong năm qua, con số gần 53 tỷ USD hàng hóa được hưởng ưu đãi có thể chưa lớn, nhưng với mặt bằng khâu sản xuất thượng nguồn của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta còn hạn chế, nguyên liệu đầu vào phụ thuộc nhập khẩu, kết quả này là sự nỗ lực không nhỏ của các doanh nghiệp trong việc đáp ứng xuất xứ để tận dụng ưu đãi thuế quan.

Cụ thể, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu có sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 33,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường có FTA. Theo từng mẫu C/O, C/O VC theo FTA Việt Nam - Chi-lê có tỷ lệ sử dụng ưu đãi là 65,5%, C/O EAV theo FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu: 31,8%, C/O mẫu AANZ theo FTA ASEAN với Australia, New Zeland: 40,2%. Theo thị trường xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi là 52,01%; Nhật Bản: 38,35%; Trung Quốc: 31,6%. Theo mặt hàng xuất khẩu, hàng dệt may có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi khoảng 58%, gỗ và sản phẩm gỗ: 32%; thủy sản: 68%.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá: “Tuy tỷ lệ sử dụng C/O khi xuất khẩu sang một số thị trường có FTA có thể giảm, nhưng số lượng hồ sơ đề nghị cấp C/O ưu đãi vẫn tăng đều từng năm. Đây là dấu hiệu rất tích cực trong việc tận dụng cam kết trong các FTA của các doanh nghiệp Việt”.

Cần phải nói thêm, tỷ lệ 33,1% sử dụng C/O ưu đãi không có nghĩa là gần 67% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam chịu thuế cao.

Trên thực tế, thuế nhập khẩu theo nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) tại một số thị trường đã được đưa về mức 0%, hoặc rất thấp (1 - 2%), hoặc tương đương mức thuế suất ưu đãi theo FTA. Trong các trường hợp này, doanh nghiệp không đề nghị cấp C/O ưu đãi khi xuất khẩu, bởi việc có hay không có C/O ưu đãi không khác biệt về thuế quan.

Ví dụ, kim ngạch xuất khẩu đi Singapore có sử dụng C/O mẫu D trong năm 2020 đạt 234 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 7,7% trong 3,05 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, do thuế MFN của Singapore là 0%, nên doanh nghiệp không cần thiết xin C/O ưu đãi khi xuất khẩu.

Cộng điểm cho sắt thép, dệt may, giày dép…

Mang về giá trị xuất khẩu trên 16,8 tỷ USD trong năm 2020, giày dép đứng trong top đầu những ngành hàng tận dụng hiệu quả ưu đãi từ FTA, với gần 7,35 tỷ USD hàng hóa được hưởng ưu đãi.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Lefaso cho biết, tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt. Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA. Đặc biệt, tại một số thị trường, tỷ lệ này đạt 100%.

Cùng với giày dép, dệt may cũng là mặt hàng có tỷ lệ hàng hóa được cấp C/O ưu đãi cao. Năm 2020, lượng hàng dệt may xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi sang các thị trường có FTA đạt 7,3 tỷ USD, chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này (29,8 tỷ USD).

Sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép cũng có tên trong danh sách, với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi trên 2,9 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2019, chiếm 48% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường có FTA.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của sắt thép xuất khẩu gia tăng là nhờ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành như Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Nam Kim… đã đầu tư mạnh cho các dự án để sở hữu hệ sinh thái sản phẩm thép từ quặng sắt đa dạng nhất.

Chẳng hạn, riêng Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng thép thô trên 8 triệu tấn/năm, gồm hơn 5 triệu tấn thép xây dựng và 3 triệu tấn thép lá cuộn cán nóng. Dự kiến, khi Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành, sản lượng thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản cũng có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA như thủy sản (68%), gạo (68%), hạt tiêu (65%), cà phê (48%)…

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục