Đến lúc phải khơi thông thị trường vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Không ở đâu trên thế giới, vàng và thị trường vàng thỉnh thoảng lại dậy sóng và trở thành vấn đề rắc rối cả trong lòng dân và trên bình diện thị trường tài chính như ở Việt Nam.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế

Vàng và thị trường vàng trên toàn cầu rất đơn giản, vàng là loại hàng hóa có thể trở thành phương tiện thanh toán (xa xưa) và phương tiện cất trữ giá trị (nay vẫn còn). Lý do chủ yếu vì vàng là kim loại quý hiếm, không bị lão hóa theo thời gian. Sản lượng vàng toàn cầu là hữu hạn, không phải muốn tăng là tăng như hàng hóa khác. Giá vàng luôn có xu hướng tăng do sản lượng khai thác vàng hàng năm chỉ tăng 1,5%, trong khi tiền giấy tăng hàng năm từ 3,5 - 4,5%. Chính vì vậy, vàng trở thành công cụ cất trữ giá trị lý tưởng so với bất kỳ loại hàng hóa nào khác.

Vàng cũng là tài sản có thanh khoản rất tốt, vì khối lượng vàng được mua để đầu tư, cất trữ rất lớn, với mọi quy mô, mua và cất trữ nhiều nhất là các ngân hàng trung ương. Tổng khối lượng vàng đã được khai thác đang lưu thông và cất trữ trên toàn cầu xấp xỉ 60.000 tấn. Nếu được đúc thành một khối, thì tổng lượng vàng trên thế giới chỉ là một tòa nhà có chiều dài 20 m, chiều rộng 20 m, chiều cao 20 m (8.000 m3). Tính đến năm 2023, nhân loại đã khai thác hết 2/3 trữ lượng vàng dự báo và điều kiện, chi phí khai thác, ô nhiễm môi trường đang ngày càng tăng. Điều này cho thấy phương tiện cất trữ này ngày càng khan hiếm trong dài hạn và tính ổn định giá trị của vàng tốt hơn mọi đồng tiền giấy khác, cho dù là USD, EUR….

Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, vàng không phải là nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô, mà chính kinh tế vĩ mô bất ổn (lạm phát) đã gây biến động giá vàng và thường vào thời điểm này, tâm lý chạy trốn vào vàng bùng nổ. Vàng tăng giá liên tục kéo theo một lượng lớn thanh khoản của thị trường suy giảm, tín dụng giảm theo, vòng quay của tiền dao động bất thường và trong chừng mực nhất định có thể có tác động từ thị trường vàng sang các phân khúc thị trường tài sản khác.

Giá vàng SJC luôn chênh lệch hàng chục triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới

Giá vàng SJC luôn chênh lệch hàng chục triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới

Giai đoạn 2009 - 2011, trong lúc lạm phát đang rất cao do khủng hoảng tài chính, GDP tăng trưởng rất thấp (4%), chúng ta lại cho phép các ngân hàng thương mại được kinh doanh vàng, được nhận tiền gửi và cho vay vàng, với mục đích là huy động vàng trong dân để phát triển kinh tế (vốn hóa vàng). Chủ trương sai lầm này đã thúc đẩy phần lớn các ngân hàng thương mại lao vào huy động vàng và kinh doanh vàng, thậm chí có ngân hàng tạo ra sàn giao dịch vàng kết nối với sàn vàng London. Sau hai năm, 18 ngân hàng báo lỗ tài khoản kinh doanh vàng, trầm trọng nhất là SCB, DongA Bank. ACB cũng lỗ hàng ngàn tỷ đồng.

Vấn đề không dừng lại ở đó, nợ xấu vàng gia tăng mạnh và đặc biệt là xu thế vàng hóa xuất hiện ngày càng nhiều. Vàng hóa, cũng như đô-la hóa là hiện tượng ngân hàng nhận tiền gửi và cho vay bằng vàng hay USD, làm gia tăng phương tiện thanh toán này trong nền kinh tế (định nghĩa của IMF). Giá vàng vì thế biến động dữ dội, có ngày tăng giảm tới 35 lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người dân và tâm lý lạm phát nói chung.

Trong bối cảnh đó, Nghị định 24 được ban hành (năm 2012) chấm dứt cơ chế nhận tiền gửi và cho vay bằng vàng; ngân hàng muốn kinh doanh vàng phải được cấp phép và thành lập công ty riêng. Nghị định cũng quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu, đồng thời đặt thị trường vàng trong khuôn khổ kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước như là một loại hình kinh doanh có điều kiện, có cấp phép và có giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, nhãn hiệu vàng SJC cũng được “trưng thu” làm nhãn hiệu độc quyền của Nhà nước.

Đến năm 2015, hầu hết các bất ổn của thị trường vàng đã được kiểm soát, tài khoản kinh doanh vàng và hoán đổi vàng trong hệ thống ngân hàng dần biến mất, chỉ còn vàng gửi (két sắt) tại một số ngân hàng thương mại và một số chứng chỉ vàng còn tồn dư từ giai đoạn trước đó ở một số ngân hàng lỗ lớn trước đây (SCB).

Từ đây, bắt đầu phát sinh vấn đề mới:

Chúng ta cần thẳng thắn rằng, nhu cầu nhập khẩu vàng của Việt Nam không lớn, khoảng 3 tỷ USD, bằng một nửa kim ngạch xuất khẩu rau quả và chỉ bằng 15 - 20% lượng kiều hối vào Việt Nam.

Một là, Nhà nước không nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, khiến cho chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế ngày càng giãn ra. Trước đây, chênh lệch này chỉ 400.000 - 500.000 đồng/lượng thì ngày nay khoảng 4 triệu đồng/lượng với vàng các thương hiệu khác và 17 - 20 triệu đồng/lượng với vàng SJC. Đây là cơ hội cho buôn lậu vàng ngày càng gia tăng. Đồng thời, người mua vàng Việt Nam, kể cả các nhà sản xuất vàng trang sức cũng mất đi khối lượng tiền khổng lồ.

Hai là, tự chúng ta tạo thêm một mặt bằng giá vàng SJC cao hơn nhiều so với vàng bình thường, mặc dù chất lượng tương đương (99,99%), chênh lệch lúc cao nhất 15%. Lý do là người mua vàng cho rằng, đây là nhãn hiệu độc quyền sản xuất của Ngân hàng Trung ương và Ngân hàng Trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu nên đáng tin cậy hơn. Tình trạng này cũng dẫn đến tình trạng vàng SJC giả được chế tác rất tinh vi từ nước ngoài nhập lậu về Việt Nam. Thiệt hại cuối cùng vẫn là người mua vàng, nhất là những người dân mua vàng để dành - thường ít có hiểu biết về vàng.

Như vậy, lẽ ra là từ năm 2015, khi tình trạng vàng hóa đã chấm dứt, nợ xấu vàng tồn dư đã được tất toán thông qua các phiên đấu thầu diễn ra sau năm 2012 thì Nghị định 24 cần được sửa đổi theo hướng bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu của Nhà nước, trả lại chức năng này cho các công ty kinh doanh vàng đủ điều kiện. Nhà nước sử dụng công cụ mạnh nhất của mình là thuế quan và các loại thuế thông thường khác để kiểm soát thị trường vàng. Làm như vậy, thị trường vàng trong nước và quốc tế sẽ liên thông, tình trạng buôn lậu được hạn chế (hạn chế đến đâu là do chính sách thuế quan quyết định: thuế cao quá thì hạn chế được ít, thuế thấp thì chẳng ai buôn lậu làm gì). Đây cũng là thông lệ quốc tế hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, nên cấp hạn ngạch (quota) cho các công ty kinh doanh vàng để họ nhập khẩu. Thực tế, biện pháp quản lý hạn ngạch nhập khẩu đã quá lỗi thời, nó chỉ có lợi cho người “chạy” được hạn ngạch và người cấp hạn ngạch và vẫn tạo ra chênh lệch giá bất lợi cho người mua vàng trong nước.

Cũng có ý kiến lo ngại rằng, nếu cho phép nhập khẩu tự do vàng sẽ tốn kém ngoại tệ lớn. Chúng ta cần thẳng thắn rằng, nhu cầu nhập khẩu vàng của Việt Nam không lớn, theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới là vào khoảng 50 tấn/năm (khoảng 3 tỷ USD), bằng một nửa kim ngạch xuất khẩu rau quả và chỉ bằng 15 - 20% lượng kiều hối vào Việt Nam. Chưa kể, nếu giá vàng trong nước bằng với giá vàng thế giới thì các công ty kinh doanh vàng mới có thể chế tác vàng trang sức để xuất khẩu, bù vào lượng ngoại tệ đã nhập khẩu vàng, thậm chí về lâu dài có thể cân bằng (sản xuất vàng trong nước là một thế mạnh của Việt Nam).

Lời giải cho bài toán cân bằng giá vàng trong nước và quốc tế phải và chỉ có thể là khơi thông thị trường, điều tiết bằng thuế và quản lý xuất nhập khẩu, mua bán công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường. Việc tổ chức đấu thầu trong khi vẫn giữ nguyên Nghị định 24 không phải là biện pháp vẹn toàn và dài hạn, hiệu quả cân bằng giá cũng rất thấp. Tình trạng vàng hóa đã biến mất từ lâu nhưng nỗi ám ảnh của nó vẫn còn, nhất là trong khu vực hoạch định chính sách. Đã đến lúc cần phải coi xuất nhập khẩu vàng, kinh doanh vàng chủ yếu là chính sách thương mại có điều kiện, thậm chí kém xa chính sách xuất nhập khẩu xăng dầu.

Nếu coi vàng là chính sách tiền tệ thì chỉ còn lại việc Nhà nước mua vàng dự trữ - như ngân hàng trung ương các nước đang làm. Dự trữ vàng có thể an toàn hơn các ngoại tệ khác trong bối cảnh đa cực, đa dạng đồng tiền thanh toán quốc tế và đặc biệt là phát hành tiền không còn được kiểm soát nghiêm ngặt (qua IMF) như trước đây, mà phụ thuộc rất lớn vào chính sách tiền tệ - tài khóa của mỗi nước.

TS. Lê Xuân Nghĩa
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục