Đến giữa tháng 6, tín dụng tăng gấp đôi cùng kỳ, cho vay chứng khoán tăng 3%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hết room tăng trưởng tín dụng, theo đó, các ngân hàng thương mại có ý kiến xin nới trần với cơ quan quản lý. Đây là một trong các nội dung được trả lời tại buổi họp thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm sáng nay (21/6)
Đến giữa tháng 6, tín dụng tăng gấp đôi cùng kỳ, cho vay chứng khoán tăng 3%

Trước câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về việc có nên giữ hay bỏ trần hạn mức tăng trưởng tín dụng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ đây là giải pháp điều hành của NHNN dùng trong thời gian qua. Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là có những giải pháp phù hợp ổn định nền kinh tế, ổn định vĩ mô là tối quan trọng.

“Sau khi nghiên cứu với các chuyên gia và kinh nghiệm của các nước, việc áp dụng hạn mức tín dụng là hết sức cần thiết. Tại Việt Nam, vốn tín dụng ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế là chủ yếu trong khi ở các nước khác thị trường cung ứng vốn từ nhiều thị trường như chứng khoán và trái phiếu. Nếu như không quản lý tốt, hài hoà, tạo ra sự bất ổn, khiến các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt, không kiểm soát được thì nợ xấu nguy cơ tăng lên”, ông Đào Minh Tú nói.

Cũng theo ông Đào Minh Tú, hạn mức tăng trưởng tín dụng vừa đảm bảo tăng trưởng vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng, trước mắt là công cụ hiệu quả hữu hiệu. Trong tương lai khi thị trường cung ứng vốn không phụ thuộc nhiều vào tín dụng, NHNN có thể thay đổi phương thức này.

“Thời gian vừa qua, NHNN đã phân bổ tín dụng ban đầu cho các ngân hàng và cơ quan quản lý vẫn đang điều hành trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có chiều hướng tăng và tăng trưởng tín dụng được đảm bảo an toàn… phương án nới room tăng trưởng tín dụng mục tiêu sẽ được đặt ra”, ông Đào Minh Tú nói.

Cũng liên quan đến vấn đề đang “nóng” trên thị trường là tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết: “Với các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành ngân hàng đã tạo đà phục hồi tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng từ 5,5 - 6%”.

Được biết, tính đến ngày 15/6/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020. Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%).

Cũng theo ông Tuấn Anh, cơ cấu tín dụng tiếp tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế bao gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng DNNVV tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.

Liên quan đến tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, ông Tuấn Anh cho biết, được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN, có 3/4 lĩnh vực tăng trưởng so với cuối năm 2020, riêng tín dụng lĩnh vực BOT, BT giao thông tiếp tục giảm.

Cụ thể, dư nợ lĩnh vực chứng khoán dự kiến đến cuối tháng 6 tăng khoảng 3% nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ (0,48%) trong tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với lĩnh vực BĐS ước tăng 6%; dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông ước giảm 1,65%.

Đã giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn

Được biết, tính đến cuối tháng 5/2021 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 256 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 337 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 677 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỷ đồng, đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng cho hơn 480 nghìn khách hàng.

Dư nợ lĩnh vực chứng khoán dự kiến đến cuối tháng 6 tăng khoảng 3% nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ (0,48%) trong tổng dư nợ nền kinh tế

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ chung nêu trên, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã tích cực, chủ động có giải pháp hỗ trợ riêng đối với khách hàng, địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần thứ 3 và thứ 4, điển hình từ đầu năm 2021 đến nay đã có 17 TCTD đã công bố công khai về các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi. Cụ thể như:

Thứ nhất, Vietcombank giảm ở mức 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh;

Thứ hai, Agribank hỗ trợ cho các chi nhánh mức lãi suất tối đa 2,5% để giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch (quy mô hỗ trợ áp dụng cho dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng);

Thứ ba, BIDV triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ, lãi suất giảm 1%-1,5% so với kỳ trước;

Thứ tư, VietinBank giao quyền chủ động cho các Chi nhánh được giảm đến 2% lãi suất cho vay, dự kiến mức hỗ trợ lãi, phí năm 2021 của NHCT tiếp tục duy trì tối thiểu bằng mức đã thực hiện năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ đồng);

Thứ năm, một số NHTMCP, ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính đã tích cực triển khai các gói tín dụng đối với khách hàng với lãi suất phù hợp, có thể kể đến: NH Bắc Á, NH Hàng Hải, NH An Bình, HDBank, Việt Nam Thương tín, PVcombank, Nam Á Bank, Techcombank, Bảo Việt Bank, Sài gòn Công thương, Ngân hàng UOB (Singapore), HSBC, Công ty tài chính Mirae asset.

Riêng đối với chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airline (VNA), ông Tuấn Anh cho biết, tính đến nay, có 3 TCTD (SeA Bank, MSB và SHB) đã có văn bản cam kết tài trợ cho VNA vay với tổng số tiền là 4000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN. Các TCTD và VNA đang tích cực thực hiện các thủ tục, đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân cho vay cuối tháng 6-7/2021.

Đối với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, đến 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân tái cấp vốn cho NHCSXH với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và NHCSXH đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; dư nợ của chương trình tại NHCSXH đến nay là 38,47 tỷ đồng.

"Hiện, Bộ LĐTBXH đang đầu mối phối hợp với các đơn vị xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (trong đó có chính sách tín dụng), NHNN đã và đang tích cực phối hợp Bộ LĐTBXH trong hoàn thiện chính sách này. Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đạt 238.729 tỷ đồng, tăng 5,54% so với cuối năm 2020, với gần 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ", ông Tuấn Anh nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục