Đây là khuyến nghị chính được nhiều chuyên gia nêu lên tại Hội thảo “Cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn: yêu cầu và bước đi” do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa tổ chức.
Đánh giá bức tranh tăng trưởng kinh tế hiện nay, ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô cho rằng, triển vọng tăng trưởng đang không như kỳ vọng. Chính vì vậy, dự báo triển vọng tăng trưởng năm 2017, ông Dương lo ngại Việt Nam có thể không nằm trong 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, dù một số nước Đông Nam Á vẫn đạt được.
Cụ thể, nhu cầu tại các nền kinh tế phát triển tương đối bấp bênh, trong khi các nền kinh tế đang phát triển lại không phải thị trường trọng điểm của Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện nay, động lực cho tăng trưởng xuất khẩu khó có thể duy trì trong trung hạn và chưa xuất hiện yếu tố mới, trong khi mục tiêu duy trì tăng trưởng xuất khẩu trên 10% là rất tham vọng.
“Tư duy về hoạt động xuất khẩu có mâu thuẫn lớn. Chúng ta đang tập trung vào hàng hóa trọng điểm hay thị trường ngách, hay cả hai? Chính phủ vẫn nhấn mạnh là tại sao tăng trưởng xuất khẩu vừa qua chỉ tập trung vào 10 thị trường trọng điểm. Vậy thị trường ngách thế nào?”, ông Dương đặt ra nhiều câu hỏi và cho rằng, trong bối cảnh gia tăng bảo hộ ngày một tinh vi, rủi ro là rất lớn nếu quá phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu chính
Đối với đầu tư nước ngoài, ông Dương cho biết, trong 3 năm trở lại đây, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có xu hướng giải ngân nhanh hơn, số lượng lớn hơn. Tuy nhiên, không thể chỉ nhìn vào con số vốn được giải ngân, thay vào đó cần xem xét nguy cơ nhà đầu tư FDI có thể chèn lấn khu vực nội địa trong việc tiếp cận nguồn tín dụng.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là tín dụng. Theo CIEM, việc dồn tín dụng kích thích tổng cầu trong khi tổng cung không tăng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
“Hiện tại, câu chuyện tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 20% lại được đặt ra. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề không phải tăng bao nhiêu, mà là vốn có chảy vào được khu vực sản xuất hay không? Nếu nguồn tiền đổ vào bất động sản, khu vực phi sản xuất thì kinh tế vĩ mô sẽ bất ổn”, ông Dương cho biết.
Với các phân tích này, đại diện CIEM cho rằng, song song với thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, không thể lơ là việc cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn thông qua việc cải thiện năng suất và sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và nhất là đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đồng tình quan điểm này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là cần cải thiện được năng suất lao động và hiệu quả việc phân bổ, sử dụng nguồn lực. Theo tính toán, cần phải tăng năng suất lao động từ 5,5 - 6% mới có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng.
Bên cạnh đó, một giải pháp không mới nhưng rất hữu ích là sử dụng hiệu quả các nguồn lực thông qua việc phân bổ lại theo tín hiệu và nhu cầu của thị trường, thay vì cách làm mang tính áp đặt lên thị trường như hiện nay.
Ông Cung cho biết, theo Tổng cục Thống kê, tổng tài sản tích lũy của cả khu vực tư nhân và nhà nước theo giá sổ sách là khoảng 700 tỷ USD, trong đó khu vực nhà nước là 304 tỷ USD, khoảng 400 tỷ USD của doanh nghiệp ngoài nhà nước, chưa tính tổng tài sản của khu vực FDI khoảng 100 tỷ USD. Việc sử dụng nguồn lực này thế nào cho hiệu quả sẽ là chìa khóa để đạt mục tiêu tăng trưởng không những trong năm nay mà trong cả trung và dài hạn.
“Nếu tập trung vào nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực này thì tốc độ tăng trưởng sẽ là 8 - 8,5%, không chỉ dừng ở 6, 5 - 7%”, ông Cung phân tích.
Cũng theo ông Cung, cần thay đổi tư duy trong hoạch định chính sách, thay vì huy động nguồn lực vào nhiều lĩnh vực thì cần tập trung có trọng tâm, trọng điểm và quan trọng nhất là sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Việc vốn đổ vào các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư ngoài ngành vượt khả năng kiểm soát dẫn tới sự đổ vỡ của 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng vừa qua là một bài học rất nhức nhối.
Chọn 2 đầu tàu tăng trưởng
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Tôi đề xuất nên lựa chọn tăng chậm lại một số ngành để ưu tiên đẩy nhanh tăng trưởng các ngành có tiềm năng và lợi thế phát triển hiện nay là công nghệ thông tin, du lịch và chế biến nông lâm thủy sản...
Nên chọn ra 2 đầu tàu để làm thí điểm mô hình tăng trưởng mới, kể cả cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 2 đầu tàu tăng trưởng mạnh sẽ kéo các ngành khác tăng trưởng theo.
Trong bối cảnh nguồn lực và ngân sách của Việt Nam có hạn, cần ưu tiên những ngành có tiềm năng.