Theo đó, nếu không có động lực mới để thay thế những yếu tố cũ vốn đã xói mòn thì tốc độ tăng trưởng các quý tới khó có thể bứt phá để đạt mục tiêu đặt ra.
Phát biểu tại Hội thảo Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Động lực cho cải cách, ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho biết, việc hầu hết các yếu tố trụ cột như thu hút vốn FDI, xuất khẩu, tín dụng, số doanh nghiệp gia nhập thị trường… đều tăng song tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I lại giảm thể hiện xu hướng suy giảm của hàm lượng gia tăng trong các hoạt động kinh tế.
Chẳng hạn, xuất khẩu quý I/2017 tăng 15%, nhưng nhập khẩu tăng tới 24%, tức là mức tăng từ nhập khẩu để hỗ trợ tốc độ tăng của xuất khẩu rất cao, khiến phần lợi ích mà nền kinh tế thu được từ xuất khẩu chưa nhiều.
Đáng chú ý, điểm đáng lo ngại nhất là thu ngân sách trong quý I/2017 tăng rất nhanh. Trong khi chi ngân sách chỉ tăng 2,7%, con số này đối với thu ngân sách là 15% và mức thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang cao nhất. Nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, phí và lệ phí tăng tới 66% trong quý I/2017.
Theo phân tích của cơ quan này, dù tỷ trọng tương đối nhỏ, nhưng với mức tăng lớn như vậy, doanh nghiệp sẽ khó có động lực để phát triển, hoặc phải chọn cách đầu tư các ngành nghề rủi ro cao, mang tính chất đầu cơ nhưng lợi nhuận lớn để bù đắp.
Do đó, sự bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp, vốn là một cơ sở quan trọng tạo nên tăng trưởng GDP, đang thiếu cơ chế khuyến khích. Điều này cũng giải thích lý do tại sao số lượng doanh nghiệp tuy tăng mạnh nhưng hầu như không có đóng góp cho nền kinh tế.
“Rất nhiều doanh nghiệp vừa thành lập đã phải rời “cuộc chơi” vì không thể chịu nổi mức thuế và phí như hiện nay. Nếu chúng ta không có những giải pháp để cải thiện tình trạng này và đặc biệt là tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn thì doanh nghiệp khó có động lực để tồn tại và phát triển sau khi gia nhập thị trường, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế”, ông Dương nhận định.
Bên cạnh đó là câu chuyện liên quan đến quản lý nhà nước, khi tư duy không đánh đổi môi trường lấy kinh tế dần chi phối hoạt động phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư trong thời gian qua.
“Với thay đổi này, chi phí, thời gian thực hiện dự án sẽ tăng lên. Như vậy, việc hiện thực hóa lợi ích từ các dự án đầu tư trên phương diện tăng trưởng kinh tế sẽ không được nhiều như trước đây. Trong khi động lực thay thế khác của tăng trưởng lại chưa thấy rõ”, ông Dương cho biết.
Trong bối cảnh này, theo ông Dương, sự thận trọng trong điều hành tuy cần thiết, nhưng cần phải có cơ chế, nguồn động lực khác để thay thế, đặc biệt là việc tạo cơ hội nhiều hơn cho khu vực tư nhân tham gia vào nền kinh tế.
Cùng chung quan điểm này, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc tìm ra động lực mới cho nền kinh tế cần được coi là mối quan tâm lớn nhất hiện nay.
“Tăng trưởng GDP quý I chủ yếu là phát triển chiều rộng, chưa khai thác chiều sâu. Trong khi đó, các giải pháp đưa ra cho tới nay không mang tính dài hạn, quanh quẩn vẫn là tăng khai thác dầu thô, tăng vốn đầu tư, dù mô hình tăng trưởng và cơ cấu đầu tư thiếu hợp lý chưa có sự thay đổi do cách thức điều hành như cũ”, ông Ân nhấn mạnh.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những điều kiện tiên quyết để giúp kinh tế các quý tới bứt phá, đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đặt ra là phải có được động lực tăng trưởng mới.
Theo đó, cần đẩy mạnh hơn tiến trình cải cách, đặc biệt là trong bộ máy điều hành của cơ quan quản lý các cấp, bỏ cơ chế xin cho để tạo đà cho khu vực tư nhân vươn lên thành động lực mới cho tăng trưởng trong thời gian tới.
Cần tạo điều kiện cho nguồn vốn đầu tư tư nhân
Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Điều hành Market Intello
Với kế hoạch cắt giảm khai thác dầu thô và những dấu hiệu kém khả quan ở khu vực công nghiệp trong quý I/2017, có thể nói mục tiêu tăng trưởng 6,7% là rất khó đạt được.
Để cải thiện sức khỏe của nền kinh tế, thách thức chủ yếu là làm thế nào để tiếp tục khuyến khích được đầu tư từ khu vực tư nhân.
Trong bối cảnh dòng vốn FDI hạn chế và giải ngân vốn ngân sách gặp khó khăn, kinh tế Việt Nam rất cần các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn vốn đầu tư tư nhân phát triển.